"Chìa khóa" giải quyết vấn đề hạt nhân Iran

Ủy ban các vấn đề chung Mỹ - Israel (AIPAC) - tổ chức vận động hành lang ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất ở Washington - đã tổ chức hội nghị thường niên bàn về chính sách từ ngày 2 - 4/3.

Toàn cảnh nhà máy hạt nhân nước nặng Arak của Iran ngày 15/1/2011.

Trong suốt ba thập kỷ qua, AIPAC đã không ngừng vận động chính quyền và Quốc hội Mỹ gây áp lực và áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. AIPAC được cho là chịu trách nhiệm về việc Mỹ thông qua hơn 10 dự luật và nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tehran trong suốt 15 năm qua.


Trong hội nghị năm nay, vấn đề Iran tiếp tục là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Chủ tịch AIPAC Michael Kassen và Tổng Giám đốc AIPAC Lee Rosenberg coi đây là một sự kiện để thể hiện sự ủng hộ đối với một loạt hành động của Quốc hội Mỹ nhằm gây áp lực lớn hơn về kinh tế và ngoại giao đối với chính phủ Iran. Hai ông này nhận định: "Ngoại giao mà không được hỗ trợ bởi sự đe dọa thì sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với các cuộc đàm phán". Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những khẳng định này là vô căn cứ. Trái ngược với tuyên bố của các quan chức AIPAC, thực tế cho thấy các chính sách áp đặt đối với Iran lại đe dọa lợi ích an ninh của Mỹ và Israel nhiều hơn bao giờ hết.


Theo các nhà phân tích, chính sách gây sức ép của Mỹ đối với Iran là nguyên nhân khiến cho Tehran mở rộng chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ đã bác bỏ quyền phát triển các nhà máy điện hạt nhân dân sự của Iran cũng như việc nước này tiếp cận thị trường nhiên liệu hạt nhân quốc tế. Chính sách này đã buộc Iran phải thực hiện "chiến lược hóa" chương trình hạt nhân, xây dựng các cơ sở làm giàu để có thể tự cung cấp các nhiên liệu hạt nhân. Tất cả những lần Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, đáp lại Iran đều đẩy nhanh các hoạt động hạt nhân của mình. Từ 164 máy li tâm ban đầu được sử dụng để làm giàu urani, Iran đã phát triển lên tới 9.000 máy vẫn đang hoạt động hiện nay trong tổng số 19.000 máy mà nước này sở hữu.


Trước khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, Iran chưa bao giờ làm giàu urani quá mức 5%. Tuy nhiên, để đáp lại việc Mỹ và phương Tây gây áp lực, Tehran đã tăng cấp độ làm giàu urani lên tới 20%.


Ngoài ra, sau cuộc chiến tranh không tuyên bố của Mỹ với Iran - cuộc xung đột kết thúc với thảm họa chuyến bay 655 của Iran bị Mỹ bắn rơi năm 1988 khiến 290 thường dân thiệt mạng - Iran đã kết luận rằng để ngăn chặn mối đe dọa từ Mỹ, Tehran buộc phải tăng cường chiều sâu chiến lược và vạch ra kế hoạch để trở thành một nhân tố ảnh hưởng trong khu vực. Để đạt mục tiêu đó, Iran đã sử dụng các mối quan hệ mang tính lịch sử với cộng đồng người Hồi giáo Shi'ite ở khắp khu vực, bao gồm cả Syria và Iraq. Một minh chứng khác là Mỹ và phương Tây đã tìm mọi cách để làm suy yếu vai trò của Iran tại Syria, nhưng đổi lại, cái mà Mỹ và đồng minh nhận được là sự trỗi dậy của các nhóm Salafist cũng như của mạng lưới al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này, đe dọa nghiêm trọng tới các lợi ích an ninh của Mỹ.


Tất cả những điều đó cho thấy các chính sách gây sức ép của Mỹ với Iran trong hơn 35 năm qua không những không giúp ích gì cho Mỹ trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa Iran mà còn góp phần tạo ra những mối lo ngại an ninh mới đối với Mỹ và các đồng minh. Thực tế cho thấy bất chấp những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Iran ngày nay vẫn có được sự ổn định và sức mạnh trong khu vực, trong khi đó Israel đang bị cô lập hơn bao giờ hết. Hoàn toàn trái ngược với sự leo thang các chính sách thù địch, mỗi khi Mỹ có giọng điệu hòa giải với Iran thì ngay lập tức nó đem lại những thành quả trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực. Có thể khẳng định rằng phương pháp tiếp cận ngoại giao, chứ không phải các biện pháp trừng phạt hay đe dọa, mới là chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Khắc Hiếu (Theo mạng tin "Al Monitor")

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN