Ước tính có khoảng 11.000 người đến từ 74 quốc gia đang tham gia phe đối lập trong cuộc chiến Syria kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 26/1/2011, trong số đó có các phần tử Hồi giáo cực đoan người Indonesia. Xu hướng các phần tử Hồi giáo người Indonesia và một số nước trong khu vực tham gia cuộc chiến ở Syria đang gây ra quan ngại cho các nước do những tác động tiêu cực đến chính sách chống khủng bố của khu vực. Xung quanh vấn đề này, báo "Bưu điện Jakarta" số ra mới đây có bài "Cuộc thánh chiến ở Syria và những tác động tới khu vực" của Tia Mariatul Kibtia, Đại học Indonesia (UI). Sau đây là nội dung bài viết:
Hiện trường vụ đánh bom xe ở Homs, miền Trung Syria ngày 25/5. |
Tác giả cho rằng những lời kêu gọi tham gia cuộc thánh chiến chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria mạnh mẽ hơn so với cuộc chiến tranh ở Afghanistan, nơi có nhiều chiến binh thánh chiến Indonesia tham gia. Những lời kêu gọi tham gia cuộc thánh chiến ở Syria đã được công khai ở Indonesia trong giới tôn giáo hoặc qua các cuốn sách được xuất bản gần đây. Các nhóm Hồi giáo cũng đã tuyển mộ các tình nguyện viên từ các trường đại học, bao gồm cả sinh viên Hồi giáo có quan điểm cực đoan trong các gia đình giàu có.
Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia (BNPT) đã ghi nhận hơn 50 chiến binh người Indonesia tham gia cuộc thánh chiến ở Syria có liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda. Những chiến binh này tham gia chiến đấu ở Syria vì nhiều lý do: Thứ nhất, muốn tham gia lật đổ chính quyền Assad nên liên kết với phe Hồi giáo theo dòng Shi'ite với quan điểm rằng cuộc chiến hiện nay ở Syria xảy ra giữa người Sunni và Shi'ite. Thứ hai, tham gia cuộc chiến cho phép họ cơ hội liên hệ với các phần tử thánh chiến khác từ khắp nơi trên thế giới, từ đó thiết lập mạng lưới thánh chiến toàn cầu. Lý do tham gia thánh chiến tiếp theo là cuộc chiến sẽ giúp nâng cao phẩm giá Hồi giáo thông qua việc thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Sự tham gia của chiến binh thánh chiến không chỉ làm gia tăng tính chất phức tạp của các lực lượng đối lập ở Syria mà còn tác động đáng lo ngại đối với các quốc gia có các phần tử tham gia thánh chiến, như sự lan rộng chủ nghĩa cực đoan, bạo lực tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố. Kinh nghiệm chiến tranh, kết nối hệ tư tưởng và cuộc thánh chiến toàn cầu sẽ thay đổi bộ mặt của Hồi giáo tại đất nước có các phần tử tham gia thánh chiến.
Tác giả nói rằng tác động của cuộc chiến ở Syria tới khu vực Đông Nam Á sẽ nghiêm trọng hơn so với cuộc chiến ở Afghanistan. Các chiến binh người Indonesia hay các nước trong khu vực xâm nhập vào Syria sau khi trải qua khóa huấn luyện do các nhóm khủng bố có liên kết với al-Qaeda như Jabhat al-Nushra, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIS) ở miền Bắc và miền Đông Syria. Hầu hết các chiến binh người nước ngoài được các tổ chức này đào tạo để chế tạo các thiết bị nổ, bom xe để tấn công tự sát.
Chuyên gia phân tích xung đột Sidney Jones nói rằng "các cựu chiến binh tham gia thánh chiến ở Syria sẽ trở về quê hương với những kỹ năng mới, kinh nghiệm, sự tín nhiệm và những ý định chết người". Hậu quả của chiến tranh Syria sẽ gây ra nhiều thách thức cho chính phủ các nước trên toàn thế giới trong việc đối phó với các cựu binh thánh chiến, những người đã trải qua những kinh nghiệm chiến tranh với hệ tư tưởng thánh chiến toàn cầu. Người ta tin rằng các cựu chiến binh tham gia cuộc chiến ở Syria sẽ khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan nguy hiểm hơn, các cựu binh này không chỉ thấm nhuần tư tưởng thánh chiến mà còn truyền dạy các kinh nghiệm thực tế trong các trường học và giới tôn giáo, tiến hành các vụ bạo lực chống lại chính phủ.
Tác giả kết luận rằng, hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan tình báo ở Đông Nam Á rất cần thiết để vượt qua những tác động không mong muốn của cuộc chiến Syria. Tham gia với các tổ chức tôn giáo địa phương sẽ giúp chính phủ duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.
Trần Hiệp