Lãnh đạo OeVP, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz trước những người ủng hộ tại một sự kiện ở Vienna, Áo ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Động thái trên phần nào cho thấy tâm lý hồi hộp và lo lắng ở châu Âu sau khi đảng Nhân dân Áo (ÖVP) theo đường lối trung hữu của ông Kurz bất ngờ giành chiến thắng "lịch sử" trong cuộc bầu cử vừa qua. Cục diện "chưa rõ ràng" của liên minh cầm quyền và đường lối của chính phủ tương lai ở Áo đang báo hiệu những sóng gió trong đời sống chính trị tới đây ở quốc gia này nói riêng cũng như tác động tới châu Âu nói chung.
Viễn cảnh một chính phủ liên minh giữa những người bảo thủ ÖVP vừa giành 62 ghế trong Quốc hội 183 ghế của Áo, và đảng Tự do Áo (FPÖ) theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc và hoài nghi châu Âu, đang dần lộ rõ. Nhiều tháng trước bầu cử, ông Kurz đã "bóng gió" sẽ chấm dứt liên minh với đảng Dân chủ Xã hội Áo (SPÖ) theo đường lối trung tả, đảng về nhì trong cuộc bầu cử vừa qua và từng là đối tác truyền thống của ÖVP trong nhiều năm.
Như vậy, đối tác khả dĩ nhất giờ đây của đảng ÖVP là đảng về thứ ba FPÖ, vốn là đảng cực hữu chủ trương chống nhập cư và chống Hồi giáo. Dù đường hướng giữa 2 đảng còn nhiều khác biệt, song cả ÖVP và FPÖ đều có quan điểm hoài nghi về tiến trình hội nhập chặt chẽ hơn của Liên minh châu Âu (EU) và không ủng hộ người nhập cư Hồi giáo.
Trong khi FPÖ gay gắt phản đối quyết định của chính phủ mở cửa biên giới Áo cho hàng trăm nghìn người tị nạn sau cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, thì Ngoại trưởng Kurz luôn ủng hộ tăng cường an ninh và đóng biên giới với người nhập cư, đồng thời kêu gọi đưa những người di cư được cứu trên Địa Trung Hải về châu Phi chứ không phải là tới châu Âu.
Nhà lãnh đạo nước láng giềng Đức Angela Merkel luôn là mục tiêu nhắm tới của ông Kurz khi ông cáo buộc Đức "xả đáy" khiến dòng người nhập cư "cuồn cuộn" đổ lên hướng Bắc thông qua cửa ngõ Áo, quốc gia luôn cảm thấy quá tải với tình trạng kéo dài này. Dưới sự lãnh đạo của ông Kurz, ÖVP đã chuyển từ một chính đảng bảo thủ sang cánh hữu với những chính sách ngày càng đi theo hướng cực hữu hơn.
Diễn biến sau cuộc bầu cử ở Áo, cùng với việc một đảng theo đường lối cực hữu và dân tộc cực đoan mới có ghế trong Quốc hội liên bang Đức, đang khiến cả châu Âu lo ngại về nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực đoan tại "lục địa già". Việc các đảng dân túy, cực hữu tiếp tục nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ cử tri cũng đặt ra thách thức đối với châu Âu, trở thành mối đe dọa chính đối với sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô tại châu Âu, đặc biệt là tiến trình liên kết và hội nhập châu Âu.
Sau các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp hồi đầu năm nay, châu Âu đã phần nào "thở phào" khi chủ nghĩa dân túy mang tư tưởng cực hữu không thắng thế trong đời sống chính trị ở những nước này. Tuy nhiên, phe cực hữu chưa tàn lụi mà trái lại có chiều hướng phát triển mạnh trở lại.
Bằng chứng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Quốc hội liên bang Đức phải dành tới 94 ghế cho những người theo đường lối cực hữu thuộc đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức“(AfD), đảng mạnh thứ 3 trong cơ quan lập pháp Đức và mới được thành lập từ năm 2013. Việc AfD hay FPÖ giành ghế lập pháp cho thấy chủ nghĩa cực hữu vẫn luôn hiện hữu và chờ thời cơ để trỗi dậy.
Suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hay vấn đề an sinh xã hội không được đảm bảo là những nhân tố chính kích động sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và cực hữu ở châu Âu, trong khi cuộc khủng hoảng người di cư hay các mối đe dọa tấn công khủng bố càng khiến người dân tức giận và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong xã hội. Cùng với đó, chủ nghĩa hòa nghi châu Âu tại các nước EU cũng có cơ hội lan rộng khi quá trình hội nhập EU không đem lại lợi ích bình đẳng cho tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong khi quá trình mở rộng khối lại phần nào khoét sâu sự khác biệt về phát triển và văn hóa giữa các nước.
Sở dĩ dân túy hay cực hữu vẫn "sống dai" ở châu Âu là nhờ có được sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng không đồng tình với các quyết sách của chính quyền, hay cảm thấy mình bị gạt ra bên lề xã hội. Như tại Pháp, sự bất mãn của cử tri đã được thể hiện rõ nét bằng số lượng cử tri đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quan trọng gần đây thấp kỷ lục. Lần đầu tiên bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) phản đối nhập cư, giành được ghế quốc hội, và nữ chính trị gia có quan điểm hoài nghi EU này thậm chí đã lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Tại Hà Lan, mặc dù đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 3 trước đảng dân túy Vì tự do (PVV), song điều đáng nói là VVD mất 8 ghế so với nhiệm kỳ trước, trong khi PVV tăng 5 ghế và trở thành lực lượng đối lập chính của liên minh cầm quyền.
Ngay tại Áo, ứng cử viên Norbert Hofer của FPÖ từng giành được 46,6% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 12 năm ngoái. Cũng chính tư tưởng dân túy và phản đối người nhập cư đã góp phần khiến cử tri Anh quyết định rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Có thể thấy cuộc bầu cử Quốc hội Đức hồi tháng vừa qua đã đưa chủ nghĩa dân túy trở lại, trong khi bầu cử ở Áo lại tiếp sức cho tư tưởng cực đoan này tại châu Âu. Dù chưa thể “thống trị” ở châu Âu, song cũng không thể đánh giá thấp những mối đe dọa tiềm ẩn của chủ nghĩa dân túy cực đoan, nhất là khi “lục địa già” đang phải đương đầu với không ít bất ổn cả về chính trị, kinh tế lẫn xã hội, cũng như sự phức tạp và biến động trên bình diện toàn cầu.
Chưa thể loại trừ khả năng lực lượng dân túy cực hữu và phản đối hội nhập EU sẽ lên nắm quyền trong các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu như ở Italy hay ở Séc. Ngay cả nước Pháp vẫn có nguy cơ bị chủ nghĩa dân túy đe dọa trở lại, bởi dù đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 vừa qua, song đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen vẫn là một lực lượng chính trị mạnh.
Chủ nghĩa dân túy chưa thể bị đẩy lùi đang làm xói mòn gắn kết xã hội, đe dọa ổn định khu vực và đặt ra nguy cơ bất ổn mới, buộc các nước châu Âu phải tìm ra một chính sách nhất quán để cùng nhau ứng phó với thách thức chung này.