Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới Washington vào ngày 1/3 để thực hiện "sứ mệnh lịch sử" nhằm ngăn chặn Mỹ thúc đẩy và đạt được một thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran. Chuyến thăm Mỹ trong 48 giờ gây nhiều tranh cãi của ông Netanyahu đã làm nảy sinh mối bất hòa mới với Tổng thống Barack Obama và khiến quan hệ hai nước tụt xuống mức thấp nhất trong suốt nhiều năm qua.Thủ tướng Israel Netanyahu (giữa) đã tới Washington để thực hiện “sứ mệnh lịch sử”. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo kế hoạch, Thủ tướng Netanyahu sẽ đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày hôm nay (3/3), theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Tuy nhiên, chính quyền Obama phẫn nộ vì lãnh đạo đảng Cộng hòa Boehner mời Thủ tướng Israel nói chuyện tại Quốc hội mà không thông báo trước cho Nhà Trắng. Một số nghị sỹ đảng Dân chủ thậm chí còn dự định sẽ không tới nghe bài phát biểu của ông Netanyahu. Được biết, hiện chưa có bất kỳ cuộc gặp chính thức nào giữa ông Netanyahu và chính quyền Mỹ được lên kế hoạch trong suốt chuyến thăm lần này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cho rằng sự kiện này biến mối quan hệ Israel và Mỹ thành mối quan hệ giữa đảng Cộng hòa và đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu - một mối quan hệ giữa hai đảng bảo thủ. Theo bà, các kế hoạch của ông Netanyahu thậm chí còn "gây phương hại cho quan hệ" song phương. Hồi tuần trước, bà Rice nhấn mạnh quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn luôn là "mối quan hệ phi đảng phái", nhưng nó đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những diễn tiến đảng phái trong suốt thời gian gần đây.
Bài phát biểu của Thủ tướng Israel trước các nhà lập pháp Mỹ là nhằm thu hút lần chót sự ủng hộ nhằm ngăn chặn một thỏa thuận quy mô quốc tế với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân mà họ theo đuổi. Thủ tướng Netanyahu cho rằng thỏa thuận sắp tới có thể sẽ rất tồi tệ nếu nhượng bộ quá nhiều cho Iran và để ngỏ các nguy cơ cho phép Tehran chế tạo bom hạt nhân. Ông nhấn mạnh một thỏa thuận như vậy sẽ làm nguy hại đến sự tồn vong của Israel. Nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) đang đối mặt với hạn chót 30/6 để đạt một thỏa thuận gỡ bỏ các chế tài làm thiệt hại nền kinh tế Iran để đổi lấy việc Tehran cắt giảm chương trình tinh chế urani.
Ngoại trưởng John Kerry, người sẽ vắng mặt tại Washington trong hầu hết thời gian ông Netanyahu tới đây, khẳng định Mỹ hoàn toàn muốn tránh chính trị hóa chuyến thăm nhiều tranh cãi này. Phát biểu trên chương trình truyền hình "This Week" của kênh ABC, ông nói: "Nước Mỹ hoàn toàn hoan nghênh việc Thủ tướng Israel có bài phát biểu trên đất Mỹ, và ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đang duy trì một mối quan hệ an ninh bền chặt hơn bao giờ hết với Israel. Chúng tôi không muốn mọi chuyện diễn biến thành một cuộc tranh đấu chính trị nghiêm trọng". Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng hai đồng minh có "mối quan hệ an ninh chặt chẽ và không thể tách rời".
Trong khi đó, những đồng minh của ông Netanyahu tại Quốc hội Mỹ cho rằng chính Tổng thống Obama, chứ không phải nhà lãnh đạo Israel, mới là người phải chịu trách nhiệm về những băng giá gần đây trong mối quan hệ song phương.
Dư luận đa số cho rằng Thủ tướng Netanyahu sẽ nhân chuyến thăm lần này để kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, bất chấp thực tế mà Tổng thống Obama đã khẳng định sẽ phản đối các dự luật này bởi chúng có nguy cơ hủy hoại tiến trình đàm phán hạt nhân. Giới chức Mỹ lo ngại nhà lãnh đạo Israel tìm cách hủy hoại các hoạt động ngoại giao của Iran, trong khi giới chỉ trích cho rằng chuyến thăm Washington lần này thực chất là nhằm củng cố uy tín của Thủ tướng Netanyahu trước thềm các cuộc bầu cử vào ngày 17/3 sắp tới.
Mặc dù giới chức Nhà Trắng và Israel đều khẳng định các lĩnh vực hợp tác then chốt, từ chống chủ nghĩa khủng bố cho tới tình báo và an ninh mạng, đều đang diễn ra hết sức thuận lợi và khó có thể chịu tác động tiêu cực, song những mâu thuẫn về tiến trình đàm phán hạt nhân Iran đã đẩy quan hệ song phương xuống mức tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập kỷ gần đây.
TTK