Chiến lược Biển Đông mới của Trung Quốc: Trò chơi nhận thức

Trong khi Mỹ một lần nữa bận rộn với các sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông, Trung Quốc đã tạo ra một sự điều chỉnh chiến lược khác nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Có vẻ như lúc này Bắc Kinh đã tìm ra một cách mới, củng cố tham vọng lãnh thổ của mình và tạo ra một điều mà chuyên gia Robert D. Kaplan, phân tích trên mạng Stratfor, gọi là “sự nguy hiểm của châu Á”.


Kế hoạch mới của Trung Quốc ở đây là: Sao lại phải khiêu khích các nước láng giềng hay chiếm toàn bộ vùng nước mà mình tuyên bố chủ quyền với sức mạnh quân sự, trong khi có thể sử dụng các giàn khoan dầu và những bản đồ để đạt được mục tiêu tương tự?

Sau vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam một cách có tính toán của Trung Quốc, vốn đã tạo ra sự sợ hãi rằng đụng độ quân sự ở Biển Đông có thể xảy ra, thủ đoạn gần đây nhất của Trung Quốc có lẽ khiến các nhà quan sát châu Á quan ngại hơn.

Theo một loạt các báo cáo gần đây, Trung Quốc đã “xuất bản bản đồ quốc gia chính thức của nước này trong đó chiếm phần lớn diện tích Biển Đông. Tờ The Washington Post của Mỹ số ra ngày 27/6 đã đăng bài báo có tựa đề “Bản đồ mới của Trung Quốc có mở đầu một cuộc chiến tranh?”, trong đó cho rằngviệc phát hành tấm bản đồ mới 10 đoạn đứt khúc, thay vì 9 đoạn như trước đây cho thấy tham vọng lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh.


Tuy không quá bất ngờ đối với các nước láng giềng, nhưng nó là một bước đi khẳng định dứt khoát yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ trước tới nay. Đây có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mới và một cuộc khẩu chiến như đã từng xảy ra khi Trung Quốc phát hành các tấm hộ chiếu in bản đồ đường 9 đoạn và cả các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp với Ấn Độ. Ngoài ra, bên trong những nét vẽ đứt đoạn của Trung Quốc là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, vận chuyển số lượng hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm.


Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu Cảnh sát biển của Việt Nam gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: TTXVN


Đối với Trung Quốc, có vẻ một chiến lược như vậy là phù hợp với những nỗ lực trong quá khứ, không chỉ để từ từ thay đổi sự kiện trên mặt đất và mặt biển, mà còn để thay đổi nhận thức về chủ quyền lãnh thổ tại các khu vực khác nhau. Đưa một giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, liên tục sử dụng lực lượng bán quân sự (ngoại giao cây gậy nhỏ) để củng cố yêu sách, ban hành các quy định đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp và bây giờ sử dụng bản đồ, đã thể hiện khá rõ dã tâm và chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này đơn giản có nghĩa là: Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo, họ cho rằng "sở hữu là 9/10 của luật pháp" (nếu Trung Quốc kiểm soát được những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền, sẽ rất khó để các nước khác có thể giành lại). Đối với Bắc Kinh, sở hữu hoàn toàn có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh. Vì vậy, đạt được mục đích mà ít có cơ hội châm ngòi cho một cuộc xung đột thông qua bản đồ, giàn khoan dầu, sử dụng lực lượng bán quân sự và các quy định sẽ giúp Trung Quốc từng bước sở hữu một khu vực có giá trị nhất. Chiến lược này được chuyên gia Harry J. Kazianis, Biên tập viên của trang mạng National Interest và là một cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế PACNET gọi là: Trò chơi nhận thức.

Vậy, liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ có quan ngại về động thái trên của Trung Quốc?

Đối với các nước ASEAN, và đặc biệt là các quốc gia mà bản đồ đường 9 hoặc 10 đoạn của Trung Quốc ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông, thách thức đặt ra là khá rõ ràng và do đó, các quốc gia này phải phản đối bằng mọi cách có thể. Một chiến lược đang được Philippines áp dụng mà các học giả gọi là “cuộc chiến pháp lý”, theo đó, Manila đã đệ đơn kiện lên Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc để cáo buộc tuyên bố về cái gọi là "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.

Tờ nhật báo kinh tế "Les Echos" của Pháp cho rằng với kiểu chiến lược “sự đã rồi”, Bắc Kinh đang đặt các nước láng giềng vào tình trạng báo động. Trung Quốc không còn cách nào khác là thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả mà sẽ có những điều chỉnh lối ứng xử của mình. Bà Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược cho rằng: “Nếu họ phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm bớt hành động, còn nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc không phản ứng gì, trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ rộng đường hành động”.

Đối với Washington, thách thức cũng là khá rõ ràng: Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng trong khu vực. Mặc dù Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Washington tuyên bố họ có lợi ích trong việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Với 5,3 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa đi qua vùng biển này mỗi năm, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông là một mối đe dọa trực tiếp đến những khái niệm về các vùng biển chung mà tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi. Nếu tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trở thành hiện thực, một tiền lệ nguy hiểm sẽ được thiết lập. Không ai chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không tạo ra tiền lệ nguy hiểm như vậy một lần nữa hoặc các quốc gia khác trên thế giới có thể dựa vào đó để tạo lợi thế riêng cho mình. Tất cả các quốc gia có lợi ích chung toàn cầu đều thấy được thách thức mới nhất do Bắc Kinh tạo ra và không có bản đồ nào được phép phá hủy tầm quan trọng của tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Theo quan sát của giới chuyên gia nước ngoài, các vụ tranh chấp liên tục gia tăng trên Biển Đông ẩn chứa nhiều nguy cơ hơn là các tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông. Ngoài việc thử phản ứng của các nước liên quan, mục đích khiêu khích của Bắc Kinh lần này là thăm dò ý tứ của Mỹ và chiến lược xoay trục của họ. Cho đến giờ chưa thấy Washington có hành động tái cân bằng rầm rộ về phía châu Á.

“Cưỡng bức”, “răn đe” hay “sự đã rồi” là những thuật ngữ sử dụng để nhận định về chiến thuật mà Trung Quốc đang dùng để áp đặt yêu sách chủ quyền của mình trên toàn bộ Biển Đông. Cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử”, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng biên giới lãnh hải, điều khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực nghi ngờ cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.


Công Thuận
(Tổng hợp)


Trung Quốc tiếp tục những hành động phi lý trên Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục những hành động phi lý trên Biển Đông

Cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc còn tiến hành một loạt các hoạt động làm phức tạp tình hình, nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN