Cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang thu hút sự chú ý của giới chuyên gia và truyền thông. Theo báo Kommersant (Nga) ngày 13/1, các cuộc thảo luận sơ bộ về cuộc gặp này đã được khởi động, với tuyên bố từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov rằng Tổng thống Putin sẵn sàng gặp ông Trump mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Moskva hiện đang thể hiện sự thận trọng trong việc tương tác với chính quyền mới của Mỹ. Sự thận trọng này không chỉ xuất phát từ những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga mà còn từ những kinh nghiệm trong giai đoạn 2017-2021, khi chính quyền Trump đầu tiên đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Moskva, rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng và tuyên bố một kỷ nguyên mới về cạnh tranh chiến lược với cả Nga và Trung Quốc. Điều này khiến giới chức Nga lo ngại về khả năng hợp tác trong tương lai.
Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moskva, nhận định rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể mở ra nhiều cơ hội hơn để thực hiện các thỏa thuận với Nga. Ông Suslov cho rằng lần này không còn những cáo buộc dai dẳng về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán.
Chuyên gia Suslov giải thích thêm rằng, nhóm cố vấn mới của ông Trump dự kiến sẽ thể hiện sự thống nhất nội bộ hơn, không giống như nhiệm kỳ đầu tiên khi một số cá nhân tích cực phá vỡ chính sách đối ngoại của ông, bao gồm cả các quyết định liên quan đến Nga. Ngoài ra, đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Quốc hội trong ít nhất hai năm tới.
Những thách thức còn tồn tại
Tuy nhiên, chuyên gia Suslov cũng cảnh báo rằng không nên mong đợi bất kỳ đột phá nào đáng kể trong quan hệ hai nước. Ông Suslov hoài nghi về khả năng Moskva và Washington đạt được thỏa thuận về Ukraine. Theo ông, các điều khoản giải quyết xung đột ở Ukraine mà Nga có thể chấp nhận sẽ bị coi là thất bại đối với Mỹ. Bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga, chẳng hạn như vấn đề phi quân sự hóa Ukraine, có khả năng sẽ gây ra sự phản ứng từ cả những người theo chủ nghĩa "diều hâu" của đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.