Theo bình luận của trang tin châu Âu Euractiv.de ngày 11/4, với kết quả vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, các chính trị gia từ Tây Ban Nha, Đức và Italy đã đưa ra những tuyên bố không ủng hộ ứng cử viên Marine Le Pen cực hữu, cảnh báo rằng vòng bầu cử thứ hai trong hai tuần tới sẽ là cuộc bỏ phiếu ủng hộ châu Âu hoặc Nga trong EU.
Theo kết quả vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron được 27,6% phiếu bầu. Lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Dân Tộc (RN) Marine Le Pen nhận được 23% phiếu ủng hộ. Hai ứng cử viên này sẽ tranh cử vòng 2 được tổ chức vào ngày 24/4 tới.
Nhận xét về kết quả trên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cảnh báo rằng đối thủ của EU “không chỉ ở Moskva, mà còn ở Paris trong các cuộc bầu cử ở Pháp, ở Madrid (đảng cực hữu Vox) và ở tất cả các đảng cực hữu tại châu Âu”.
Tại Đức, cuộc bầu cử ở Pháp đã không nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông, trong khi những quan chức chính phủ hầu như từ chối bình luận về kết quả. Nhưng một số nhà lập pháp đã đưa ra những tuyên bố gay gắt nhằm vào ứng cử viên cực hữu của Pháp.
“Hiện giờ, mọi người cần ủng hộ ông Emmanuel Macron! Nếu không, đó là sự sụp đổ của một châu Âu thống nhất", Michael Roth, Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức cho biết.
Tương tự, Udo Bullmann, một nhà lập pháp EU của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), cho rằng Pháp đang ở "ngã ba đường" và "chỉ bằng cách hợp lực thì mới có thể ngăn chặn chủ nghĩa cấp tiến của cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc chống châu Âu”.
Cựu ứng cử viên thủ tướng của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) bảo thủ, Armin Laschet, cũng phản ứng với cuộc bầu cử tại Pháp. Ông Laschet nói: “Cuộc bầu cử sắp tới sẽ quyết định tương lai của châu Âu”, lưu ý rằng bà Le Pen muốn "phá hủy" châu Âu và chiến thắng của ông Macron là rất quan trọng.
Tại Rome, Enrico Letta thuộc Đảng Dân chủ trung tả (PD), nói: “Chiến thắng của Marine Le Pen sẽ là một chiến thắng lớn hơn đối với Tổng thống Nga Putin so với ở Ukraine. Bà [Le Pen] có quan điểm gần gũi với Nga và ông Putin. Chiến thắng của bà Pen sẽ là một cơn địa chấn chính trị chưa từng có ở châu Âu".
Về phần mình, cựu Chủ tịch Hạ viện Italy Laura Boldrini nhận xét: “Chiến thắng của bà Le Pen có nghĩa là những người bạn của ông Putin và những đối thủ của EU đã chiến thắng. Tại cuộc bỏ phiếu sắp tới, tất cả các lực lượng dân chủ nên ủng hộ ông Macron".
Ở Romania, không có phản ứng từ các nhóm chính trị, nhưng nghị sĩ Nghị viện châu Âu Siegfried Muresan thuộc phe trung hữu nhận định “ai bỏ phiếu cho Marine Le Pen, cũng là ủng hộ Vladimir Putin”.
Cho đến nay, chỉ có nhà lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini của đảng Lega Nord (từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy) là chính trị gia EU duy nhất công khai ủng hộ Le Pen sau kết quả bầu cử vòng một tại Pháp.
Ông Salvini và bà Le Pen đang nỗ lực tạo ra một phong trào cực hữu mới trên khắp châu Âu, tuy nhiên, thất bại bầu cử sắp tới với Le Pen có thể khiến kế hoạch của họ bị đình trệ.
Các nhà phân tích nhận định rằng hai tuần tới sẽ rất quan trọng, vì tình hình chính trị ở Pháp có thể sẽ diễn biến phức tạp.
“Hai tuần sắp tới sẽ cực kỳ khó khăn: các ứng cử viên sẽ phải khắc phục những thiếu sót trong chiến dịch tranh cử”, Tara Varma, nhà phân tích và người đứng đầu Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nói.
Theo vị chuyên gia trên, hai ứng cử viên sẽ đưa ra quan điểm khác nhau về châu Âu và chính sách đối ngoại, cũng như những vấn đề về chủ quyền của châu Âu, tư cách thành viên NATO và di cư.
Bà Varma dự báo chiến dịch của ông Macron sẽ tập trung vào một nước Pháp vững mạnh ở châu Âu, trong khi ứng cử viên Le Pen tập trung vào các ưu tiên trong nước, cam kết sẽ củng cố sự đoàn kết người dân Pháp.