Cuộc khảo sát thường niên do tổ chức tài chính Natixis của Pháp thực hiện đã xếp hạng địa chính trị là rủi ro hàng đầu, cao hơn cả những chính sách sai lầm các ngân hàng trung ương, sức tiêu dùng kém hay nền kinh tế Trung Quốc trì trệ.
Giải thích nguyên nhân tại sao địa chính trị lại quan trọng đến nay, Natixis lưu ý thế giới đã bước vào giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và chứng kiến mối quan hệ giữa các quốc gia cũng như là các liên minh đang tan vỡ.
Rủi ro từ tình hìnhh căng thẳng leo thang cũng được thể hiện rõ vào năm 2022, khi khảo sát của Natixis xác định chiến tranh là mối đe dọa kinh tế hàng đầu.
Tuy nhiên, vào năm 2021, khi thế giới vẫn đang phải trải qua những đợt phong tỏa liên quan đến COVID-19, các nhà đầu tư lại chỉ ra rủi ro kinh tế lớn nhất đối với năm 2022 là sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics đối với 130 doanh nghiệp, gần 40% số người trả lời coi xung đột Israel-Hamas là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu trong hai năm tới. Cuộc xung đột này sẽ gây ra những hậu quả khó lường và có thể dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, cũng như nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn.
Nhiều công ty tài chính khác cũng có quan điểm tương tự. Trong khảo sát của nhà quản lý quỹ Bank of America Global Research, 89% số người được hỏi cho biết rủi ro địa chính trị đang ở trên mức bình thường.
Báo cáo của Viện Đầu tư BlackRock mới đây cũng lưu ý rằng trong lịch sử, các sự kiện địa chính trị có tác động ngắn hạn đến thị trường và kinh tế, nhưng điều đó đã thay đổi. “Ngày nay, chúng tôi coi địa chính trị là một rủi ro mang tính cấu trúc của thị trường”, viện trên nhấn mạnh.
“Rủi ro địa chính trị luôn tồn tại, nhưng có những thời điểm rủi ro tăng vọt”, ông Dave Goodsell, Giám đốc điều hành của Natixis nói.
Theo báo cáo, sau khi chứng kiến giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng đã vọt vào năm 2022. Và các tổ chức đầu tư tài chính có lý do chính đáng để lo ngại vì bối cảnh địa chính trị có vẻ kém ổn định hơn vào năm 2024.
Cuộc khảo sát này diễn ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến hai cuộc xung đột địa chính trị mạnh mẽ, giữa Nga - Ukraine và Israel – Hamas. Cả hai cuộc xung đột này dường như sẽ kéo dài qua năm 2024. Trong đó, cuộc chiến sự giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine đã kéo dài hơn hai tháng và có nguy cơ lan rộng ra Trung Đông.
Nếu xung đột lan rộng tại Trung Đông, ảnh hưởng cũng sẽ lớn hơn, do khu vực này là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Eo biển Hormuz hay Kênh đào Suez cũng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, trong đó có một nửa lượng vận chuyển dầu thô. Một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra sau đó, và có thể trở nên trầm trọng những gì đang có hiện nay.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm tới cũng phủ bóng đen lên tâm lý của giới đầu tư. 72% người tham gia khảo sát cho rằng chiến dịch tranh cử nhiều hỗn loạn ở Mỹ sẽ khiến thị trường gia tăng biến động.
Và quan trọng, các nhà đầu tư không thể lập kế hoạch trước hay ấn định những rủi ro địa chính trị có thể xảy ra. Đó là lý do tại sao địa chính trị là yêu tố đáng lo ngại hàng đầu đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2024.