Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn khối, tiến độ tiêm chủng tại Mỹ vượt kế hoạch đề ra. Australia triển khai tiêm chủng trên diện rộng từ đầu tuần này, Nam Phi vừa bắt đầu tuần trước. Israel đã tiêm cho hơn 50% dân số, trong đó 4 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Hàn Quốc ngày 26/2 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, Philippines và Thái Lan thực hiện từ đầu tháng 3, còn Indonesia đặt mục tiêu tiêm cho 500.000 người/ngày vào tháng 3 và 700.000 người/ngày vào tháng 4. Có thể nói thế giới đang trong cuộc "chạy đua" đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19, khi đây được coi là một trong những yếu tố chủ chốt khiến diễn biến dịch tại nhiều "điểm nóng" ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào tuần thứ ba của tháng 2, số người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 20% so với tuần trước đó, tức là 3 tuần liên tiếp con số này giảm. Số ca nhiễm mới cũng giảm tuần thứ sáu liên tiếp. WHO cho biết tính đến ngày 19/2, có 112 nước và vùng lãnh thổ báo cáo số ca nhiễm giảm, trong khi 62 nước ghi nhận xu hướng ngược lại. Nga ghi nhận số ca mắc mới giảm dần từ giữa tháng 1, hiện trên 15.000 ca mỗi ngày. Anh còn khoảng 10.000 ca/ngày, từ mức 60.000 ca giai đoạn đầu tháng 1.
Ấn Độ cũng ghi nhận hơn 10.000 ca mới mỗi ngày, mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Dù số ca nhiễm hơn 50.000 mỗi ngày ở Mỹ vẫn là cao nhất thế giới, song đã là bước cải thiện đáng kể so với hơn 200.000 ca hồi cuối năm ngoái.
Theo giới chuyên gia, sự cải thiện trên có được là nhờ 2 yếu tố quan trọng gồm việc triển khai nhanh chóng các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh và ở một số nước đã bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng. Theo hãng tin AFP (Pháp), tính đến ngày 26/2, có hơn 222 triệu liều vaccine đã được tiêm tại khoảng 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài Israel đứng đầu về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine, những nước và vùng lãnh thổ có trên 10% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi gồm Anh (27%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), Seychelles (43%) và Maldives (12%). Số vaccine được tiêm ở Mỹ cao nhất thế giới: 59,6 triệu liều, Trung Quốc đã tiêm hơn 40,5 triệu liều, Anh đạt 17,5 triệu liều, Ấn Độ 10,7 triệu liều và Israel 7,1 triệu liều.
Cuộc chiến đẩy lùi virus đang có nhiều hy vọng hơn khi những vaccine được các quốc gia cấp phép như loại của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Sputnik V (Nga)… đều có kết quả thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả bảo vệ ở mức cao, thường là hơn 90%. Mới nhất, vaccine của Johnson & Johnson, chỉ cần một mũi duy nhất, cũng được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ công nhận có hiệu quả cao hơn 80% trong việc ngừa COVID-19, bao gồm cả các biến thể được phát hiện tại Nam Phi và Brazil.
Theo Bộ Y tế Israel, các dữ liệu từ chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc ở nước này cho thấy việc tiêm đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm tới 95,8%. Kết quả nghiên cứu sơ bộ về chương trình tiêm phòng COVID-19 của vùng Scotland (Anh) cho thấy 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên, nguy cơ nhập viện đã giảm tới 85% đối với những người được tiêm vaccine của Pfizer và tới 94% đối với vaccine của AstraZeneca. Giáo sư Aziz Sheikh của Viện Usher thuộc Đại học Edinburgh, người đứng đầu nghiên cứu, nêu rõ: "Các kết quả này rất đáng khích lệ và là lý do khiến chúng ta lạc quan về tương lai".
Tình hình được cải thiện trong bối cảnh nhiều nước đã triển khai tiêm chủng ở các giai đoạn khác nhau, càng làm dấy lên hy vọng rằng thế giới đang có trong tay một thứ công cụ sắc bén giúp đẩy lùi căn bệnh đã đảo lộn cuộc sống toàn cầu trong suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn không ngừng cảnh báo đây chưa phải lúc có thể “buông vũ khí” khi vẫn còn nhiều ẩn số chưa được giải đáp xung quanh virus SARS-CoV-2, về khả năng những biến thể của virus "vô hiệu hóa" các loại vaccine đang lưu hành. Hơn thế nữa, thế giới đang chứng kiến một tình trạng đáng buồn là sự chênh lệch lớn về phân phối nguồn vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo, bất chấp cảnh báo rằng vaccine chỉ phát huy hiệu quả toàn diện khi tất cả đều được bảo vệ.
Tổng hợp của AFP chỉ ra trong số hơn 222 triệu liều vaccine đã chủng ngừa thì riêng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) - chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại nhận tới 45% tổng số liều. Không những thế, 92% số vaccine được phân phối nêu trên là cho các nước có thu nhập cao và trung bình cao theo xếp loại của Ngân hàng Thế giới (WB), chiếm khoảng 50% dân số thế giới. Đến nay, trong số 29 nước WB xếp loại thu nhập thấp, mới chỉ có Guinea và Rwanda bắt đầu tiêm chủng. Cơ chế COVAX do LHQ bảo trợ nhằm phân phối vaccine công bằng toàn cầu đến nay mới chỉ cung cấp được lô đầu tiên cho Ghana. Số người dân sinh sống ở các quốc gia chưa triển khai chương trình tiêm chủng hiện chiếm hơn 20% dân số toàn cầu.
WHO cũng chỉ trích các nước giàu tích trữ vaccine COVID-19, cho rằng con đường tiếp cận vaccine của nhiều nước nghèo đang bị cản trở khi các quốc gia giàu vung tiền mua lượng vaccine quá mức cần thiết. Theo WHO, những thỏa thuận trực tiếp giữa các nước giàu và các hãng dược phẩm đang làm suy yếu sáng kiến COVAX. Theo tổ chức phi lợi nhuận chống đói nghèo ONE Campaign, các nước giàu đang trữ thừa hơn một tỷ liều vaccine, khiến các nước nghèo phải chật vật tìm kiếm vaccine. Một tín hiệu đáng mừng là nhóm G7 đã cam kết chia sẻ số lượng vaccine công bằng với những nước đang khó khăn chống đỡ với dịch bệnh và tăng gấp đôi số tiền đóng góp cho các chương trình như COVAX
Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề phân phối công bằng được tháo gỡ thì thế giới vẫn không thể chủ quan. Do tính cấp bách của dịch bệnh, quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 được thực hiện trong quãng thời gian nhanh kỷ lục so với nhiều loại vaccine khác. Chuyên gia Gili Regev-Yochay, đồng tác giả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine Pfizer, nhận định hiệu quả vaccine cho tới nay là “ tuyệt vời", nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu những người được tiêm vaccine đầy đủ có thể truyền virus cho người khác hay không, hiệu quả phòng ngừa sẽ duy trì trong bao lâu và khả năng bảo vệ trước các biến thể mới của virus ra sao.
Nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện, với tính lây nhiễm nhanh hơn, ví dụ chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh lây nhiễm nhanh hơn tới 25 - 70%. Các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng biến thể phát hiện ở Anh và Nam Phi có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch mà những người từng mắc COVID-19 có được và bởi tính chất của virus là luôn biến đổi, nên chưa thể biết sẽ còn bao nhiêu chủng mới xuất hiện thời gian tới. Điều đó buộc các hãng dược phải nỗ lực cải tiến vaccine hoặc nghiên cứu bổ sung liều lượng cần thiết để vô hiệu hóa những biến thể mới. Mới nhất, công ty Moderna đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phiên bản mới nhằm ngăn chặn biến thể phát hiện ở Nam Phi.
Giáo sư Y tế cộng đồng ở Đại học Endinburg, Devi Sridhar, ví việc các hãng dược nỗ lực phát triển và cập nhật vaccine trong khi virus vẫn biến đổi liên tục chẳng khác gì “trò chơi mèo vờn chuột”. Giám đốc quỹ từ thiện y tế Wellcome Trust ở Anh, Jeremy Farrar, cho rằng thế giới đang trong cuộc đua để dành vị trí dẫn trước virus, có nghĩa là giảm lây nhiễm và tiêm chủng vaccine trước khi virus biến đổi theo hướng mà con người không thể dự đoán được.
Bất chấp xu thế các ca mắc giảm, giới chuyên gia cho rằng nhiều nguy cơ vẫn tiềm ẩn khi một số quốc gia bắt đầu cảnh báo làn sóng dịch bệnh mới đang cận kề, chủ yếu do biến thể. Tại Mỹ, 2 nghiên cứu mới công bố cho thấy biến thể phát hiện lần đầu tiên ở bang California hồi tháng 12/2020 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn những biến thể ghi nhận trước đó, làm gia tăng quan ngại rằng những biến thể mới có thể khiến số ca mắc vốn đang có chiều hướng giảm lại tăng trở lại ở Mỹ. Các nhà khoa học phát hiện một biến thể mới của virus tương tự biến thể dễ lây lan tại Nam Phi đang gia tăng tại thành phố New York. Các chuyên gia y tế cho rằng Đức đã bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ ba do sự tấn công của các biến thể. Tuy số ca lây nhiễm có giảm, song số ca dương tính với biến thể mới lại tăng mạnh, trung bình 22%, có nơi chiếm tới 40%, số ca mắc mới.
"Sự cố cộng đồng ngày 20/2" tại Campuchia, nhiều khả năng bắt nguồn từ những ca nhiễm biến thể, cũng đang khiến tình hình dịch bệnh tại nước này trở nên phức tạp khi tốc độ lây lan nhanh đáng báo động. Bộ Y tế nước này và WHO đều bày tỏ quan ngại, cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Campuchia khác hẳn 2 làn sóng trước bởi tốc độ nhanh hơn và phạm vi lớn hơn.
Việt Nam ngày 24/2 đã nhận 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca, mở đường cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Vào cuối tháng 3/2021, có thể sẽ thêm 1,2 triệu liều vaccine của AstraZeneca về Việt Nam. Sự có mặt của vaccine đúng lúc Việt Nam đang ứng phó với một đợt dịch thứ ba với biến chủng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn và mạnh hơn, được kỳ vọng có thể giúp Việt Nam tiến một bước gần hơn tới mục tiêu vượt qua đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, với việc phát hiện một số chùm lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan biến thể mới của virus, các cơ quan y tế đều cảnh báo người dân tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, cả nước tiếp tục chống dịch trên tinh thần “khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất với chiến lược 5 bước (ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng dập dịch - điều trị hiệu quả” và nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế).
Theo tính toán của giới khoa học, muốn có miễn dịch cộng đồng thì độ bao phủ của vaccine phải ở mức 60 - 70% dân số thế giới. Tuy nhiên, trong khi con người nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm tìm các biện pháp ứng phó thì virus SARS-CoV-2 cũng âm thầm biến đổi. Như nhận định của Tiến sĩ Buddy Creech, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine của Đại học Vanderbilt (Mỹ), giờ đây "thế giới đang phải chạy đua giữa việc tiêm chủng đủ số lượng người cần thiết và đối phó với các biến thể virus". Trong khi đó, Giáo sư Davi Sridhar khẳng định bài học ở đây chính là cần phải kiềm chế số ca mắc ở mức thấp nhất có thể vì càng nhiều người mắc thì cơ hội cho virus biến đổi càng cao, nói cách khác, việc nhiều người được tiêm vaccine có thể giúp ngăn chặn virus biến đổi. Vì vậy mà trong "cuộc đua" với virus SARS-CoV-2, các nỗ lực tiêm chủng cần được đẩy mạnh đồng đều trên toàn thế giới, song song với áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.