Ông Putin được dự báo sẽ tự tin trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống tổ chức ngày 4/3, bất chấp các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển tình hình nước Nga kể từ sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia tháng 12/2011. Tuy nhiên, bộ phận Phân tích Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), cho rằng vấn đề không phải là ông Putin có chiến thắng trong cuộc bầu cử hay không, mà là ông sẽ làm gì sau khi giành thắng lợi ?
Các cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Mátxcơva ngày 4/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Thủ tướng Nga Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng dễ dàng ngay trong vòng bầu cử đầu tiên. Tỷ lệ ủng hộ ông hiện thấp hơn nhiều so với mức cao nhất, khoảng 80% năm 2008, nhưng đang gia tăng trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, ít dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình phản đối sẽ chấm dứt. Ông Putin sẽ giành lại được chức tổng thống nhưng người Nga sẽ không ngừng đòi hỏi phải có dân chủ hơn nữa.
Quan điểm quyết đoán của ông Putin về chính sách đối ngoại đã giành được sự ủng hộ của cử tri ở trong nước. Ông Putin đã phát động một cuộc "tấn công" không khoan nhượng đối với chính sách của Mỹ. Trong bài viết cho tờ "Moscovskie Novosti" (Nga), ông Putin có quan điểm chống lại cuộc tấn công quân sự vào Iran và một “kịch bản Libi” ở Xyri. Ông cũng cho rằng các cuộc biểu tình ở Nga là có sự kích động từ bên ngoài. Những sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại rằng quan hệ Nga-Mỹ có thể lại xấu đi dưới thời ông Putin làm tổng thống, mặc dù quan hệ này đã được “tái cài đặt” dưới thời tổng thống Medvedev.
Ông Putin đã bắt đầu thực hiện một số chương trình chi tiêu tốn kém để giành được phiếu bầu trong bối cảnh phải đối mặt với các cuộc biểu tình như tăng gấp đôi tiền lương cho lực lượng cảnh sát, tăng chi tiêu quân sự và lương cho giáo viên và bác sĩ. Tóm lại, những cam kết nhằm giành phiếu bầu của cử tri có thể tiêu tốn khoảng 5% GDP của Nga. Thời gian tới ông Putin sẽ phải đối mặt với các vấn đề về chi tiêu và những yêu cầu dân chủ ngày một cao.
Về quan hệ với nước Mỹ, hãng truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 3/3 nhận định rằng một khi ông Putin tái đắc cử tổng thống, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama rất có thể phải "cài đặt lại mối quan hệ vốn đã được cài đặt lại" với Nga. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Putin luôn có những bài phát biểu chống Mỹ, từ vấn đề Xyri, Iran tới kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Với tình hình này, 6 năm tới, thậm chí 12 năm tới, nước Mỹ sẽ phải quan hệ với một chính phủ Nga cứng rắn hơn.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu ông Putin trở lại Điện Cremli lần hai, 6 hoặc 12 năm nữa, với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga sẽ trở thành một trở ngại lớn cho Mỹ. Nước Nga, dưới sự lãnh đạo sắp tới của ông Putin, cũng sẽ tiếp tục chống các nỗ lực của Mỹ muốn thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.
Tiến trình cài đặt lại quan hệ Mỹ-Nga trên thực tế đã xấu đi với việc vào tháng 12/2011, ông Putin cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kích động và cổ súy cho các cuộc biểu tình gây rối tại Nga. Trước đó, bà Hillary chỉ trích cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga là “không bình đẳng và không tự do". Do đoán trước những khó khăn trong quan hệ với Nga khi ông Putin tái cử tổng thống, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney khẳng định: "Chúng tôi có mối quan hệ rất quan trọng với Nga và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ quan trọng này".
Thực tế trong 10 năm qua, cuộc sống của người dân Nga ít nhiều cũng đã được cải thiện và cử tri Nga ca ngợi ông Putin về sự ổn định chính trị mà ông đã gây dựng được từ sau tình trạng rối loạn khi Liên Xô sụp đổ. Kinh tế Nga trong năm 2011 tăng trưởng 4,3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất còn 6,3%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 4,2% - mức thấp nhất trong lịch sử nước Nga. Andrei Kolesnikov, phóng viên chuyên đưa tin về Putin của báo Kommersant, cho rằng sứ mệnh mới lớn nhất của ông Putin khi trở lại Điện Cremli có lẽ là tìm một người đáng tin cậy để chuyển giao quyền lực khi ông hết nhiệm kỳ, giống như những gì Boris Yelsin đã làm với Vladirmir Putin cách đây 12 năm.
T.T (tổng hợp)