Sau chuyến thăm Israel và Saudi Arabia từ ngày 13-16/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tích cực trong khu vực. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã không thành công trong việc tạo ra một hệ thống an ninh khu vực chung cho các nước Arab và Israel nhằm đối phó với Iran. Những nỗ lực của ông Biden thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng dầu cũng thất bại.
Phó Tổng Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga Alexander Frolov nêu rõ những gì Nhà Trắng tìm cách trình bày chuyến thăm như một thành công thực sự lại chứng minh rằng chuyến công du Trung Đông của ông Biden là một thất bại. Không có sự gia tăng đáng kể nào về sản lượng dầu. Theo chuyên gia này, số liệu sản xuất dầu hiện tại cho thấy các nước Trung Đông không có ý định làm theo phương Tây hoặc giúp Mỹ giải quyết các vấn đề năng lượng.
Ông Frolov cũng nhắc lại rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden thường chỉ củng cố các thỏa thuận đã được ký kết. Điều đó cho thấy, các cuộc đàm phán trước đó giữa Washington và Riyadh về việc thúc đẩy sản xuất dầu đã không thành công và chuyến thăm này chỉ khẳng định xu hướng đó.
Chuyên gia Frolov nói thêm rằng khả năng Saudi Arabia nhượng bộ Mỹ và vi phạm các thỏa thuận trước đó về giảm sản lượng dầu trong khuôn khổ OPEC+ là rất nhỏ. Một động thái như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chiến giá cả và giá năng lượng sẽ lao dốc. Điều này hoàn toàn không có lợi đối với Saudi Arabia, vì vậy sản lượng dầu chỉ có thể được tăng lên nếu Mỹ sử dụng một số đòn bẩy đặc biệt để gây áp lực lên Riyadh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Andrey Kortunov nhận định, về mặt chiến lược, ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sẽ dần suy giảm. Theo quan điểm của ông Kortunov, chuyến thăm của ông Biden không hẳn là một thất bại, nhưng nó vẫn chưa giải quyết được bất kỳ vấn đề quan trọng nào trong quan hệ giữa Washington và thế giới Arab.
Ông Kortunov lưu ý rằng các chế độ quân chủ vùng Vịnh Ba Tư vẫn nghi ngờ về việc Trung Đông là ưu tiên của Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Điều đó cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Saudia Arabia và Israel vẫn tiếp tục bất chấp các cuộc đàm phán thất bại về một khối phòng thủ chung trong khu vực.
Một cách gián tiếp, chính Mỹ đã cản trở sự thống nhất của các quốc gia Arab và Israel trong chương trình nghị sự nhằm vào Iran vì lòng tin của họ bị suy giảm khi chính quyền Washington tổ chức các cuộc đàm phán với Iran về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015 có tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện".
Do đó, Saudi Arabia, giống như những người chơi quan trọng khác ở Trung Đông, sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ. Các quốc gia Trung Đông sẽ nhượng bộ Mỹ nhưng không phải lúc nào Washington cũng có thể thúc đẩy các lợi ích của mình.
Chuyên gia Kortunov nhấn mạnh rằng các cuộc tham vấn giữa Mỹ và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga là minh chứng cho nhận định trên. UAE đã thông qua lập trường trung lập liên quan đến các sự kiện ở Ukraine và không tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga.