Đối thoại chiến lược Ấn - Mỹ: Cố phá vỡ thế bế tắc

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ ba ngày (23 - 25/6) và đồng chủ trì vòng Đối thoại chiến lược lần thứ tư tại New Delhi với người đồng cấp Ấn Độ Salman Khurshid. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Ấn Độ kể từ khi hai ông lên đảm nhận chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao của hai nước.


 

Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô New Delhi ngày 24/6/2013. Ảnh: THX-TTXVN

 

Bình luận về chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry và cuộc Đối thoại chiến lược Ấn - Mỹ, báo “The Indian Express” ngày 26/6 cho rằng, rất may chuyến thăm của ông Kerry còn kịp thời gian vì chỉ còn chưa đến một năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ. Trong khoảng thời gian cuối cùng nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Manmohan Singh, cả Washington và New Delhi đều phải nỗ lực kiểm tra lại tiến triển chậm chạp trong mối quan hệ song phương và cụ thể hóa hiệp định hợp tác về hạt nhân.


Với thông báo về việc Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ thăm Mỹ vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay và việc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tới thăm Ấn Độ vào cuối tháng 7 tới, hai bên đã có một lịch trình đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác. Điều bắt buộc hiện nay là hai bên cần phải tăng cường đà hợp tác bằng cách thúc đẩy chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, từ hiệp định hợp tác hạt nhân đến hiệp định hợp tác đầu tư nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế.


Ngoại trưởng Kerry đã đề ra một khung thời gian cho hiệp định hạt nhân bằng cách nhấn mạnh cam kết chung Ấn - Mỹ sẽ được thực hiện “kịp thời”. Hai bên đề ra mục tiêu trong tháng 9 tới sẽ hoàn tất tiến trình thương lượng về thỏa thuận thương mại giữa các công ty năng lượng hạt nhân hai nước, thời gian tương ứng hoặc trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Singh. Ấn Độ cho đến nay vẫn cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) kéo dài các cuộc thương lượng với tất cả các nhà cung ứng công nghệ hạt nhân, trong đó có Mỹ, Pháp và Nga. Đã đến lúc New Delhi phải điều chỉnh tiến trình này và chính quyền Ấn Độ cần phải hoàn tất các giai đoạn thương lượng.


Tuy nhiên, bất đồng Mỹ - Ấn vẫn còn, chẳng hạn về vấn đề Afghanistan. Có quan niệm cho rằng Washington vì quá mong muốn ký một thỏa thuận với Taliban và rút quân khỏi Afghanistan mà phá vỡ sự cân bằng chính trị - sắc tộc của Afghanistan và việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ. Bản tuyên bố chung không đề cập đến việc Taliban mở văn phòng tại Cata và kế hoạch của Mỹ tiến hành thương lượng với Taliban. Thay vào đó, tuyên bố chung chỉ nhấn mạnh thành công tại Ápganixtan đòi hỏi một tiến trình hòa hợp, do Afghanistan dẫn đầu, theo đó bảo vệ những tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội mà nước này đạt được trong hơn một thập niên qua. Ông Kerry khẳng định lập trường của Mỹ là Taliban phải tôn trọng các “giới hạn đỏ”. Xử lý mối quan hệ với ban lãnh đạo mới tại Iran cũng là một trong những vấn đề mà New Delhi và Washington phải thảo luận kỹ trước khi vấn đề này có thể trở thành bất đồng.

 


Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Mỹ ra nghị quyết lên án Trung Quốc vấn đề biển đảo
Mỹ ra nghị quyết lên án Trung Quốc vấn đề biển đảo

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự thảo “Nghị quyết hỗ trợ giải quyết hoà bình các vấn đề biển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, nhằm kiềm chế hành động gây hấn của Trung Quốc xung quanh tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN