Các nhà lãnh đạo từ Tổng thống Emmanuel Macron ở Pháp đến Thủ tướng Giorgia Meloni ở Italy đã bày tỏ thông điệp về lòng ủng hộ kiên định hướng về Tel Aviv.
Nhưng những vấn đề xã hội sâu sắc đã nổi lên trong những ngày tiếp theo.
Trên khắp châu Âu, người Do Thái hiện lo sợ về sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái. Trong khi đó, người Hồi giáo lo ngại họ đang bị đánh đồng với lực lượng Hamas - phong trào Hồi giáo tiến hành vụ tấn công chưa từng có vào miền Nam Israel.
Sau vụ phá hủy một bệnh viện ở thành phố Gaza vào tối 17/10 khiến hàng trăm người thiệt mạng, những nỗi lo kể trên có thể trở nên tồi tệ hơn. Phía Israel tuyên bố vụ nổ là kết quả của một vụ phóng tên lửa thất bại của nhóm Islamic Jihad - một nhóm tay súng khác đang hoạt động ở Dải Gaza.
Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng, trong 10 ngày qua, ít nhất 3.000 người Palestine đã thiệt mạng do các đòn không kích trong chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” của Israel vào Gaza.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tel Aviv vào sáng 18/10 trong nỗ lực cứu vãn tình hình khu vực. Tại châu Âu, 27 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) không thể đưa ra tiếng nói chung về cuộc chiến Israel-Hamas hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bị chỉ trích khi lên tiếng ủng hộ Israel trong chuyến công du tới nước này. Theo quan điểm của một quan chức EU, bà Leyen đã không kêu gọi đủ mạnh mẽ chính quyền Israel tôn trọng luật pháp quốc tế trong các hoạt động trả đũa ở Gaza.
Nguy cơ xa lánh các cộng đồng Do Thái và Hồi giáo trong thời gian tới có thể làm suy yếu thêm sự gắn kết xã hội trong EU, vốn đã bị thử thách bởi cuộc chiến ở Ukraine, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng.
Căng thẳng xã hội đặc biệt gay gắt ở Đức do chính sách người di cư gần đây. Đây cũng là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người Palestine lớn nhất bên ngoài Trung Đông.
Cùng đêm mà Cổng Brandenburg ở Berlin được thắp sáng với màu cờ Israel, khoảng 40 người biểu tình ủng hộ Hamas đã chào mừng vụ tấn công ngày 7/10.
Tối 17/10, một giáo đường Do Thái ở trung tâm Berlin đã bị ném bom xăng.
Phản ứng về làn sóng biểu tình tại một khu dân cư chủ yếu là người Arab cùng những báo cáo rằng các ngôi sao David - biểu tượng của Israel - đã bị vẽ bậy trên những ngôi nhà được cho là của người Do Thái - Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết "không khoan nhượng" đối với chủ nghĩa bài Do Thái và truy tố những người tôn vinh vụ đột kích của Hamas.
Thủ tướng Scholz cũng cấm các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, khiến thành viên cộng đồng Hồi giáo ở Đức lên án. Điều này đã làm tăng thêm mối bất an giữa những người Arab ủng hộ Palestine và những người theo đạo Hồi.
Viễn cảnh tương tự đang diễn ra trên khắp châu Âu.
Thêm vào cảm giác bất an lan rộng trên là hai vụ tấn công mới đây bị nghi là do các chiến binh thực hiện. Mặc dù chúng dường như không liên quan đến cuộc chiến Israel - Hamas, nhưng các chính phủ ở châu Âu đã gấp rút trấn an người dân.
Sau vụ tấn công ở Brussels hôm 16/10 khiến hai người thiệt mạng, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết: “Đây là thời điểm cần tăng cường an ninh, thận trọng và nhận thức cao hơn. Chúng ta không thể quá mất cảnh giác”.
Tại Pháp, binh lính đã được điều động để hỗ trợ cảnh sát, sau khi một giáo viên bị sát hại vào tuần trước. Tổng thống Emanuel Macron gọi vụ việc này là hành động khủng bố.
Bộ trưởng Lao động Pháp Olivier Dussopt cho biết ông lo ngại vụ sát hại giáo viên gần đây có thể làm suy giảm sự ủng hộ đối với dự luật nhập cư sắp tới nhằm mục đích trợ giúp một số người lao động không có giấy tờ ở lại Pháp.
Tại Italy, các công tố viên ở Milan đã tổ chức họp báo trong tuần này để trấn an công chúng rằng vụ bắt giữ hai công dân Ai Cập với tội danh khủng bố mới đây không liên quan đến cuộc xung đột ở Israel, mà là kết quả của một cuộc điều tra của cảnh sát từ năm 2021.
Và tại Áo, Ngoại trưởng Alexander Schallenberg cảnh báo về khả năng gia tăng lượng người di cư trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bộ ở Gaza. Mối lo ngại tương tự cũng được nêu lên ở Hy Lạp.
Tây Ban Nha lại có cách tiếp cận khác biệt. Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez vừa lên án các cuộc tấn công của Hamas, vừa kêu gọi công nhận nhà nước Palestine và tôn trọng các quyền nhân đạo quốc tế ở Gaza.
Tây Ban Nha từ lâu đã có góc nhìn thiện cảm với quyền lợi chính nghĩa của người Palestine. Hôm 15/10, hơn 10.000 người đã tuần hành ở Madrid để tình ủng hộ Palestine.
Trong khi đó, với việc các nhà lãnh đạo EU vẫn đang nỗ lực đưa ra một thông điệp thống nhất nhằm ứng phó với xung đột leo thang, Thủ tướng Đức Scholz đã trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Israel kể khi giao tranh nổ ra.
Ông Scholz đã đến Tel Aviv vào ngày 17/10 và sau đó sẽ tới Ai Cập để gặp Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi. Ông Scholz cũng đã gặp mặt người thân của các công dân Đức bị Hamas bắt làm con tin.