“Hãy đi thẳng vào vấn đề chính trị. Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cố gắng theo sát chúng ta và ngấm ngầm cạnh tranh với chúng ta. Quả đúng vậy. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc đảo Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng và tác động trở lại toàn cầu”.
Có thể coi những nhận xét thẳng thắn tới mức bất thường trên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi đầu tháng 3 năm nay là lời khẳng định sâu sắc nhất cho mục tiêu đẩy mạnh can dự của Oasinhtơn tại châu Á- Thái Bình Dương nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thực tế, việc hình thành và duy trì thế cân bằng ở châu Á là phù hợp nhất với lợi ích của nước Mỹ, một phần do thế mạnh địa chính trị của khu vực này, phần nữa do sự ngày càng lớn mạnh về mọi mặt của khu vực trong bối cảnh kinh tế Mỹ khó khăn. Đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương là điều Oasinhtơn xác định cần phải làm ngay, nhất là khi gánh nặng quân sự cho cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan đã phần nào được giảm nhẹ.
Thỏa thuận tăng cường an ninh với Ôxtrâylia là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc thi địa chính trị đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai của châu Á. Suốt ba thập kỷ qua, Ôxtrâylia đã được coi là một loại hệ thống cảnh báo sớm cho sự nổi lên của Trung Quốc. Nhiều ý kiến còn cho rằng, để hiểu được tác động của Trung Quốc đang diễn ra trên thế giới, Ôxtrâylia chính là nơi để bắt đầu. Lịch sử cho thấy Ôxtrâylia chính là một trong những nước đầu tiên đánh thức tiềm năng kinh tế của Trung Quốc. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch tái can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng thỏa thuận quân sự tuy không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa với Ôxtrâylia trong chuyến công du châu Á vừa qua.
Với quan điểm vừa tiếp xúc vừa kiềm chế, Mỹ đang nỗ lực giữ thế của mình tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc tìm cách tăng cường liên minh quân sự và phi quân sự với các đồng minh truyền thống và phi truyền thống. Cách đây một năm, Lầu Năm Góc đã thuyết phục được Quốc hội Mỹ rằng sự lớn mạnh về quân sự của Bắc Kinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đe dọa an ninh của Mỹ. Kết quả là Mỹ đã hiện đại hóa các cơ sở quân sự trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, trang bị máy bay chiến đấu mới tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời gia tăng các cuộc tập trận quân sự của Mỹ với các nước này. Giờ đây, trọng tâm chiến lược của Mỹ là đẩy mạnh quan hệ đồng minh truyền thống với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philíppin, tích cực tham gia các cuộc họp thượng đỉnh đa phương ở Đông Á, làm nổi bật vai trò và tác dụng của Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, đồng thời điều chỉnh chính sách đối với các nước gần Trung Quốc. Có thể thấy sự hợp tác và cạnh tranh đang được Mỹ đẩy mạnh và dung hòa trên mọi bình diện và ngay cả chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Việc Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời đang gây khó khăn cho triển vọng đàm phán sáu bên (gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản) về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Sẽ có một khoảng lặng trong thời gian Triều Tiên chuyển giao quyền lực. Trong khoảng lặng đó, thế giới rất cần sự hợp tác của các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, để làm sao thống nhất quan điểm và chuẩn bị phối hợp với những gương mặt mới ở Bình Nhưỡng để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đó sẽ là bằng chứng mới nhất cho sự can dự của Mỹ tại khu vực này. Xét cho cùng trong một thế giới đa cực, mọi cực đều phải mạnh thì thế giới mới mạnh. Nhân tố làm nên sức mạnh đó là sự hợp tác.
Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nỗ lực gia tăng ảnh hưởng. Nhưng để bảo vệ và tạo ra lợi ích cho nhau và cũng là cho chính mình, hai bên cần hợp tác. Có thể trong thời gian tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy giao lưu để hiểu rõ lợi ích chiến lược và mong muốn của đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, làm sáng tỏ những quan tâm sát sườn và cố gắng hiểu nhu cầu lợi ích của nhau. Từ đó, Mỹ và Trung Quốc mới có thể phối hợp hành động trong các sự vụ có thể hợp tác. Trên thực tế, một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc để bàn về an ninh châu Á - Thái Bình Dương đã từng diễn ra, song chưa thu được kết quả như mong muốn vì niềm tin giữa hai bên chưa đủ độ chín muồi.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard đã nói: “Không có lý do gì mà sự thịnh vượng của Trung Quốc lại làm bớt đi sự thịnh vượng ở Ôxtrâylia, Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới”. Rõ ràng, đây là lời thừa nhận của chính sách các bên đều có lợi. Có lẽ, chính bản thân các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cần phải đặt ra hướng đi cho mình và giúp nhau cùng tiến. Đó là cách nói khác của chiến lược “giữ thế” theo cách nhìn của Mỹ.
Đỗ Vân