Giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Ba Lan và Hàn Quốc

Bất chấp lời kêu gọi của chính quyền Ba Lan về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp đạn dược, Hàn Quốc chỉ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo và phát triển. Do đó, hợp tác Ba Lan - Hàn Quốc trong việc tái thiết Ukraine sau xung đột có thể có triển vọng nhất. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: Yonhap

Theo bình luận của Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm chính thức Ba Lan từ ngày 12 - 14/7. Chuyến thăm Ba Lan đầu tiên của nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau 14 năm trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nó đã trở thành một phần của quá trình tăng cường quan hệ song phương, trong đó các vấn đề quốc phòng và hợp tác tái thiết Ukraine sau xung đột ngày càng đóng vai trò nổi bật bên cạnh các mối quan hệ kinh tế quan trọng.

Trước chuyến thăm Ba Lan, ông Yoon đã dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius và tham gia một cuộc họp đặc biệt của liên minh này với bốn đối tác từ châu Á và Thái Bình Dương (Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc, được gọi là AP4). Ở Warsaw, ông Yoon đã gặp Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki của Ba Lan. Các cuộc đàm phán tập trung chủ yếu vào hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng và quốc phòng. Bên cạnh đó, hai bên đã ký ba thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và tái thiết Ukraine.

Tháp tùng ông Yoon là một đoàn doanh nghiệp lớn bao gồm đại diện của 24 tập đoàn, hơn 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 24 tổ chức kinh tế và hiệp hội. Hơn nữa, Tổng thống Yoon và người đồng cấp Duda đã chủ trì phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Hàn Quốc - Ba Lan, với sự tham dự của hơn 260 đại diện của Ba Lan và 120 công ty Hàn Quốc. Nhân dịp này, 33 thỏa thuận hợp tác chi tiết đã được ký kết trong các lĩnh vực như: hạt nhân, hydro và năng lượng tái tạo, điện và tái thiết Ukraine.

Chuyến thăm của ông Yoon đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế trong quan hệ song phương. Năm 2022, giá trị thương mại Hàn Quốc - Ba Lan vượt quá 10 tỷ USD (tăng 15,4% so với năm 2021). Hàn Quốc là nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại Ba Lan xét về giá trị đầu tư tích lũy (4,5 tỷ USD vào năm 2021).

Các công ty Hàn Quốc đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực sau: sản xuất pin cho ô tô điện (LG Energy Solution, SK IE Technology, SK Nexilis), điện tử (sản xuất thiết bị gia dụng (LG Display and Electronics, Samsung Electronics), hóa chất (Hyundai Engineering, SK Chemicals) cũng như nghiên cứu và phát triển (phát triển phần mềm cho điện thoại thông minh). Ngược lại, đầu tư của Ba Lan vào Hàn Quốc không đáng kể, chỉ giới hạn trong hóa chất xây dựng và ngành vận tải biển.

Hiện Ba Lan và Hàn Quốc có triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân và cơ sở hạ tầng. Tiềm năng hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ (SMR) khiến Hàn Quốc trở thành một một đối tác hấp dẫn trong quá trình chuyển đổi năng lượng của nền kinh tế Ba Lan. PGE PAK Energia Jądrowa đang đàm phán với Korea Hydro & Nuclear Power (KHNP) về nghiên cứu khả thi cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Konin-Pątnów.

Vào tháng 10 năm ngoái, đại diện chính phủ và doanh nghiệp hai nước đã ký kết nghị định thư về vấn đề này. Kể từ năm 2019, Ba Lan và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán về việc xây dựng Cảng liên lạc trung tâm (CPK), với sân bay Incheon-Seoul là cố vấn chiến lược. Vào tháng 6 năm nay, CPK đã ký hợp đồng với tập đoàn Đường sắt Quốc gia Hàn Quốc và Dohwa Engineering để thiết kế 70 km đường sắt cao tốc giữa Katowice và Ostrava. Việc tăng cường các liên kết kinh doanh cũng sẽ được phục vụ bằng việc ra mắt tuyến hàng không Wrocław-Seoul (bên cạnh tuyến Warsaw-Seoul đã hoạt động).

Về tái thiết Ukraine, Chính phủ Hàn Quốc coi Ba Lan là đối tác chủ chốt thời hậu xung đột. Điều này được chứng minh bằng các hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm trên và thỏa thuận được ký kết vào tháng 5 vừa qua giữa Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan (PAIH) với Tổng công ty Phát triển Đô thị & Hạ tầng Nước ngoài Hàn Quốc, một cơ quan hỗ trợ các công ty Hàn Quốc trong các dự án ở nước ngoài. Các công ty Hàn Quốc đã bày tỏ quan tâm hợp tác với Ba Lan trong các dự án bao gồm xây dựng, hạ tầng giao thông, SMR và công nghệ thông tin (CNTT).

Chú thích ảnh
Ba Lan đã chi hàng tỷ USD mua vũ khí, trang thiết bị từ Hàn Quốc. Ảnh: Kyodo

Mua vũ khí và hợp tác công nghiệp quốc phòng

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ba Lan bày tỏ sự quan tâm đến việc mua vũ khí từ Hàn Quốc cũng như thiết lập hợp tác quốc phòng sâu rộng giữa hai bên. Theo các thỏa thuận khung từ năm ngoái, Ba Lan dự định mua 1.000 xe tăng K2/K2PL, 672 pháo tự hành K9/K9PL, 48 xe huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ FA-50/FA-50PL và 288 bệ phóng tên lửa K239 Chunmoo từ Hàn Quốc. Các hợp đồng có trị giá 12,4 tỷ USD liên quan đến việc mua và giao hàng từ Hàn Quốc với 180 xe tăng vào năm 2025, 212 pháo vào năm 2026, 218 bệ phóng tên lửa vào năm 2027 và máy bay vào năm 2028.

Một số trang thiết bị cũng sẽ được sản xuất một phần tại Ba Lan từ năm 2026 theo sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của cả hai nước (các điều khoản của nó vẫn đang được đàm phán). Mục tiêu của Ba Lan là các nhà máy trong nước không chỉ sản xuất mà còn bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa vũ khí của Hàn Quốc. 

Đối với Ba Lan, hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải lấp đầy khoảng trống sau khi chuyển giao vũ khí cho Ukraine và từ nhu cầu thay thế thiết bị hậu Xô Viết đã bị trì hoãn từ lâu. Đây cũng là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội Ba Lan và mở rộng tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài.

Với các hợp đồng hiện có, Hàn Quốc trở thành đối tác thứ hai, sau Mỹ, về nhập khẩu vũ khí của Ba Lan. Các thỏa thuận được ký kết với Ba Lan có giá trị kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc. Nhờ đó, Hàn Quốc có thể xâm nhập thị trường của các quốc gia NATO khác, cho đến nay vẫn do các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu thống trị. 

Tóm lại, chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã củng cố quan hệ chính trị giữa Ba Lan và Hàn Quốc, bổ sung cho sự hợp tác kinh tế và công nghiệp quốc phòng đã được tăng cường trong những năm gần đây. Các cuộc đàm phán ở Warsaw cũng cho thấy tiềm năng đáng kể để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Trong khi đó, vũ khí Ba Lan mua từ Hàn Quốc sẽ củng cố mối quan hệ của Seoul với NATO và góp phần cải thiện an ninh ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của chính quyền Ba Lan về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp đạn dược, Hàn Quốc chỉ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo và phát triển. Do đó, hợp tác Ba Lan - Hàn Quốc trong việc tái thiết Ukraine sau xung đột có thể có triển vọng nhất. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo pism.pl)
Tổng thống Nga cảnh báo Ba Lan không tấn công Belarus
Tổng thống Nga cảnh báo Ba Lan không tấn công Belarus

Moskva cũng cáo buộc Ba Lan "đang tìm cách can thiệp vào Ukraine" dưới sự bảo trợ của NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN