Chiếc khẩu trang che nửa mặt vẫn không thể nào giấu nổi niềm vui của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi được người đồng cấp Áo Sebastian Kurz ca ngợi về những đóng góp của nhà lãnh đạo trong quá trình đối phó đại dịch COVID-19 với chương trình tiêm chủng dẫn đầu thế giới.
Đầu tháng 3, Thủ tướng Kurz cùng với người đồng cấp Đan Mạch tới Israel để thảo luận về một hợp đồng vaccine ba bên. Thủ tướng Áo đã hết lời ghi nhận hành động kịp thời của người đồng cấp Israel khi đại dịch mới bắt đầu bùng nổ. Sau các cuộc gặp mặt, Áo, Đan Mạch và Israel đã tuyên bố hình thành một liên minh nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine dài hạn.
“Tôi sẽ không bao giờ quên đầu năm 2020, khi chúng tôi nhận được cú điện thoại từ Thủ tướng Netanyahu và ông ấy nói rằng loại virus mới này sẽ là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới, với châu Âu ngay cả khi lúc đó chúng ta chưa biết nhiều về chủng virus mới. Ông ấy có thể là lý do khiến chúng tôi hành động kịp thời ngay khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên ập vào Liên minh châu Âu (EU)”, Thủ tướng Kurz nói.
Dẫn nhận xét từ các chuyên gia phân tích chính trị, hãng CNN đưa tin những ghi nhận về công lao của Thủ tướng Netanyahu trong đại dịch đã phần nào phản ánh vaccine không chỉ cứu người dân tại quốc gia Trung Đông này mà còn cải thiện sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo này trong tương lai.
Trong nhiều năm qua, Thủ tướng Netanyahu luôn thể hiện mình là người đã biến Israel thành một cường quốc công nghệ toàn cầu. Giờ đây, khi sắp tới diễn ra cuộc bầu cử lần thứ tư trong vòng hai năm và một phiên tòa xét xử tham nhũng, Thủ tướng Netanyahu đang muốn cho công chúng thấy đóng góp của ông biến Israel từ "quốc gia khởi nghiệp" thành "quốc gia tiêm chủng".
Ông Netanyahu gần như xuất hiện mỗi tối trên các phương tiện truyền thông ngay từ những tuần đầu đại dịch xuất hiện, công bố về quá trình đàm phán các hợp đồng vaccine với các công ty dược phẩm, là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine ngay tại sân bay Tel Aviv và chiếu hình ảnh ông đi tiêm chủng vào khung giờ vàng truyền hình.
Đầu tháng 3, Thủ tướng Netanyahu đã ca ngợi về việc triển khai "thẻ xanh" và tuyên bố Israel “đang trở lại cuộc sống bình thường”. “Đưa xã hội Israel sống lại” là khẩu hiệu tranh cử mới nhất của ông. Đây có thể là cơ hội tốt nhất để Thủ tướng Netanyahu bảo toàn sự nghiệp chính trị lâu dài của mình.
Trong khi người dân Israel sẽ bắt đầu bỏ phiếu bầu cử từ ngày 23/3, cuộc sống cũng đã quay lại bình thường khi trường học và nhà hàng được phép mở cửa trở lại.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu các cử tri có tín nhiệm ông Netanyahu khi thành tích đưa Israel trở lại bình thường có đủ để giải tỏa bế tắc chính trị đã đeo bám đất nước trong hai năm qua hay không.
Aviv Bushinsky, cựu cố vấn truyền thông của Thủ tướng Netanyahu, nhận định: “Khi xét về chính trị, bạn đánh giá nhà lãnh đạo dựa trên cách xử lý khủng hoảng và kết quả ra sao. Đối với chương trình tiêm chủng, người Israel tương đối hài lòng”.
Ngay từ đầu, Thủ tướng Netanyahu đã bày tỏ ý định thúc đẩy Israel trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhà lãnh đạo liên tục khẳng định ông thường xuyên liên hệ với các công ty dược phẩm lớn và ban giám đốc của họ.
Mặc dù ông đã ký một thỏa thuận sớm với hãng dược Moderna nhưng hợp đồng đặc biệt với Pfizer và Giám đốc điều hành người Do Thái Albert Bourla đã giúp Israel trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Israel đã trả giá cao và có được vaccine nhanh chóng. Đổi lại, Pfizer được phép truy cập vào dữ liệu từ hệ thống chăm sóc sức khỏe tập trung của Israel để nghiên cứu chuyên sâu thêm cho vaccine. Israel không nêu chi tiết giá chính xác đối với vaccine Pfizer song tuần qua, một ủy ban quốc hội đã tiết lộ nước này chi 787 triệu USD cho "các giao dịch vaccine khác nhau".
Bất chấp những can dự của cá nhân ông Netanyahu, các đối thủ tranh cử như lãnh đạo đảng Lao động Merav Michaeli lại cho rằng thành công tiêm chủng của Israel không chỉ nhờ vào khả năng giao dịch của ông Netanyah mà còn nhờ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Israel – một công trình được chính phủ cánh tả xây dựng từ trước.
Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận Thủ tướng Netanyahu đã làm tất cả những gì có thể để triển khai chương trình tiêm chủng và đóng góp vào sự thành công của nó, biến nó trở thành một phần trọng tâm trong chiến dịch "trở lại cuộc sống" của ông. Cố vấn Bushinsky nhận xét đây là một sự khởi đầu rõ rệt so với các cuộc bầu cử trước đây.
Ông Bushinsky giải thích thêm: “Vào những năm trước, chiến dịch của Thủ tướng Netanyahu luôn nêu bật nỗi sợ trong lòng công chúng, với những giả định rằng nếu không có ông, người Iran sẽ phát triển bom hạt nhân hoặc phong trào Hamas sẽ mạnh hơn, Hezbollah sẽ tấn công. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên mà ông Netanyahu tham gia không sử dụng chiến dịch sợ hãi mà thay vào đó là chiến dịch hy vọng. Hãy tưởng tượng nếu cuộc bầu cử diễn ra cách đây vài tháng khi hầu hết mọi người không được tiêm phòng”.
May mắn về thời gian dường như tạo được lợi thế cho Thủ tướng Netanyahu. Với chương trình tiêm chủng bắt đầu vào cuối tháng 12, ông có ít nhất 3 tháng mới đến ngày bầu cử. Khoảng thời gian này đủ để phần lớn dân số được tiêm chủng và quay trở lại cuộc sống bình thường theo đúng những lời cam kết trong tranh cử của ông.
Tzachi Hanegbi, một bộ trưởng nội các làm việc cùng ông Netanyahu trong nhiều thập kỷ, cho rằng Israel sẽ ghi nhận Thủ tướng Netanyahu vì những đóng góp của ông.
"Tôi thực sự tin rằng sau năm COVID-19, mọi người đã chứng kiến được khả năng của vị thủ tướng này đưa Israel thoát khỏi khủng hoảng với những kỳ vọng mới”, ông Hanegbi kết luận.