Giải pháp nào vực dậy kinh tế Nga?

Báo "Vedomosti" (Nga) số ra ngày 4/10 có bài viết cho biết dòng vốn chảy khỏi Nga, lạm phát tăng cao, tính cạnh tranh giảm và sự suy giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính là hệ quả của các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế Nga của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt chống Nga để đổi lấy việc kéo dài thoả thuận về xử lý plutoni dư thừa ở cấp độ vũ khí, đồng thời cũng để "bù đắp" cho những thiệt hại mà Moskva đã phải hứng chịu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình trong nước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết: "Không may là nền kinh tế Nga đã bị cắt đứt khỏi cả nguồn tài chính nước ngoài, cả một loạt các nhà cung cấp nước ngoài".

Lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm đang gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác áp đặt lệnh cấm vận Nga kể từ năm 2014. Ban đầu, các biện pháp trừng phạt chỉ nhắm tới một số cá nhân, sau đó "lan" đến các ngân hàng nhà nước, các công ty dầu khí, các công ty trong lĩnh vực quốc phòng và cả các nhà sản xuất thiết bị điện tử. Các lệnh cấm vận đã hạn chế tài chính cũng như tiếp cận chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các lệnh cấm vận này cũng áp dụng với cả Crimea và Sevastopol: lệnh cấm nhập khẩu các hàng hóa sản xuất tại đây, cũng như cấm tất cả các loại hình hợp tác kinh doanh, thương mại, tài chính và du lịch. Đáp lại, Nga cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của các quốc gia áp đặt lệnh cấm vận chống Nga từ tháng 8/2014.

Do các biện pháp trừng phạt tài chính mà từ nửa cuối năm 2014 đến năm 2017, Nga đã không được bổ sung nguồn vốn khoảng 280 tỷ USD đồng thời mất đi dòng vốn ròng khoảng 160-170 tỷ USD, trong đó gồm có đầu tư trực tiếp khoảng 85 tỷ USD. Những tác động của các lệnh trừng phạt không chỉ trực tiếp mà thực sự còn ảnh hưởng tới cả các công ty và ngân hàng của Nga. Việc bị cắt giảm các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã làm giảm đi cơ hội được vay vốn và việc giảm đi dòng vốn đầu tư vào Nga từ nước ngoài khiến các lệnh trừng phạt kinh tế có hiệu quả gấp hai lần. Trong năm 2015, đầu tư trực tiếp vào Nga giảm so với năm 2013 từ mức 70 tỷ USD còn 6,5 tỷ USD.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt nói trên còn ảnh hưởng cả tới các hộ gia đình. Sự tăng trưởng không ổn định và chắc chắn dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và gia tăng lạm phát, do chính các doanh nghiệp cũng không dám chắc được doanh số bán hàng trong tương lai cũng như lãi suất tín dụng tăng cao. Việc hạn chế xuất khẩu cũng làm giảm năng suất, còn trong các lĩnh vực phải phụ thuộc vào nhập khẩu thì cũng rất nghiêm trọng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, các lệnh trừng phạt trên đã kìm hãm GDP tăng trưởng từ 0,5-0,6%. Ngoài ra, những ảnh hưởng của các lệnh cấm vận còn gặp chất xúc tác là "giá dầu giảm" nên khiến nền kinh tế Nga càng khó khăn hơn. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng những ảnh hưởng của các lệnh cấm vận Nga và hành động đáp trả của Moskva đã khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm từ 1 đến 1,5%/năm. Dưới tác động của làn sóng cấm nhập khẩu lương thực đầu tiên khiến lĩnh vực nhập khẩu giảm khoảng 9,1 tỷ USD (so với năm 2013). Con số này là cao hơn 20% nhập khẩu lương thực và 3% lượng tiêu thụ hàng năm. Cụ thể: nhập khẩu cá năm 2015 giảm 66%, pho-mát và bơ  giảm 40%. Điều này khiến giá cả thị trường tăng. Theo Bộ phát triển Kinh tế Nga, trong 2 năm qua các lệnh cấm nhập thực phẩm đã khiến giá lương thực tăng hơn 30% và lạm phát tăng 1,2 lần. 

Trả lời câu hỏi: làm cách nào để đền bù những thiệt hại mà nước Nga phải gánh chịu? Nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là tiền mặt. Nhưng thậm chí xác định được con số để đền bù cũng không phải là điều dễ làm. Một số chuyên gia khác thì cho rằng cách bù đắp cho nước Nga lúc này không phải là kinh tế mà là các bước đi mang tính chính trị.
TTK
Cuộc chiến in tiền tại Nga
Cuộc chiến in tiền tại Nga

Bước vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, Chính phủ Nga có thể sẽ phải đối mặt với khả năng thêm một lần hoãn trả lương hưu ngay trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN