Chiến lược mới của Mỹ trong xung đột ở Liban

Sau nhiều tuần ngoại giao căng thẳng nhằm đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và các tay súng Hezbollah, Mỹ đã chọn một hướng tiếp cận hoàn toàn khác: để cho xung đột ở Liban tự diễn ra.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 11/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ Strait Times ngày 12/10 dẫn các nguồn tin phương Tây cho biết, mới hai tuần trước, Mỹ và Pháp đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trong 21 ngày để ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Liban. Nỗ lực này đã bị gián đoạn khi Israel ám sát lãnh đạo Hezbollah là ông Syed Hassan Nasrallah, mở cuộc tấn công trên bộ ở miền Nam Liban ngày 1/10 và các cuộc không kích của Israel đã xóa sổ phần lớn ban lãnh đạo của nhóm này.

Hiện nay, các quan chức Mỹ đã ngừng đưa ra yêu cầu ngừng bắn, cho rằng tình hình đã thay đổi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong cuộc họp báo hồi đầu tuần: “Chúng tôi ủng hộ Israel thực hiện các cuộc tấn công trên bộ này để làm suy yếu cơ sở hạ tầng của Hezbollah, từ đó cuối cùng chúng ta có thể đạt được giải pháp ngoại giao”.

Thay đổi này phản ánh các mục tiêu mâu thuẫn của Mỹ: vừa muốn kiềm chế cuộc xung đột ngày càng lan rộng ở Trung Đông, vừa muốn làm suy yếu đáng kể Hezbollah. Cách tiếp cận mới này vừa thực tế vừa mạo hiểm.

Mỹ và Israel sẽ có lợi nếu tiêu diệt được kẻ thù chung là Hezbollah - lực lượng gây ra mối nguy hiểm cho biên giới phía Bắc của Israel. Tuy nhiên, nếu Mỹ khuyến khích chiến dịch quân sự ngày càng mở rộng của Israel thì có nguy cơ dẫn đến cuộc xung đột không thể kiểm soát.

Ông Jon Alterman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng Mỹ muốn Hezbollah suy yếu nhưng cũng phải cân nhắc rủi ro tạo ra một khoảng trống ở Liban hoặc kích động một cuộc chiến tranh khu vực. Ông bình luận: “Nếu không thể thay đổi cách tiếp cận của Israel, có lẽ nên cố gắng điều chỉnh theo hướng có lợi”.

Tận dụng cơ hội

Cuộc chiến mới nhất của Israel với Hezbollah bắt đầu khi nhóm này bắn tên lửa vào các vị trí của Israel ngay sau vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023, khơi mào cho cuộc chiến ở Dải Gaza. Từ đó đến nay, Hezbollah và Israel đã liên tục nã đạn vào nhau.

Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn gián tiếp giữa Israel và Hamas trong nhiều tháng không mang lại kết quả, vào tháng 9, Israel đã bắt đầu tăng cường ném bom Hezbollah và giáng những đòn mạnh vào nhóm này, bao gồm việc kích nổ từ xa các máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah, khiến hàng ngàn thành viên của nhóm bị thương.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sau cái chết của Thủ lĩnh Nasrallah, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa kêu gọi ngừng bắn dọc biên giới Israel - Liban. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tiến hành cuộc tấn công trên bộ và chỉ sau vài ngày, Mỹ đã từ bỏ lời kêu gọi ngừng bắn và bày tỏ ủng hộ cho chiến dịch của Israel.

Ông Aaron David Miller, cựu nhà đàm phán của Mỹ tại Trung Đông, cho rằng Mỹ ít hy vọng kiềm chế được Israel và nhận thấy tiềm năng lợi ích từ chiến dịch này. Ông nói: “Chiến dịch này chắc chắn đã tạo ra đà mà chính quyền Mỹ cho rằng có thể tận dụng để làm điều có lợi”. Ông Miller nói thêm rằng các quan chức Mỹ cũng có khả năng đang giữ lại đòn bẩy để cố gắng kiềm chế Israel trả đũa vụ tấn công tên lửa đạn đạo mà Tehran đã thực hiện vào tuần trước.

Theo các nguồn tin châu Âu quen thuộc với vấn đề này, hiện không có cuộc đàm phán ngừng bắn đáng kể nào đang diễn ra và Israel có thể tiếp tục chiến dịch ở Liban trong nhiều tuần nếu không muốn nói là nhiều tháng nữa.

Đối với Mỹ, chiến dịch của Israel có thể mang lại ít nhất hai lợi ích. Thứ nhất, làm suy yếu Hezbollah - nhóm tay súng mạnh nhất thân Iran, từ đó hạn chế ảnh hưởng của Tehran trong khu vực và giảm mối đe dọa đối với Israel và các lực lượng Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng áp lực quân sự có thể buộc Hezbollah phải hạ vũ khí, mở đường cho cuộc bầu cử chính phủ mới ở Liban mà chính phủ này sẽ loại bỏ phong trào Hezbollah vốn đã là một thế lực đáng kể ở Liban trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, ông Jonathan Lord tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định điều này sẽ khó đạt được. Ông nói: “Một mặt, nhiều người dân Liban cảm thấy bất mãn trước hiện diện của Hezbollah ở Liban. Nhưng nếu thay đổi, Liban sẽ phải trả qua chiến dịch rất bạo lực”.

Chiến lược rủi ro

Chú thích ảnh
Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) tuần tra tại biên giới Liban - Israel ở Marjayoun. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu cuối cùng là thực thi nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết này ủy nhiệm cho một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (gọi tắt là UNIFIL) để giúp quân đội Liban đảm bảo khu vực biên giới phía Nam với Israel không có vũ khí hoặc không có ai được vũ trang ngoài lực lượng của nhà nước Liban.

Các cuộc thảo luận với các bên nhằm đạt được những mục tiêu này có thể diễn ra trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo cuộc xung đột làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn, đặc biệt khi khu vực đang chờ đợi phản ứng của Israel sau vụ bị Iran tấn công bằng tên lửa.

Ngoài nguy cơ xảy ra một cuộc chiến có thể lôi kéo Mỹ tham gia, còn có nỗi lo Liban sẽ trở thành một Gaza. Một năm hoạt động quân sự của Israel đã biến vùng đất Gaza thành một hoang mạc và giết chết ít nhất 42.000 người. Các quan chức Mỹ đã công khai cảnh báo rằng chiến dịch tấn công của Israel ở Liban không được giống với Dải Gaza.

Video khói bốc lên sau một cuộc tấn công của Israel vào Liban (Nguồn: Reuters):

Bất chấp những nguy cơ đó, chuyên gia Alterman cho rằng ngoại giao khó có thể ngăn chặn các cuộc giao tranh trong thời gian tới. Ông nói: "Ông Netanyahu thấy tất cả những canh bạc của mình đang thành công và có vẻ như đây là thời điểm khó để Israel cảm thấy nên dừng lại và ngừng lợi dụng ưu thế của mình”.

Trong khi đó, ngày 12/10, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf đã có chuyến thăm Liban, khẳng định Tehran sẽ luôn ủng hộ Beirut bằng tất cả sức mạnh. Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm tại Beirut với người đồng cấp nước chủ nhà Nabih Berri, Chủ tịch Quốc hội Iran Qalibaf nhấn mạnh Tehran sẽ luôn ủng hộ những quyết định của chính phủ, người dân và phong trào Hezbollah. Theo đó, Iran sẵn sàng hỗ trợ những người dân Liban phải di dời và bị ảnh hưởng bởi xung đột dưới sự giám sát của chính phủ và mở một cầu hàng không nhân đạo để tạo điều kiện cho sự hỗ trợ này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Iran tái khẳng định cam kết ủng hộ Liban
Iran tái khẳng định cam kết ủng hộ Liban

Ngày 12/10, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf đã có chuyến thăm Liban, khẳng định Tehran sẽ luôn ủng hộ Beirut bằng "tất cả sức mạnh" của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN