Đánh giá bất ngờ về ‘bước tiến quan trọng trong công nghệ chiến tranh tự động’ của Nga

Nghiên cứu về điều khiển bầy UAV bằng AI vẫn đang tiếp tục phát triển trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự, nhưng việc ứng dụng nó trên chiến trường vẫn còn nhiều rào cản.

Chú thích ảnh
Kênh Telegram "Chuyên gia Drone" ngày 5/2/2025 cho biết các nhà thiết kế của Liên bang Nga đang phát triển hệ thống điều khiển và sạc cho bầy thiết bị bay không người lái sử dụng cáp quang mang tên “Cerberus”. Ảnh chụp màn hình tài khoản Дрон Эксперт/Telegram

Các nhà thiết kế từ Cục Thiết kế Starooskolskoye “Reanimator” ở Stary Oskol, Liên bang Nga vừa công bố việc phát triển một hệ thống di động để điều khiển bầy thiết bị bay không người lái sử dụng cáp quang.

Theo hãng thông tấn Izvestiya của Liên bang Nga ngày 4/2, hệ thống này mang tên “Cerberus”, sẽ cho phép một người vận hành duy nhất có thể điều khiển một bầy thiết bị bay không người lái sử dụng kết nối cáp quang, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công nghệ chiến tranh tự động.

Hệ thống sẽ bao gồm một nền tảng phương tiện chưa được xác định, được trang bị các “nhà chứa” có thể chứa tối đa 12 thiết bị bay không người lái tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Hình ảnh mô phỏng cho thấy hệ thống này có thể được lắp đặt trên một xe tải quân sự. Nó sẽ đóng vai trò trung tâm điều khiển cho các thiết bị bay không người lái hoạt động đơn lẻ hoặc theo bầy, thực hiện trinh sát, giám sát hoặc tấn công cảm tử. Các nhà thiết kế tuyên bố hệ thống sẽ sẵn sàng trình diễn tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế thường niên của Liên bang Nga vào tháng 8 tới và có thể được triển khai ngay sau đó.

Hệ thống “Cerebrus” – Kho lương thực, bộ não và nhà chứa thiết bị bay không người lái

Ông Mikhail Klimchuk, giám đốc điều hành của Reanimator, khẳng định hệ thống “Cerebrus” không chỉ là một bệ phóng mà còn là một trung tâm điều khiển đầy đủ chức năng, bao gồm cả hậu cần lẫn chỉ huy chiến thuật.

“Đây chính là lương thực, bộ não và nhà chứa của bầy thiết bị bay không người lái”, ông Klimchuck nói và cho biết thêm rằng tất cả các thiết bị bay không người lái trong hệ thống được kết nối và có thể thay thế cho nhau. Khi triển khai theo cặp, một chiếc sẽ làm nhiệm vụ trinh sát để xác định mục tiêu, trong khi chiếc còn lại sẽ tấn công.

Tài liệu mô tả hệ thống cho thấy mỗi thiết bị bay không người lái có thể hoạt động tự động nhờ vào AI, với con người chủ yếu giám sát, cập nhật thông tin mục tiêu và thực hiện điều chỉnh kỹ thuật thay vì điều khiển trực tiếp.

Khái niệm “Bầy thiết bị bay không người lái” trong chiến tranh hiện đại

Ý tưởng sử dụng bầy thiết bị bay không người lái ngày càng nhận được sự quan tâm từ các nhà thiết kế khí tài quân sự và các chiến lược gia. Khi nhiều thiết bị bay không người lái hoạt động cùng nhau như một tập thể, khả năng đánh chặn của đối phương sẽ bị suy giảm. Số lượng đông đảo cũng giúp chúng gây sát thương hiệu quả hơn so với một chiếc thiết bị bay không người lái đơn lẻ. Trong khi đó, AI sẽ giúp từng thiết bị bay không người lái thích nghi với điều kiện chiến trường, giao tiếp với nhau và duy trì nhiệm vụ ngay cả khi có thiệt hại.

Chú thích ảnh
Các phương tiện truyền thông Nga và các blogger quân sự đang đưa tin rằng Lực lượng Hệ thống Không người lái (Unmanned Systems Forces) của Liên bang Nga sẽ có tới 210.000 quân nhân vào năm 2030, được tổ chức thành 277 đơn vị quân sự. Ảnh chụp màn hình Telegram/Skyindustry

Những điểm yếu của hệ thống “Cerebrus”

Mặc dù ý tưởng của hệ thống “Cerebrus” nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị bay không người lái kết nối bằng cáp quang có thể khiến hệ thống này dễ bị tổn thương trên chiến trường.

Một là hạn chế về tầm hoạt động. Cáp quang giúp giảm nguy cơ bị chế áp điện tử (EW), nhưng lại giới hạn phạm vi di chuyển của thiết bị bay không người lái. Tùy theo kích thước, tầm hoạt động của các thiết bị bay không người lái này có thể chỉ từ 10 - 20 km. Điều này hạn chế kích thước và trọng tải vũ khí mà thiết bị bay không người lái có thể mang theo.

Hai là nguy cơ bị vướng vào vật cản và khó phục hồi. Cáp quang có thể bị mắc vào cây cối, đường dây điện hoặc vật cản trên chiến trường, gây nguy cơ mất thiết bị bay không người lái hoặc buộc phải thực hiện các nhiệm vụ giải cứu rủi ro cao.

Ba là mâu thuẫn giữa AI và cáp quang. Nếu thiết bị bay không người lái đã được trang bị AI để hoạt động tự động, tại sao lại cần đến cáp quang? Về lý thuyết, một khi được phóng đi, chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến điều khiển trực tiếp.

Bốn là chi phí sản xuất và bảo trì cao. Một trong những lợi thế của thiết bị bay không người lái là chi phí thấp so với giá trị mục tiêu mà chúng tấn công, một thiết bị bay không người lái thông thường chỉ có giá vài trăm hoặc vài nghìn USD, trong khi giá trị của mục tiêu bị tấn công có thể lên đến hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu USD. Tuy nhiên, nền tảng điều khiển của hệ thống “Cerebrus” có thể tốn kém để sản xuất với độ phức tạp kỹ thuật cao, đòi hỏi hỗ trợ bảo trì đáng kể.

Năm là chúng dễ bị tấn công. Xe tải quân sự mang hệ thống điều khiển sẽ là mục tiêu dễ bị phát hiện và tiêu diệt, ngay cả khi có khả năng di động. Nếu bị tấn công, toàn bộ bầy thiết bị bay không người lái cũng sẽ bị vô hiệu hóa ngay lập tức. Trên chiến trường, ngay cả các phương tiện bánh xích còn gặp khó khăn, chưa kể nếu hệ thống này phải “tháo chạy” thì số thiết bị bay không người lái đang kết nối sẽ ra sao?

Tương lai của hệ thống “Cerebrus”  và bước đi mới của Ukraine

Hiện tại, nghiên cứu về điều khiển bầy thiết bị bay không người lái bằng AI vẫn đang tiếp tục phát triển trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Tuy nhiên, việc ứng dụng thực tế trên chiến trường vẫn còn nhiều rào cản. Các thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang đơn lẻ đã chứng minh hiệu quả trên chiến trường. Nhưng việc triển khai nhiều thiết bị bay không người lái cùng kết nối với một trung tâm điều khiển là một vấn đề hoàn toàn khác. Yêu cầu về độ chính xác trong mục tiêu, điều kiện thời tiết, địa hình thực tế sẽ khiến hệ thống gặp nhiều thách thức, ngay cả khi có sự hỗ trợ của AI.

Trên lý thuyết, hệ thống “Cerebrus” có vẻ là một bước tiến hợp lý trong chiến tranh thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, đa số chuyên gia đều hoài nghi rằng hệ thống này sẽ thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, đặc biệt là trong tương lai gần – hoặc có thể là mãi mãi.

Trong khi đó, về phía Ukraine, ngày 9/2, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky đã công bố sáng kiến mang tên “Phòng tuyến thiết bị không người lái” (Drone Line), đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tích hợp hệ thống không người lái (UAS) vào chiến lược phòng thủ của đất nước.

Theo United24, dự án này được thiết kế nhằm tăng cường hiệu quả của các đơn vị thiết bị không người lái hiện có, mở rộng năng lực tác chiến của họ và nhân rộng kinh nghiệm chiến đấu đối với toàn bộ lực lượng phòng thủ của Ukraine.

Theo Tổng thống Zelensky, sáng kiến “Phòng tuyến thiết bị không người lái” sẽ tập hợp bốn trung đoàn mới được thành lập cùng một lữ đoàn độc lập chuyên về tác chiến bằng thiết bị không người lái. Những đơn vị này đã chứng minh được hiệu quả hoạt động và khả năng lãnh đạo trên chiến trường và giờ đây sẽ đóng vai trò nền tảng cho những tiến bộ công nghệ tiếp theo trong quân đội Ukraine.

Xem video Tổng thống Ukraine Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố sáng kiến mang tên “Phòng tuyến thiết bị không người lái” (Drone Line). Nguồn: Tài khoản mạng xã hội X của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Mục tiêu chính của sáng kiến “Phòng tuyến thiết bị không người lái”

Thứ nhất là tăng cường sức mạnh cho các đơn vị bộ binh thông qua việc cung cấp trinh sát liên tục, tấn công chính xác và nhận thức chiến trường theo thời gian thực.

Thứ hai là cải thiện khả năng phối hợp giữa các đội vận hành thiết bị không người lái và lực lượng mặt đất, giúp tấn công kẻ địch hiệu quả hơn và giảm thương vong cho quân đội Ukraine.

Sáng kiến “Phòng tuyến thiết bị không người lái do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khởi xướng và được triển khai với sự phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Lục quân Ukraine, Lực lượng Biên phòng quốc gia cùng các Bộ Quốc phòng và Chuyển đổi Kỹ thuật số.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Kyiv Post/United24)
Ukraine công bố clip thực chiến hiếm hoi về loại vũ khí dùng bắn hạ tên lửa đạn đạo
Ukraine công bố clip thực chiến hiếm hoi về loại vũ khí dùng bắn hạ tên lửa đạn đạo

Hệ thống S-300V1 với các tên lửa đánh chặn cỡ lớn là một trong số ít hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo mà Ukraine sở hữu trong cuộc chiến với Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN