Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa chuẩn bị trở lại Nhà Trắng với nhiệm kỳ thứ hai. Các chuyên gia Nga đã chia sẻ những dự báo về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Trump mới.
Về quan hệ với Ukraine và châu Âu: Theo Sergey Kislitsyn, Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tài trợ cho Ukraine có khả năng sẽ bị cắt giảm. Ông Kislitsyn cho rằng ông Trump sẽ chuyển trách nhiệm hỗ trợ Ukraine cho các đối tác châu Âu, điều này có thể dẫn đến thay đổi trong cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Mặc dù đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, nhưng chuyên gia Kislitsyn nhấn mạnh rằng Quốc hội Mỹ sẽ không cho phép ông Trump "đàm phán trong một ngày" để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của ông Trump có thể mang tính thực dụng hơn và hướng tới việc giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Về tình hình Trung Đông: Maxim Kazanin, Phó Giáo sư tại Khoa Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump khó có thể mang lại những thay đổi căn bản cho tình hình ở Trung Đông.
Về phần mình, Kirill Semenov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, lại cho rằng việc tiếp tục đối đầu giữa Palestine và Israel không phù hợp với kế hoạch của ông Trump. Ông Semenov hy vọng giai đoạn đối đầu ở Trung Đông sẽ kết thúc trước lễ nhậm chức vào tháng 1/2025 của ông Trump. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia ở vùng Vịnh đều sẽ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel mà không giải quyết vấn đề Palestine. Điều này tạo ra một thách thức lớn cho ông Trump trong việc đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực.
Về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc: Irina Ipatova, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn (CAMAC), cảnh báo rằng ý định tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của chính quyền Trump 2.0 sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Nếu các hành động của chính quyền Trump mới làm chậm nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - thì điều đó sẽ làm giảm nhu cầu chung về tài nguyên dầu khí, từ đó tác động đến giá cả.
Chuyên gia Olga Belenkaya thuộc Finam cũng chỉ ra rằng chính sách sắp tới của Mỹ thời ông Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty năng lượng tái tạo và các nhà xuất khẩu từ châu Âu. Ngành công nghiệp EU đang gặp khó khăn do giá năng lượng tăng cao và sự cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc.
Về chính sách đối với Nga: Marina Amurskaya, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, tin rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Nga. Những lời hứa của ông Trump về việc "giải quyết xung đột Ukraine" có thể liên quan đến áp lực trừng phạt đối với Nga. Bà Amurskaya nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này.
Trong khi đó, Konstantin Kostin, người đứng đầu Quỹ Phát triển Xã hội Dân sự, cho biết trong 4 năm tới, Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn và tính toán hơn. Ông nhấn mạnh rằng "lợi nhuận" sẽ trở thành cốt lõi của chính sách Mỹ trong chính quyền Trump 2.0.