Dường như việc phải thích ứng và đối phó với những thách thức mới nổi ngày càng khó lường không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai đã khiến mục tiêu hồi sinh quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương được Mỹ coi là ưu tiên và cũng được các đồng minh trong NATO hưởng ứng.
"Trong 4 năm qua, chúng ta đã đối mặt với một số thách thức trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương" nhưng giờ đây, "chúng ta có cơ hội duy nhất để mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa Bắc Mỹ và châu Âu". Tuyên bố trên được Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trước thềm hội nghị đã phần nào khái quát sự kỳ vọng về một hình ảnh NATO "gương vỡ lại lành” sau 4 năm căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump từng công khai đánh giá NATO đã "lỗi thời" và chỉ trích các đồng minh "luôn lợi dụng Mỹ", thậm chí không ít lần bóng gió về khả năng rút khỏi khối liên minh quân sự hơn 70 năm tuổi này.
Tuy nhiên, sau khi tiếp quản chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ động phát đi những thông điệp hàn gắn và hồi sinh mối quan hệ với NATO nhằm chia sẻ những giá trị và lợi ích chung. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đề cập mục tiêu xây dựng "mặt trận thống nhất" của NATO nhằm kiềm chế "các đối thủ chiến lược toàn cầu", trong bối cảnh Nga được đánh giá là đang "tiếp tục mở rộng ảnh hưởng về phía Tây" thông qua những dự án năng lượng lớn và Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Ông Biden đã khẳng định cam kết của Mỹ đối với Điều 5 Hiệp ước thành lập NATO, trong đó nêu rõ hành động tấn công vào bất kỳ một nước thành viên nào cũng là tấn công vào cả khối liên minh quân sự này, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của NATO đối với hoạt động phòng thủ chung và các giá trị chung của Mỹ.
Trong khi đó, NATO cũng muốn củng cố mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ để khối có thể giải quyết những thách thức đang tồn tại và mới nổi, như vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng và công nghệ mới, khi mà cán cân quyền lực toàn cầu đã có nhiều thay đổi. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhận định năm 2021 sẽ là một năm quan trọng đối với khối này trong việc cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Những chuyển động tích cực trên đã “tạo đà” cho hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, vốn diễn ra vào "thời khắc then chốt" như mô tả của Tổng Thư ký Stoltenberg. Trong tuyên bố chung dài 41 trang, 30 lãnh đạo các nước thành viên NATO đã tái khẳng định sự thống nhất nội khối, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vào thời điểm mà môi trường an ninh đang diễn biến ngày càng phức tạp. Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng của Điều 5 Hiệp ước thành lập NATO, phản ánh sự nhất quán trong quan điểm của các nước thành viên rằng NATO vẫn là nền tảng của chính sách phòng thủ tập thể với trụ cột là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Một điểm nhấn tại hội nghị là các nước thành viên đã nhất trí về chương trình nghị sự "NATO 2030", thay thế Chiến lược năm 2010, cũng như hoạch định công việc của NATO trong 10 năm tới. Đây được xem là chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng về an ninh và quốc phòng trong nỗ lực đảm bảo một NATO ngày càng vững mạnh và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa và thách thức trong tương lai. Với 3 mục tiêu cốt lõi gồm phòng thủ tập thể, xử lý khủng hoảng và hợp tác an ninh, chương trình này bao gồm việc tăng cường tham vấn chính trị và khả năng phục hồi của xã hội, củng cố năng lực phòng thủ và răn đe, nâng cao lợi thế công nghệ và phát triển "Khái niệm chiến lược" mới của NATO để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh năm 2022. Việc thông qua sáng kiến này cũng phản ánh NATO chú trọng tới cải tổ để thích ứng với môi trường an ninh quốc tế không ngừng biến động, các mối đe dọa và cạnh tranh chiến lược gia tăng, cọ sát giữa các nước lớn diễn ra mạnh mẽ hơn.
An ninh mạng cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của NATO với việc nhất trí về một chính sách phòng thủ không gian mạng mới, trong đó thừa nhận các mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng phức tạp, tinh vi và thường xuyên hơn. Điều này được phản ánh qua hàng loạt vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) gần đây nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như các tổ chức của các nước thành viên NATO. Đơn cử như hồi tháng 5, hàng loạt cuộc tấn công mạng đã được tiến hành nhằm vào những cơ quan, công ty Mỹ như nhà điều hành đường ống dẫn dầu ở Bờ Đông nước Mỹ Colonial Pipeline và chi nhánh JBS USA thuộc nhà cung cấp thịt lớn nhất thế giới JBS SA. Theo Giáo sư an ninh mạng Tyler Moore thuộc Đại học Tulsa (Mỹ), những cuộc tấn công bằng ransomware có thể phá vỡ các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và một khi chuỗi cung ứng công nghệ của các công ty nạn nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại sẽ lan rộng sang nhiều công ty khác.
Đặc biệt, hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên NATO cụ thể hóa kế hoạch giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong hoạt động quân sự vào chương trình chung của khối. Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 2, lượng khí thải carbon từ chi tiêu quân sự của 27 nước Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2019 lên tới khoảng 24,8 triệu tấn CO2 - tương đương với lượng khí phát thải từ khoảng 14 triệu ô tô. Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO hiện đang làm việc tại Tổ chức tư vấn Friends of Europe ở Brussels nhận định các chính sách an ninh phản ánh nhận thức rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến xung đột.
Về quan hệ với các nước lớn, NATO thể hiện quan điểm cho rằng một loạt động thái của Nga và những hành vi quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra thách thức đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh của NATO.
Nhìn chung, việc các nước thành viên NATO đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy quyết tâm trong việc “đổi mới” và củng cố sức mạnh của khối liên minh quân sự trước những thách thức mới. Còn đối với Mỹ, sự “hòa hợp” đạt được với các đồng minh còn lại trong NATO ở thời điểm trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với người đồng cấp Nga Vladiamir Putin là rất quan trọng. Chuyên gia về quan hệ quốc tế Nathalie Tocci, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Italy, nhận định: “Việc củng cố quan hệ với các đồng minh trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin có ý nghĩa quan trọng và vượt ra ngoài ý nghĩa biểu tượng".
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định NATO sẽ còn nhiều điều cần thảo luận trong tương lai để tái định hình khối quân sự này như một liên minh thống nhất và mạnh mẽ. Thực tế thì rạn nứt trong NATO không phải chỉ xuất phát từ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tham vọng “tự chủ chiến lược” của EU với dự án "thành lập quân đội châu Âu", quan điểm trái ngược của các nước thành viên NATO trong quan hệ với Nga hay Trung Quốc cũng là những yếu tố gây lục đục trong nội bộ NATO. Đơn cử như Đức và một số nước NATO tham gia dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu trong khi Mỹ phản đối, hay Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga... Mối quan hệ kinh tế giữa một số nước thành viên NATO với Trung Quốc cũng tạo ra nhiều tác động. Sau hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Trung Quốc không phải là một vấn đề đối với liên minh, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định không nên phóng đại tầm quan trọng của tuyên bố chung bởi giống như Nga, Trung Quốc cũng là một đối tác trong một số lĩnh vực và "cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp".
Một yếu tố nữa liên quan tới vấn đề xác định mục tiêu chiến lược của NATO. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với vai trò dẫn dắt của Mỹ, NATO đã can dự vào các hoạt động quân sự ở nhiều quốc gia, từ Nam Tư cũ, Iraq, Afghanistan, Libya, Syria… Tuy nhiên, các nước NATO vẫn luôn chia rẽ về các hoạt động can dự quân sự ở bên ngoài khối, bởi trên nhiều chiến trường, NATO có dấu hiệu bị sa lầy, trong khi những mục tiêu đặt ra không đạt được.
Có thể nói hội nghị thượng đỉnh lần này đã mở ra thời kỳ hàn gắn của NATO sau nhiều năm chia rẽ. Tuy nhiên, để khôi phục lòng tin xuyên Đại Tây Dương thì một hội nghị như thế này có lẽ là chưa đủ.