Tuy nhiên, với những kết quả khả quan gần đây, đất nước Mặt Trời mọc đã viết tiếp một câu chuyện thành công khác trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Tính đến sáng 28/5, Nhật Bản – quốc gia với dân số khoảng 126 triệu người – ghi nhận 16.651 ca mắc COVID-19, trong đó có 858 người tử vong. Tại thủ đô Tokyo – khu vực có 14 triệu người sinh sống, số ca mắc mới trong hơn nửa tháng nay chưa tới 40 người. Điều này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ đỉnh điểm 206 ca mắc mới ghi nhận vào ngày 17/4.
Đặt lên bàn cân so sánh, số người Mỹ chết vì COVID-19 đã vượt ngưỡng 100.000. Trong khi đó, tại Đức – quốc gia châu Âu luôn được ca ngợi về chiến lược dập virus SARS-CoV-2, ít nhất 8.000 người đã bỏ mạng.
Theo cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nhật Bản Nikki Shindo, tổ chức này đã gọi “Nhật Bản là câu chuyện của sự thành công”.
Để chỉ ra chính xác nguyên do tại sao tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Nhật Bản duy trì mức thấp so với nhiều quốc gia phát triển khác, ông Tasuku Honjo – nhà nghiên cứu từng đoạt giải thưởng Nobel danh giá – nhận định đây vẫn là một câu đố và cần phải có thời gian để kết luận chuyện gì đang xảy ra.
Tuy nhiên, ông cùng nhiều đồng nghiệp khác đều cho rằng thói quen hàng ngày của người Nhật Bản ngay cả trước khi đại dịch bùng phát là yếu tố góp phần quan trọng dẫn tới hiệu quả chống dịch tại đất nước này.
Khẩu trang là vật dụng quen thuộc đối với người dân Nhật Bản, đặc biệt là trong mùa cúm diễn ra vào mùa Đông và Xuân. Bên cạnh đó, người Nhật Bản cũng luôn giữ khoảng cách đối với người khác khi ra ngoài xã hội. “Họ rất sạch và thích sạch sẽ. Họ rửa tay thường xuyên ngay cả trong những ngày bình thường, không bắt tay hay ôm hôn khi chào hỏi. Thay vào đó, họ chỉ cúi chào”, Giáo sư Honjo lý giải.
Trong khi đó, cũng có chuyên gia tin rằng vắc-xin phòng lao BCG mà người Nhật Bản đều được tiêm từ nhỏ hay loại đậu truyền thống natto thường xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày cũng giúp cải thiện mức độ hiệu quả của hệ miễn dịch người Nhật Bản trước virus SARS-CoV-2.
Một trong những điểm khác biệt lớn giữa Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác là quan điểm về xét nghiệm COVID-19.
Theo ông Shindo, thay vì xét nghiệm COVID-19 cho bất kỳ ai muốn xét nghiệm, Chính phủ Nhật Bản áp dụng lối tiếp cận “chiến lược” hơn nhằm ngăn tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Để so sánh, tại thời điểm cách đây một vài tuần, trong 1.000 người Nhật Bản chỉ có hai người được xét nghiệm COVID-19, trong khi tỷ lệ ở Australia là 40/1.000.
Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng kiểu xét nghiệm này sẽ ngăn được tình huống người dân đổ xô tới các trung tâm xét nghiệm, từ đó giảm nguy cơ kéo theo một làn sóng lây nhiễm khác.
“Trong 5 người thì chỉ có 1 người truyền virus. Vậy chẳng phải bạn sẽ lãng phí các bộ xét nghiệm để phát hiện 80% những người còn lại không có khả năng tạo ra làn sóng lây nhiễm thứ hai hay sao. Những gì Nhật Bản đã làm là rất tốt, vì nếu như ai cũng xét nghiệm, xong rồi thì sao. Đây không phải là bệnh cúm. Chúng ta vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc trị cho bệnh này”, Tiến sĩ Shindo nhấn mạnh.
Ngày 25/5, Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo, Hokkaido và ba tỉnh phụ cận thủ đô, qua đó chấm dứt hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Phản ứng trước quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Giáo sư Kenji Shibuya làm việc tại Viện Y tế Cộng đồng cảnh báo Nhật Bản có thể đã thoát khỏi thảm họa song đại dịch vẫn chưa kết thúc và không có lý do gì để ăn mừng. Nhiệm vụ của Nhật Bản hiện nay là vừa phải chuẩn bị trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai vừa tập trung khởi động chương trình tái gây dựng nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.