Vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề hạt nhân của Iran theo dự kiến sẽ được nối lại tại Geneva vào ngày 20/11, nhưng nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của vòng đàm phán hôm 9/11 vẫn chưa rõ ràng. Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif cho rằng chính sự chia rẽ trong các nước phương Tây đã khiến cuộc đàm phán trở nên bế tắc.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 10/11 sau khi kết thúc 3 ngày đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kết thúc vòng đám phán hôm 9/11, những kỳ vọng ban đầu đã tan thành mây khói khi Iran và các nước P5+1 không thể đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, điều mà phương Tây lo ngại là vỏ bọc cho quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc rằng chính ông Zarif đã bỏ qua cơ hội đạt được thỏa thuận khi nhận thấy bản dự thảo do Mỹ đề xuất nằm ngoài dự tính của các nhà lãnh đạo Iran. Bộ trưởng ngoại giao Iran sau đó đã phản bác trên trang Twitter của mình, ám chỉ rằng người Mỹ không những đã đánh mất sự ủng hộ của Pháp cho chính bản dự thảo, mà còn để cho đồng minh thân cận hủy hoại kết quả của cuộc đàm phán.
Ngay sau động thái của ông Zarif, rất nhiều nhà chính trị, công chức, tướng lĩnh và cơ quan truyền thông nhà nước Iran cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Pháp. Sinh viên đe dọa sẽ bao vây đại sứ quán Pháp tại Tehran, trong khi các nhà hoạt động chính trị kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp mặc dù vì những lệnh cấm vận mà lượng hàng hóa xuất xứ từ Pháp hiện diện tại quốc gia Trung Đông này không nhiều.
Mohammad Ali Shabani, một nhà phân tích chính trị thân cận với ông Zarif cho hay: “Chính nước Mỹ nên kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán chứ không phải Iran. Thực tế, bản dự thảo đưa ra hôm 9/11 là của người Mỹ và Pháp là nước phản đối nó, không phải Iran”.
Các nhà phân tích nhận định sự chỉ trích của ông Zarif nhằm vào Pháp có vẻ như cũng nhằm trấn an người dân trong nước, đặc biệt là hàng triệu người ủng hộ đường lối ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani, người từng hứa sẽ kết thúc chiến tranh lạnh với phương Tây và đưa nền kinh tế thoát khỏi những lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân.
Trong khi đó đa số những người theo đường lối cứng rắn thì cho rằng cuộc đàm phán chỉ là một trò lừa gạt và cảnh báo các đối thủ của Iran sẽ cố mưu tính hoặc đưa ra một thỏa thuận mang tính ép buộc không có lợi cho nước này.
Hossein Shariatmadari, tổng biên tập tạp chí Kayhan và là cố vấn thân cận của lãnh đạo tối cao Iran, cảnh báo các nhà ngoại giao nước này chớ nên “ngây thơ”. Trong bài viết được đăng tải trên tạp chí Kayhan, Shariatmadari trích dẫn từ “những nguồn tin đáng tin cậy” rằng các nước phương Tây muốn Iran ngừng làm giàu uranium ở mức tinh khiết 20%, phải cắt giảm mạnh số lượng 18.000 máy li tâm làm giàu uranium, loại bỏ lò phản ứng nước nặng ở Arak, đóng cửa boongke làm giàu uranium ở gần thành phố Fordo.
Đổi lại, Mỹ và đồng minh dự định sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất - nhập khẩu xe hơi, vàng, đá quý và sản phẩm hóa dầu của Iran đồng thời chấm dứt phong tỏa đối với một số tài sản của Iran tại Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Ông này cũng cho rằng thực chất Nhà Trắng đang muốn ngăn cản tiến trình đàm phán bằng cách đặt ra những điều khoản phi lý để thương lượng, và sự thật là Mỹ và Pháp đang chơi trò “kẻ đấm, người xoa”.
Trong khi đó, Tổng thống Rouhani, người ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong những tuần gần đây, đã nói trước Quốc hội rằng dù chuyện gì xảy ra, Iran sẽ không bao giờ là kẻ thua cuộc trong cuộc đàm phán. “Ít nhất, thế giới sẽ tin rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, như đã luôn tuyên bố trước đó, sẽ không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì vậy, kết quả của các cuộc đàm phán sẽ phải mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây là điều mà chúng tôi gọi là trò chơi ‘cả hai bên cùng thắng’".
Hoàng Kỳ (
Theo New York Times)