Châu Âu - chủ đề "nóng" tại hội nghị G20

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) đang họp ở Thành phố Mêhicô, trong bối cảnh các mối quan ngại ngày một gia tăng về nguy cơ sa sút của kinh tế toàn cầu và sức ép đè nặng lên châu Âu trong cuộc chiến với cơn bão nợ công.


Hội nghị lần này là bước đi tiếp theo của cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6/2012 ở Los Cabos, nơi các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố sẵn sàng phối hợp hành động trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy nhu cầu nội địa nếu các điều kiện kinh tế tồi đi.


Để thực hiện các cam kết ở Los Cabos, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã có các bước đi nhằm tiến gần hơn tới một liên minh ngân hàng, dựng lên Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro (650 tỷ USD), và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tung ra chương trình mua trái phiếu.
Các bên tham gia hội nghị lần này sẽ nhấn mạnh tới việc làm thế nào để giảm bớt những bất ổn trên nhằm tạo ra một môi trường có lợi hơn với tăng trưởng.


Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Los Cabos ngày 18/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo về nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống 3,3%, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone vọt lên mức kỷ lục 11,6% trong tháng 9/2012 và sức tăng trưởng tại các nước mới nổi có chiều hướng đi xuống.


Các nhà lãnh đạo Eurozone đang đau đầu trước những diễn biến ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Một quan chức Đức cho rằng châu Âu cần phải đưa ra chiến lược quản lý khủng hoảng trong dài hạn.


Trong khi tình hình tài chính ở Mỹ cũng là một mối lo lớn, các quan chức được dự báo sẽ "án binh bất động" cho tới khi Mỹ kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống.


Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với các kiểm toán viên của Liên minh châu Âu (EU) và IMF đang bị tắc về các biện pháp khắc khổ mà Hy Lạp phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ. Aten đề nghị phải có thêm hai năm nữa để thực hiện các mục tiêu về ngân sách, trong bối cảnh chương trình khắc khổ đã đẩy Hy Lạp vào bãi lầy suy thoái sâu hơn tiên lượng của các chủ nợ quốc tế.


Trong buổi trả lời phỏng vấn trước thềm hội nghị G20, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng Mỹ và Nhật Bản cần chia sẻ trách nhiệm với châu Âu trong việc ổn định kinh tế toàn cầu. Tuyên bố này đánh đi tín hiệu rằng hội nghị G20 không nên chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Eurozone, mà phải đề cập đến những vấn để khẩn cấp khác, chẳng hạn như "vực thẳm tài chính" mà Mỹ đang phải đối mặt hay vấn đề nợ của Nhật Bản.


Nếu quốc hội Mỹ không hành động, sang năm 2013 cường quốc này phải đối mặt với đợt tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công - một " vực thằm tài chính" có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.


Ông Wolfgang Schaeuble nói rằng các nền kinh tế hàng đầu cần theo đuổi những cải cách về cơ cầu và củng cố tài chính đề giành lại niềm tin của thị trường và xây dựng sức tăng trưởng bền vững. Theo ông Schaeuble, không có mối nguy nào khi hoãn lại các quy định Basel III về vốn ngân hàng (dự kiến được thực thi từ tháng 1/2013). Còn Canađa lại khăng khăng yêu cầu rằng đề xuất các quy tắc Basel phải được tiếp tục dưới hình thức hiện nay và theo thời gian biểu đã được nhất trí.


Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng, với sự kết hợp của các nền kinh tế hùng mạnh và mới nổi, G20 cần cân đo những gì đã làm được để đạt được mục tiêu đề ra cách đây 2 năm trong phiên họp thượng đỉnh ở Tôrôntô. Tại đó, các nước đã phát triển cam kết giảm một nửa ngân sách vào năm 2013 và ổn định nợ vào năm 2015.


Ông Douglas Porter, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Montreal (BMO) nói: "Một trong những điểm trọng tâm của hội nghị G20 lần này sẽ là việc cả thế giới tìm cách thuyết phục châu Âu về mức độ quan trọng của việc duy trì và không nên kiểm soát quá gắt gao đối với Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha. Đây là một cơ hội thuận lợi để nói rằng trong một số trường hợp, châu Âu đang thắt lưng buộc bụng quá mức".


Trong một thông tin có liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner không tới hội nghị lần này mà cử một Thứ trưởng tài chính đi thay, trong bối cảnh đương kim Tổng thống Barack Obama và ông Mitt Romney đang trong cuộc đua sát sao vào Nhà trắng nhiệm kỳ tới.


Hương Giang (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN