Điểm yếu về chính sách đối ngoại của EU

Triển vọng về chính sách đối ngoại của châu Âu sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn - không chỉ vì sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông mà còn vì những diễn biến ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị ở Brussels ngày 26-27/10. Ảnh: Euractiv

Theo bình luận mới đây của tờ Politico châu Âu (Mỹ), diễn biến ngoại giao quốc tế sôi động kể từ sau vụ tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7/10 đang làm nổi bật câu hỏi hóc búa lớn của châu Âu: Tại sao, với tư cách là một khối kinh tế, thương mại và quản lý toàn cầu mạnh, EU lại khó có ảnh hưởng lớn về đối ngoại trên trường quốc tế?

Vấn đề này đã được thể hiện rõ nét thông qua phản ứng ban đầu của EU đối với cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, vốn càng làm suy yếu uy tín của khối với tư cách là một chủ thể chính sách đối ngoại - và thậm chí làm mất đi một số lợi ích mà EU đã đạt được sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm ngoái. 

Cụ thể, phản ứng ban đầu của EU đối với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông được đánh dấu bởi Ủy viên châu Âu phụ trách khu vực lân cận và mở rộng Olivér Várhelyi thông báo đơn phương đình chỉ tất cả viện trợ phát triển của khối cho Palestine, với tổng trị giá khoảng 690 triệu euro.

Sau đó, chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Israel đã gây ra phản ứng dữ dội ở một số nước EU và Nghị viện châu Âu vì quá phiến diện và thể hiện sự thân thiện Israel cũng như vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của bà. Các nước thành viên có nhiệm vụ lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU, với quan điểm chung của khối được đại diện bởi Đại diện cấp cao Josep Borrell.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào cần có sức mạnh ngoại giao của châu Âu, thì chính các quốc gia thành viên lớn - đặc biệt là Đức và Pháp - mới đại diện cho châu Âu ở vị trí hàng đầu quốc tế. 

Cho đến nay, lý do quan trọng nhất khiến EU gặp khó khăn trên trường quốc tế là 27 thành viên của khối này không đặc biệt quan tâm đến việc kết hợp chính sách đối ngoại, hay thậm chí quân sự của họ ở cấp độ liên quốc gia. Do chính sách đối ngoại được coi là yếu tố cốt lõi của chủ quyền quốc gia nên quá trình hội nhập trong lĩnh vực này thực sự vẫn còn tương đối hạn chế.

Và trong khi Đức, được Pháp ngầm ủng hộ, đang nỗ lực tiến tới quy định bỏ phiếu theo đa số đủ điều kiện hơn trong các vấn đề đối ngoại - để đảm bảo một EU gồm nhiều thành viên tiềm năng không biến thành một mớ hỗn độn khó thống nhất với khả năng gia nhập của Ukraine và các nước ở Tây Balkan - còn có những lý do khác góp phần vào sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của châu Âu.

Ngoài hợp tác phát triển trong đó EU là nhân tố dẫn đầu thế giới, ngân sách cho lĩnh vực đối ngoại của khối tương đối nhỏ và cơ quan ngoại giao của khối này không đại diện như một thực thể có tính hợp pháp chính trị trực tiếp cho chính phủ các nước thành viên.

Quan trọng nhất, EU cũng thiếu sức mạnh cưỡng chế do không có lực lượng quân đội chung, vốn cho phép triển khai sức mạnh đồng thời củng cố vị thế ngoại giao. Sức mạnh quân sự chung cũng cho phép đảm bảo an ninh cho các nước khác - một ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề quốc tế mà EU còn thiếu.

Ngoài ra, 27 quốc gia có lịch sử, địa lý khác nhau và có sự cạnh tranh lẫn nhau về lợi ích quốc gia của họ, có nghĩa là các nước thành viên thường bị chia rẽ về cách họ định nghĩa thế giới quan xung quanh. 

Ví dụ, đối với Trung Đông, một số quốc gia thành viên, như Hy Lạp, có thỏa thuận về năng lượng và quốc phòng với Israel. Các thành viên thân Mỹ khác muốn thể hiện chủ nghĩa Đại Tây Dương của họ bằng cách sát cánh cùng Israel. Nhưng trong khi sự ủng hộ kiên định của Đức dành cho Israel được thúc đẩy bởi vấn đề lịch sử riêng, thì Pháp lại có chính sách Arab truyền thống và đặc biệt của riêng mình.

Hơn nữa, nhân khẩu học Do Thái và Hồi giáo khác nhau trong các quốc gia thành viên EU cũng tạo ra những hạn chế về chính trị. Tuy nhiên, tất cả điều này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp trong EU.

Tóm lại, bất chấp một số tiến bộ đáng chú ý kể từ khi thành lập EU - và đặc biệt là năm ngoái, khi cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc EU phải tăng cường vị thế địa chiến lược hơn (thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhằm vào Nga, đầu tư cho việc mua sắm vũ khí, thúc đẩy việc tái mở rộng chiến lược của khối) - EU chưa bao giờ thực sự trở thành một chủ thể chính sách đối ngoại gắn kết, thống nhất và có tầm chiến lược. 

Trở ngại chính có lẽ không phải là do bộ máy tổ chức của EU hay các hiệp ước xác định cơ chế hợp tác nội bộ giữa 27 thành viên. Đúng hơn, đó là sự không sẵn lòng sâu xa của các nước EU trong việc thực sự tập hợp và gắn kết sức mạnh về chính sách đối ngoại. Và khi viễn cảnh của châu Âu ngày càng trở nên khó khăn hơn - không chỉ vì những sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông mà còn vì triển vọng về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump ở Mỹ - các nước thành viên EU có lẽ sẽ phải xem xét lại quan điểm về việc duy trì chủ quyền quốc gia quan trọng hơn hành động thống nhất.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
EU quá tải vì hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông
EU quá tải vì hai cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông

Các nhà lãnh đạo EU khẳng định họ có thể giải quyết hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc - nhưng trên thực tế điều đó dường như đang khiến họ quá tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN