Báo Aljazeera dẫn lời Tariq Sulaq – Chỉ huy Sư đoàn Bờ biển thứ Hai thuộc liên minh Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ sớm diễn ra một cuộc tấn công quy mô lớn vào Idlib. Tôi nghĩ chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tìm giải pháp cho Syria”.
Video chiến đấu cơ Nga thổi bay mục tiêu phe nổi dậy Al Nusra Front (nguồn: RT):
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh không quân Nga-Syria tăng cường các hoạt động dội bom vào khu vực do phiến quân kiểm soát, sau khi Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tại thủ đô Tehran tuần trước.
Theo ông Sulaq, mục tiêu trong các cuộc không kích liên tục vừa qua nhằm vào các khu vực dân cư thưa thớt ở các tỉnh phía nam Idlib và phía bắc Hama không báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc tấn công mặt đất qui mô lớn.
Đối với Sulaq, Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở thủ đô Iran, tại đó Nga từ chối một lời kêu gọi ngừng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ, không có tác động lớn đến tình hình trên mặt đất. Ông cho biết mình đã tham dự một cuộc họp với các sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một giờ sau khi kết thúc cuộc hội nghị ngày 7/9.
"Họ nói với chúng tôi rằng ... nếu Nga và Iran đưa ra quyết định tấn công các khu vực mong muốn giải phóng, họ sẽ can thiệp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối đầu với những binh sĩ Syria ở tiền tuyến. Họ rất nghiêm túc về quyết định này và có nhiều động thái cho thấy rõ điều đó”.
Trong tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân tiếp viện tới 12 điểm quan sát trong khu vực của quân nổi dậy, được thành lập theo thỏa thuận "giảm leo thang" với Nga và Iran năm ngoái.
Ông Sulaq cho biết các loại vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, tàu sân bay và pháo, đã tiến về Idlib. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng dựng sẵn một kế hoạch dự phòng triển khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt đất trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Idlib.
Khalid Rahal, cựu chỉ huy của nhóm vũ trang đối lập al-Hijra ila-Allah, hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chia sẻ quan điểm sẽ không sớm diễn ra một cuộc tổng tấn công khi các cuộc đàm phán chính trị vẫn đang tiếp diễn.
"Nga và Chính phủ Syria đang chuẩn bị, họ đang điều động quân, phương tiện quân sự, nhưng tôi nghĩ quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị vẫn đang tiếp diễn”, Khalid Rahal nói với báo Al Jazeera.
Video đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ tiến về sát biên giới Syria, giáp với Idlib (nguồn: Almasdar news):
Trong khi đó, theo báo Daily Beast, nguyên do chính khiến chiến dịch tấn công Idlib trì hoãn là do lực lượng Chính phủ Syria đang muốn gia tăng quân số để đương đầu với số lượng áp đảo của phe nổi dậy.
Lực lượng tối đa mà Syria hiện có là 25.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 5.000 quân là các tay súng phiến quân đầu hàng. Họ sẽ phải đối mặt với khoảng 100.000 tay súng đến từ rất nhiều phe phái nổi dậy và lực lượng khủng bố đóng tại Idlib.
Mặt khác, những nhân tố quan trọng trước đó từng là lực lượng mặt đất của Tổng thống Bashar al-Assad ở Aleppo và vùng Damascus như các tay súng phong trào Hezbollah và các lực lượng được Iran hậu thuẫn dường như không có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công. Iran cũng tỏ ra không hứng thú tham gia vào một cuộc chạm trán đẫm máu với nguy cơ thương vong cao.
Đại tá Fateh Hassoun, một cựu sĩ quan quân đội Syria - đại diện cho lực lượng nổi dậy đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran tại Astana, nhận định: "Chúng ta có thể nói trận Idlib đang tạm thời hoãn lại. Nga cần một lực lượng mặt đất phối hợp với các máy bay chiến đấu”.
Idlib là rào cản cuối cùng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong con đường giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Liên hợp quốc và các nhóm viện trợ đã nhiều lần cảnh báo về một thảm họa nhân đạo lớn nếu cuộc tấn công Idlib xảy ra.