Địch thủ Saudi Arabia nhắm đến không phải dầu đá phiến Mỹ mà là Iran

Người Nga nghĩ rằng giá dầu thấp là do âm mưu của liên minh Mỹ- Saudi Arabia. Còn người Mỹ lại tin rằng Saudi Arabia đẩy giá dầu xuống nhằm trừng phạt cách mạng dầu đá phiến tại vùng Bắc Dakota của mình, qua đó loại các nhà sản xuất dầu đá phiến với chi phí cao ra khỏi cuộc chơi. Tại Canada, các nhà sản xuất dầu cát Calgary thì cho rằng Saudi Arabia và những nhà sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh khác muốn loại họ khỏi thị trường dầu. Thực tế không phải vậy.

Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh đã chủ động hạ thấp giá dầu với mục đích trực tiếp nhắm vào Iran. Giá dầu thấp sẽ đánh trực tiếp vào nền kinh tế Iran, qua đó ngăn chặn khả năng sở hữu bom hạt nhân, cũng như ảnh hưởng của nhà nước Hồi giáo này tại khu vực. Những thiệt hại khi duy trì giá dầu thấp hiện nay vẫn rẻ hơn chi phí cho quân sự và các khoản phí khác nếu vấn đề Iran không được giải quyết.

Dầu giảm giá sẽ khiến nền kinh tế của Iran (và của cả nhà cung cấp hạt nhân là Nga) tê liệt, buộc Iran phải có thái độ tích cực khi ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân. Nếu Iran ký vào hiệp ước không phổ biến hạt nhân theo ý đồ của Mỹ và phương Tây (cũng là điều mà Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh mong muốn), giá dầu sẽ tăng trở lại.

Quang cảnh một nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Ảnh: AP.


Theo tính toán của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, những thiệt hại khi duy trì giá dầu thấp hiện nay vẫn rẻ hơn chi phí cho quân sự và các khoản phí khác nếu vấn đề Iran không được giải quyết.

Đối đầu với Iran là một trong những nguyên nhân khiến các nước vùng Vịnh phải tăng cường đầu tư xây dựng quân đội. Theo một báo cáo năm 2014 của Viện Nghiên cứu về An ninh của Liên minh châu Âu, sáu trong mười nước chi tiêu quân sự nhiều nhất của thế giới hiện nay đang nằm ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong đó tất cả các quốc gia vùng Vịnh đã tăng gấp ba lần ngân sách quốc phòng kể từ năm 2003.

Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh lo ngại nếu Iran sở hữu bom hạt nhân, họ cũng sẽ phải chi ít nhất nửa tỷ đô la để phát triển vũ khí tương xứng. Với tính toán này, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh cho rằng lựa chọn duy trì giá dầu thấp sẽ chỉ tốn khoảng vài chục tỷ đô la, có lợi hơn nhiều việc phải chi nửa nghìn tỷ để phát triển vũ khí hạt nhân mà vẫn đảm bảo mục đích là buộc Iran quy phục, và ngăn chặn làn sóng bạo lực của người Shia đối với người Sunni.

Với việc sở hữu nhiều dầu hơn bất cứ nước nào khác, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh hoàn toàn có thể kiểm soát giá dầu thế giới (Saudi Arabia hiện sản xuất 13% lượng dầu trên toàn thế giới. Còn Các tiểu vương quốc Arab, Iraq, Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain chiếm 12,48%).

Những nước này cũng đã tích trữ được một khối lượng tài sản khổng lồ từ dầu trong nhiều thập kỷ qua, do đó có thể dễ dàng chịu mức giá thấp trong một khoảng thời gian dài. Và với mức giá hiện nay, thậm chí thấp hơn nữa, họ vẫn không lỗ vì chi phí sản xuất tại những nước này thấp nhất trên thế giới.

Điều này có nghĩa là họ sẽ giành chiến thắng bất kỳ trò chơi đối đầu nào, và trong lịch sử, họ đã từng làm điều này rồi. Họ tồn tại lâu hơn đối thủ cạnh tranh và có thể, thậm chí đã, bỏ qua các đồng nghiệp của mình như Nigeria và Venezuela, những nước đang phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu và đang than vãn liên tục về giá những tháng vừa qua.

Sự giảm giá dầu này chỉ đơn giản là một chiến thuật trong cuộc chiến tranh kinh tế tiến hành bởi người Ảrập chống lại Iran và cũng là một mũi tên trong cuộc chiến tôn giáo giữa người Shia và người Sunni tại khu vực Trung Đông. Iran là dầu "Shia" và dầu của Ảrập hoặc dầu vùng Vịnh là dầu "Sunni".

Thêm nữa, việc duy trì giá dầu thấp cũng được hoan nghênh, ủng hộ và có thể còn được khuyến khích bởi Mỹ và châu Âu, thậm chí cả Trung Quốc. Cả ba đều là nhà nhập khẩu dầu lớn, và hưởng lợi trực tiếp từ mức giá dầu thấp này.


Lê Hoàng
(P/v TTXVN tại Canada)

Vàng và dầu mỏ tiếp tục điệp khúc giảm giá
Vàng và dầu mỏ tiếp tục điệp khúc giảm giá

Giá vàng đi xuống sau khi ghi nhận đợt tăng ngắn trong khi giá dầu thô thế giới đã rơi xuống mức “đáy” của 5 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN