Tổng thống Donald Trump khi ký sắc lệnh rút nước Mỹ khỏi Hiệp định TPP ngày 23/1/2017. Ảnh: AFP |
Còn nhớ, thời kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích nặng nề thỏa thuận TPP được người tiền nhiệm Obama ký kết vào tháng 2/2016. Chỉ ba ngày sau khi dọn tới Nhà Trắng, ngày 23/1/2017, trong sắc lệnh hành pháp đầu tiên của tân Tổng thống, ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi TPP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm qua.
Nếu Tổng thống Trump thực sự đưa nước Mỹ trở lại TPP, ông sẽ đi ngược lại một trong những cam kết có sức nặng nhất thời kỳ tranh cử. Khi đó, tỉ phú Trump đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ chính sách chống tự do thương mại vì cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ giết chết việc làm của người Mỹ. Còn lúc này, Tổng thống Mỹ đang phải tìm kiếm giải pháp cho vấn đề do chính ông gây ra.
Nhân tố Trung Quốc Căng thẳng thương mại với Trung Quốc là một nhân tố lớn trong việc Mỹ xem xét quay trở lại TPP - hiện được biết đến với tên mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) vừa được ký kết ngày 8/3 năm nay tại Chile.
Hiệp định TPP ban đầu đã được xem là giải pháp để tạo ra một đối trọng ở Thái Bình Dương đối với nền kinh tế đang đi lên mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không ngừng tuyên bố về các biện pháp tăng thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hoá của nhau, các chuyên gia kinh tế cho rằng cách tốt nhất để Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc là mở rộng thị trường thông qua các hiệp định đa phương như TPP.
Tổng thống Mỹ hiện đang cân nhắc có nên áp thuế lên tới 150 tỉ USD vào các hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, với cớ trừng phạt Bắc Kinh về vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đe doạ trả đũa và nạn nhân chủ yếu sẽ là ngành nông nghiệp Mỹ khi phải chịu thuế suất lên tới 25% để đưa các mặt hàng đậu tương, ngô, bột mì vào đất nước đông dân nhất thế giới.
Các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc sẽ là vấn đề lớn đối với nông dân Mỹ, và cũng sẽ to chuyện với Tổng thống Trump cùng đảng Cộng hòa khi gần đến kỳ cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này. Đây cũng là lý do khiến Nhà Trắng đang cân nhắc có áp dụng chương trình Công ty Bảo lãnh Tín dụng – một chương trình của chính phủ được khởi lập từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 nhằm hỗ trợ nông dân. Chương trình này khi áp dụng sẽ cho phép chính phủ mua hoa màu từ nông dân nếu họ bị ảnh hưởng nặng bởi thuế nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trở lại không dễTổng thống Trump ngày 12/4 cho biết, ông để ngỏ khả năng quay lại TPP nếu thỏa thuận này được cải thiện với những điều khoản tốt hơn cho Mỹ so với thời Tổng thống Obama.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ủng hộ tự do thương mại đã lập tức hoan nghênh tin này. “Điều tốt nhất mà nước Mỹ có thể làm lúc này để chống lại sự lừa dối của Trung Quốc là dẫn đầu 11 quốc gia Thái Bình Dương còn lại (trong TPP), những nước tin ở tự do thương mại và luật pháp”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse (bang Nebraska) tuyên bố.
Nhưng nếu ông Trump thực sự đưa Mỹ trở lại TPP, đó sẽ là một tiến trình có thể mất nhiều tháng hay vài năm, thậm chí không dễ để quay lại, bởi sau khi Mỹ rút đi, 11 nước thành viên còn lại đã bước tiếp, đàm phán trong một năm tiếp theo để cho ra đời CPTPP.
Sau khi Mỹ rút, 11 nước thành viên TPP đã đàm phán thêm 1 năm và ký kết hiệp định CPTPP tại Chile ngày 8/3/2018. Ảnh: AP
|
“Chính quyền Trump hẳn có bàn tay mạnh khi họ khăng khăng đàm phán lại TPP vào thời điểm Tổng thống nhậm chức tháng 1/2017. Nhưng vị thế của Mỹ lúc này đã yếu hơn nhiều”, Edward Alden, chuyên viên cấp cao phụ trách kinh tế-thương mại tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nhận xét.
Một loạt vấn đề như tài sản trí tuệ từng được chính phủ Mỹ trước đây đưa vào thoả thuận TPP đã bị đình lại trong thoả thuận CPTPP vừa ký tháng 3/2018. Việc đưa những điều khoản này trở lại sẽ đòi hỏi sự đồng ý của cả 11 quốc gia. Các nước tham gia CPTPP hiện nay có thể sẵn sàng làm điều đó để đổi lấy quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Mỹ, nhưng nếu chính quyền Tổng thống Trump đòi hỏi những thay đổi khác nữa, thì họ sẽ khó đồng ý. “Các thành viên ban đầu đã mất 5 năm dài và cực khổ để thương lượng thoả thuận, để rồi bị người Mỹ bỏ rơi. Họ sau đó mất thêm 1 năm nữa để bàn lại những sửa đổi. Không ai có tâm trạng nào mà xem xét những yêu cầu mới từ Mỹ nữa” – ông Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á tại Singapore cảnh báo.
Một số nước TPP cũng đã phản ứng thận trọng với việc Tổng thống Trump nghĩ lại. “Chúng tôi sẽ hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống (Mỹ) nếu lời nói đó có nghĩa rằng ông công nhận ý nghĩa và ảnh hưởng của TPP”, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật bình luận. Ông cảnh báo “sẽ cực kỳ khó khăn để đưa ra một vấn đề và đàm phán lại”.
Thủ tướng New Zealand cũng đồng quan điểm: “Nếu nước Mỹ thật lòng mong muốn trở lại, điều đó sẽ kéo theo quá trình hoà nhập và đàm phán nữa. Đó không phải là vấn đề đơn giản khi vạch lại một thoả thuận đã tồn tại”.
TPP từng bao gồm 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn cố gắng tiếp tục thỏa thuận này và đổi tên thỏa thuận thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được chính thức ký kết tại Chile ngày 8/3 vừa qua.