Tăng trưởng kinh tế trong quý II/2014 của Singapore có xu hướng chậm lại, chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức 3,1% theo dự báo thị trường. Mức tăng trưởng này cũng giảm 0,8% so với quý I/2014 và là lần giảm đầu tiên trong bảy quý gần đây. Một số nhà kinh tế không chỉ hạ thấp dự báo tăng trưởng cả năm, mà còn cảnh báo chính sách tái cơ cấu kinh tế của Singapore đã không còn hiệu quả, và cần phải loại bỏ các bước tái cơ cấu này. '
Nền kinh tế Đảo quốc Sư tử vẫn đạt mức tăng trưởng 3,4% trong nửa đầu năm nay. |
Trong khi đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 1/8 đã có những phản bác mạnh mẽ, cho rằng các nhà kinh tế chỉ căn cứ vào số liệu GDP trong một quý mà đưa ra nhận định như vậy là "quá vội vàng". Bộ này cũng ủng hộ ý kiến cho rằng tốc độ tái cơ cấu diễn ra quá nhanh, dẫn đến các doanh nghiệp không theo kịp, đồng thời khẳng định các bước tái cơ cấu đã có sự tính toán rất kỹ và được thực hiện theo từng giai đoạn để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng.
Số liệu kinh tế công bố gần đây quả thực khiến một số người lo ngại, trong đó xuất khẩu điện tử trong tháng 6/2014 giảm 17,4%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 15 tháng qua và cũng là tháng giảm thứ 23 liên tiếp, dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý II thấp hơn so với dự kiến. Đây là lý do khiến các nhà kinh tế hạ mức dự báo tăng trưởng cho cả năm 2014.
Hãng Merrill Lynch đã đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm nay của Singapore giảm từ 3,6% còn 3%, đồng thời trong báo cáo gửi cho các khách hàng cũng chỉ ra rằng tái cơ cấu kinh tế của Singapore đã mất đi hiệu quả và Đảo quốc Sư tử đang mất dần khả năng nắm bắt các cơ hội tăng trưởng. Giáo sư kinh tế Chen Huixing thuộc Đại học Quản lý Singapore lại coi tái cơ cấu lần này của Singapore giống như lần tái cơ cấu kinh tế của những năm 1980 - lần tái cơ cấu đã khiến cho nền kinh tế nước này bị suy thoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đổ lỗi cho việc hoạt động kinh tế yếu kém là do tái cơ cấu diễn ra quá nhanh, dẫn đến kinh doanh thích nghi không kịp, năng suất không thể được đẩy lên cao, kiểu phân tích "lấy một quý để áp cho cả năm" này thực sự là quá vội vàng, chứ chưa kể đến việc triển vọng kinh tế không phải do một yếu tố duy nhất quyết định.
Singapore đã trải qua con đường phát triển chuyển đổi, từ tập trung vào lao động chân tay sang sử dụng công nghệ kỹ thuật và sử dụng vốn, nên giờ đây không thể tiếp tục dựa vào lao động nước ngoài giá rẻ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Singapore cần phải chuyển sang loại hình kinh tế có kỹ năng, giá trị sản xuất và lượng chất xám cao, chẳng hạn như: thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như y, sinh học, và chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Do nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào xuất khẩu nên việc không ổn định về số liệu kinh tế của các quý có thể dự báo. Mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu và rủi ro địa chính trị có tác động nhất định đối với ngành sản xuất của Singapore, nhưng nhu cầu ở thị trường khu vực châu Á vẫn mạnh nên kinh tế Đảo quốc Sư tử vẫn đạt mức tăng trưởng 3,4% trong nửa đầu năm nay.
Trọng điểm tái cơ cấu nền kinh tế Singapore là nâng cao năng lực sản xuất và mức lương chung của các ngành nghề. Do một loạt trở ngại như: chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt lao động nước ngoài, qua đó dẫn đến việc điều chỉnh cơ cấu lực lượng lao động, rất nhiều ngành nghề phải đối mặt với tình hình thiếu hụt lao động trầm trọng, tình trạng thiếu hụt này buộc chính phủ phải kéo dài các dự án xây dựng công cộng với số tiền tăng thêm lên đến 2 tỷ USD Singapore, gây ra những tác động không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế trong quý II vừa qua. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu kinh tế của Singapore vẫn đang diễn ra.
Số liệu thống kê cho thấy Singapore năm nay vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng 2 - 4%. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Đảo quốc Sư tử vẫn đang có sự phát triển tích cực.
Lê Hải (Theo báo "Liên hợp Buổi sáng")