Chuyên gia Trung Quốc dự báo triển vọng và hậu quả cuộc xung đột Nga-Ukraine

Theo bình luận của ông Feng Yujun, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Fudan (Trung Quốc), xung đột Nga-Ukraine là một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn ở châu Âu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine đang tác động đến tình hình kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu. Ảnh: Reuters

Về nguyên nhân, ông Yujun cho rằng có những quan điểm khác nhau từ hai phía. Nga nhấn mạnh sự mở rộng về phía Đông của NATO và nỗ lực gia nhập Liên minh này của Ukraine là những lý do cơ bản khiến Moskva phải dùng đến vũ lực. Ở phía bên kia, nhiều quốc gia coi đây là một cuộc tấn công vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Vậy triển vọng của cuộc xung đột là gì? Ông Yujun lưu ý, do một số mục tiêu mà Nga đề ra ban đầu chưa đạt được, nên ở mức độ nào đó, Nga đã và đang điều chỉnh mục tiêu cuối cùng cũng như chiến thuật trên thực địa cho phù hợp với điều kiện thay đổi và phản ứng của đối thủ trong cuộc xung đột này. Kết quả của cuộc xung đột chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố:

Đầu tiên là sự phản kháng của Ukraine. Như chúng ta đã thấy, Ukraine đã thể hiện ý chí chính trị rất mạnh mẽ để tự vệ, cũng như khả năng chiến đấu tương đối kiên cường.

Thứ hai là sức mạnh của Nga. Nếu so sánh riêng với Ukraine, Nga chắc chắn nắm những lợi thế áp đảo. Tuy nhiên, cuộc xung đột này không chỉ diễn ra giữa Nga và Ukraine, vì Kiev đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Trong hoàn cảnh đó, lợi thế Nga đương nhiên giảm đi.

Thứ ba là dư luận trong nước Nga. Tâm lý phản đối cuộc xung đột vẫn còn tồn tại kể từ khi nó nổ ra.

Thứ tư là phản ứng quốc tế. Khi xung đột bùng phát, nhiều quốc gia, bao gồm các quốc gia trung lập truyền thống như Thụy Sĩ và Phần Lan, đã hỗ trợ rất nhiều cho Ukraine, đồng thời gây áp lực lớn với Nga.

Cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng và giao tranh vẫn tiếp tục song song với các cuộc đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không đạt được kết quả thực tế ngay lập tức vì quan điểm và sự thỏa hiệp của hai bên vẫn còn khác xa nhau.

Sự khác biệt cốt lõi nằm ở việc Moskva muốn Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, cũng như khu vực Donbass độc lập, điều khó có thể chấp nhận với Ukraine. Đó là lý do tại sao cuộc xung đột sẽ tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Dù mọi thứ diễn ra trên thực địa như thế nào, Nga dường như cũng đang bộc lộ một số mặt hạn chế: 

Một là, trong cuộc xung đột này, Nga đã tuân theo những cách thức chiến tranh truyền thống, trong khi Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến công nghệ cao và phân tán.

Hai là, sức mạnh quốc gia toàn diện của Nga xuất hiện một số vấn đề. Ngoài sức mạnh quân sự, Nga cho thấy sự tụt hậu về sản xuất, tài chính và công nghệ. 

Ba là, logic cơ bản của tư duy chiến lược Nga đã lỗi thời.

Chú thích ảnh
Ukraine cũng bị thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Reuters

Vậy xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng thế nào? Theo ông ông Yujun, mặc dù Ukraine sẽ không gia nhập NATO sau xung đột, nhưng khả năng cao là nước này sẽ gia nhập Liên minh châu Âu và có xu hướng áp dụng con đường phát triển của châu Âu hơn. Dưới các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga có thể bị cô lập tương đối và bị hạn chế tham gia vào các hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế.

Cuộc xung đột này cũng là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển thế giới sau Chiến tranh Lạnh, điều này được thấy rõ ở hai khía cạnh. Trong lĩnh vực an ninh quốc tế, châu Âu đã trở nên thống nhất hơn, NATO được hồi sinh và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương được củng cố.

Trong khi đó, nhiều nước đã đặt câu hỏi về vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong việc gìn giữ hòa bình toàn cầu và khu vực. Trong tương lai, việc cải tổ LHQ, bao gồm cả HĐBA, có thể được đẩy nhanh, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào thể chế quản trị an ninh toàn cầu, vốn lấy hội đồng này làm khuôn khổ chính kể từ Thế chiến II.

Về kinh tế, quá trình toàn cầu hóa sẽ phân mảnh hơn nữa. Trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Mỹ đã tìm cách tiến hành quá trình "phi Trung Quốc hóa" (Desinicization - loại bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố, bản sắc hoặc văn hóa Trung Quốc khỏi một xã hội hoặc quốc gia), nhưng việc tách rời hoàn toàn đã gặp khó khăn vì Trung Quốc có sự ràng buộc chặt chẽ với hệ thống kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang chứng kiến ​​sự "phi Nga hóa", đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng của phương Tây. Mỹ đã đưa ra lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga, EU đã quyết định cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga trong năm nay nhằm mục đích chấm dứt cơ bản sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga vào năm 2027. Trong hoàn cảnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm các chuỗi cung ứng năng lượng đều đang được định hình lại một cách nhanh chóng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Chinausfocus.com)
Dấu hiệu chứng minh lệnh trừng phạt tác dụng hạn chế với kinh tế Nga
Dấu hiệu chứng minh lệnh trừng phạt tác dụng hạn chế với kinh tế Nga

Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn có thặng dư tài khoản vãng lai (xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu) cao kỷ lục trong Quý 1/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN