Chuyên gia Hàn Quốc nêu lý do Nga và Triều Tiên bất ngờ cùng xác nhận việc triển khai quân ở Kursk

Sau nhiều tháng im lặng, Nga và Triều Tiên chính thức xác nhận triển khai quân ở Kursk nhằm đẩy lùi các lực lượng Ukraine, đồng thời hé lộ những toan tính chiến lược sâu sắc trong liên minh quân sự mới.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bình Nhưỡng ngày 19/6/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Thời báo Hàn Quốc (koreatimes.co.kr) ngày 28/4, sau nhiều tháng trời im lặng, cuối cùng cả Triều Tiên và Nga đã chính thức lên tiếng xác nhận việc Bình Nhưỡng triển khai binh sĩ để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Moskva liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Động thái này, theo nhận định của giới phân tích, không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà còn ẩn chứa những tính toán chiến lược sâu sắc nhằm củng cố liên minh quân sự giữa hai quốc gia.

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) xác nhận những người lính của nước này chiến đấu bên cạnh lực lượng Nga ở khu vực Kursk. KCNA trích dẫn thông báo của Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên, nhấn mạnh rằng các hoạt động này được thực hiện theo lệnh trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vài giờ sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Bình Nhưỡng vì sự hỗ trợ này, ca ngợi "tinh thần đoàn kết, công lý và tình đồng chí chân chính" của Triều Tiên.

Sự thừa nhận phối hợp này diễn ra sau khi Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov lần đầu tiên công khai đề cập đến việc triển khai quân Triều Tiên trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Putin vào cuối tuần trước. Ông Gerasimov khẳng định rằng động thái này hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước đã ký kết vào tháng 6/2024.

Các nhà phân tích nhận định với tờ Thời báo Hàn Quốc rằng thời điểm công bố thông tin trên, sáu tháng sau khi tình báo Hàn Quốc lên tiếng lo ngại về việc triển khai quân Triều Tiên, mang đậm tính chiến lược trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra.

Yang Moo-jin, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nhận định: "Khi các cuộc đàm phán hòa bình tiến triển, Triều Tiên có thể đã yêu cầu Nga chính thức hóa việc triển khai, củng cố mối quan hệ đối tác quân sự vượt ra ngoài cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai nước có thể đều coi việc chính thức triển khai là có lợi nhiều hơn là mất". Chuyên gia Yang cũng lưu ý thông báo này cho thấy sự tự tin của Triều Tiên.

Về phần mình, Doo Jin-ho, nhà phân tích cấp cao tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, mô tả sự xác nhận này là "thắng lợi cho cả hai nước". Nga có thể coi Triều Tiên như một nguồn lực quý giá trong cuộc chiến kéo dài, trong khi việc tham gia chiến đấu ở Kursk đã nâng cao vị thế chiến lược của Bình Nhưỡng trong mắt các đồng minh và đối tác của Moskva, mở ra triển vọng về một liên minh quân sự sâu sắc hơn.

Nhà phân tích Doo cũng cho rằng động thái này có thể là một biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn Ukraine tiếp tục tiết lộ thông tin về tù binh Triều Tiên và ngăn khả năng chuyển giao họ cho Hàn Quốc. Trước đó, các quan chức Hàn Quốc và Ukraine đã thảo luận về khả năng chuyển giao hai người Triều Tiên bị bắt ở khu vực Kursk vào tháng 1 năm nay, nhưng tình trạng tù binh chính thức của họ vẫn còn gây tranh cãi do sự im lặng trước đó của cả Bình Nhưỡng và Moskva.

Ngoài ra, những thông báo gần đây từ Triều Tiên và Nga đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tới Moskva tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9/5 tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một chuyến thăm như vậy khó có khả năng xảy ra.

Chuyên gia Doo nhận định: "Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga, đồng minh duy nhất công khai gửi quân tham chiến, đã phát triển mạnh mẽ đến mức sự hiện diện của ông Kim không cần phải được thể hiện tại cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng cùng với các nguyên thủ quốc gia khác". Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chọn thăm Nga vào tháng 6 năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương với Tổng thống Putin, trùng với dịp kỷ niệm ngày ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện (19/6/2024).

Có thể nói, việc Triều Tiên và Nga quyết định công khai triển khai quân sau nhiều tháng im lặng cho thấy một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ song phương. Động thái này không chỉ củng cố liên minh quân sự giữa hai nước mà còn có thể mang những hàm ý sâu xa hơn. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nga bất ngờ 'mở cửa' ngoại giao cho kế hoạch hòa bình của Mỹ về Ukraine
Nga bất ngờ 'mở cửa' ngoại giao cho kế hoạch hòa bình của Mỹ về Ukraine

Nga sẵn sàng xem xét các đề xuất hòa bình từ Mỹ, dấu hiệu cho thấy một cánh cửa ngoại giao có thể đang hé mở trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine kéo dài và phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN