Kể từ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2014, tình hình quản lý nợ công và hiệu quả của các dự án đầu tư công liên tục được bàn thảo.
Khái niệm “Tốt nghiệp ODA”, hay nói cách khác là việc Việt Nam cần nỗ lực để giảm phụ thuộc vào hỗ trợ phát triển, cũng được thảo luận rộng rãi trong mối liên quan với gia tăng nợ công và sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài.
Với vai trò là đối tác phát triển lớn nhất của Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) muốn đưa ra một số quan điểm và phân tích về vấn đề này dựa trên những dữ liệu và thống kê liên quan.
Trước tiên, vấn đề làm thế nào để giảm bội chi ngân sách, một yếu tố có thể dẫn tới tăng nợ công, lại ít được đề cập. Tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP ngày càng xấu, tăng từ 4,4% (2011) lên tới 6,6% (2013), chủ yếu do chi thường xuyên tăng đáng kể. Những hạng mục cấu thành chi thường xuyên như lương hưu, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, và khoa học kỹ thuật cần được phân tích thận trọng hơn nhằm đảm bảo chi tiêu hiệu quả và phù hợp. Cũng cần lưu ý rằng, ngược với tăng chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển đã giảm từ 21,5% tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống còn 17% năm 2015 (ước tính).
Tiếp theo, mối quan hệ giữa nợ công và năng lực trả nợ của Chính phủ cũng cần được thảo luận chi tiết. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công so với GDP tăng từ 51,7% năm 2010 lên 59,6% năm 2014 (ước tính). Trong nợ công, nợ nước ngoài tăng 76% trong năm 2010 - 2014, trong khi nợ trong nước tăng hơn 150%. Từ năm 2013, nợ trong nước đã vượt nợ nước ngoài và đây là yếu tố chính làm tăng tổng nợ công.
Nếu xem xét cơ cấu nợ trong nước, gần hai phần ba dư nợ trong nước được tài trợ từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), giá trị trái phiếu Chính phủ huy động tăng gấp 8,4 lần từ năm 2010 - 2014. Lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp nhất cũng ở mức 5%/năm (là mức lãi suất khá cao) và thời gian đáo hạn bình quân ngắn hơn 5 năm. Nghĩa vụ trả nợ từ phát hành trái phiếu Chính phủ cao làm tăng nghĩa vụ trả nợ của chính phủ và khiến tình hình ngân sách càng thêm khó khăn. Do đó, nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công mới lại càng bị hạn chế.
Vấn đề thứ hai mà tôi muốn đề cập là quan điểm của chúng tôi về tác động của các Khoản vay ODA Nhật Bản đối với nợ công và hiệu quả của các khoản vay đó. Dư nợ vay ODA Nhật Bản tăng từ 9.139 triệu USD năm 2010 lên 11.849 triệu USD năm 2014, tuy nhiên tỷ trọng vốn vay ODA Nhật Bản trong tổng nợ công giảm từ 16% năm 2010 xuống 11% năm 2014. Chính vì vậy, ý kiến cho rằng các Khoản vay ODA Nhật Bản là yếu tố chính làm tăng nợ công là không chính xác. Ngoài ra, lãi suất của các Khoản vay ODA Nhật Bản đối với hạ tầng là 0,1-1,4%, và đối với lĩnh vực môi trường, xây dựng bệnh viện và trường đại họcchỉ là 0,3%. Thời hạn trả nợ dài nhất lên tới 40 năm, bao gồm 10 năm ân hạn, cũng là một điều kiện rất ưu đãi. Khi sử dụng Khoản vay ODA Nhật Bản thay vì trái phiếu Chính phủ, có thể hạn chế gia tăng dư nợ chính phủ và giảm số tiền trả nợ hàng năm.
(Còn tiếp)