Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định hầu hết các nền kinh tế châu Á có thể trụ vững trước những biến động kinh tế gây sốc từ châu Âu. Theo WB, các nước châu Á có thể sử dụng những gói kích thích tài chính để tự bảo vệ mình trước nguy cơ của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á đã chuyển trọng tâm từ ngăn chặn lạm phát sang bảo vệ tăng trưởng, trong bối cảnh "cơn bão nợ" tại "lục địa già" và nền kinh tế trì trệ của Mỹ làm tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi trở lại suy thoái, tác động mạnh đến châu Á thông qua dòng tài chính, buôn bán, kiều hối, lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Trong tháng 11/2011, Ôxtrâylia và Inđônêxia đã giảm lãi suất trong khi Philíppin thúc đẩy gói kích thích tài chính mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bất chấp việc các quy chế mới về vốn của châu Âu sẽ ngăn chặn khả năng các ngân hàng châu lục này đổ tín dụng vào châu Á, các nguồn dự trữ ngoại tệ cao và thặng dư tài khoản vãng lai ở hầu hết các nước Đông Á sẽ bảo vệ các nền kinh tế này khỏi tác động của nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới. Tuy nhiên, WB cảnh báo các nhà hoạch định chính sách châu Á cần hành động thận trọng chống lại các nguy cơ ngắn hạn đối với tăng trưởng và khả năng dễ bị tổn thương kéo dài thường song hành với nền kinh tế quá nóng. Để giảm nguy cơ tổn thương do lãi suất tiếp tục giảm thấp, nới lỏng chính sách tài chính trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ là biện pháp thích hợp nhất để bảo vệ nền kinh tế. WB dự đoán các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo và Ấn Độ) sẽ tăng trưởng lần lượt 8,25% và 7,8% trong năm 2011 và 2012.
Trong khi đó, cơ quan đánh giá tài chính Fitch cảnh báo nếu kinh tế toàn cầu rơi trở lại suy thoái, Thái Lan và Malaixia sẽ là hai quốc gia trong các nước đang phát triển tại châu Á hứng chịu tác động nặng nề nhất, trong khi Inđônêxia sẽ là nền kinh tế ít chịu tác động nhất. Nhà phân tích Philip McNicholas thuộc Fitch nhận định, với tỷ lệ nợ trên GDP cao và sự thu hẹp các chính sách kích thích kinh tế, Thái Lan và Malaixia sẽ trở nên dễ tổn thương nếu kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng. Ngược lại, nhờ tỷ lệ nợ trên GDP thấp và các biện pháp kích thích kinh tế có hiệu quả, Inđônêxia sẽ ít chịu ảnh hưởng, kể cả khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Trong báo cáo lần thứ 5 về kinh tế Malaixia mang tên "Malaysia Economic Monitor", WB đã dự báo kinh tế Malaixia có thể sẽ tăng trưởng chậm lại từ nay đến cuối năm và trong cả năm 2012 do kinh tế toàn cầu ảm đạm, hệ quả của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vục Eurozone. Theo báo cáo, kinh tế Malaixia dự kiến chỉ tăng trưởng 4,3% trong năm 2011 và 4,9% trong năm 2012, trong khi đó, Chính phủ Malaixia dự kiến các mức tăng này là từ 5 - 6%. WB cho rằng nhu cầu trong nước dù vẫn được duy trì ở mức khá cao song môi trường kinh tế toàn cầu yếu kém có thể sẽ tác động xấu đến sản xuất và giá cả nông sản, từ đó ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng.
Trong quý III vừa qua, Malaixia đã đạt mức tăng trưởng GDP cao kỷ lục 5,8% sau khi đã tăng 4,3% trong quý II trước đó. Tăng trưởng GDP thực của nước này trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là 4,4%, chủ yếu nhờ đóng góp của đầu tư và xuất khẩu, trong đó dẫn đầu là hàng hóa và các sản phẩm chế tạo phi điện tử. WB dự đoán xuất khẩu của Malaixia sẽ chậm lại song tiêu thụ nội địa và đầu tư tư nhân sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm 2012, khi các dự án theo Chương trình Chuyển đổi Kinh tế cùng Kế hoạch phát triển 5 năm của nước này bắt đầu khởi động. WB cũng dự đoán lạm phát của Malaixia sẽ vào khoảng 3,2% trong năm 2011 và giảm xuống 2,7% trong năm 2012. Thể chế tài chính này cho rằng Malaixia cần đẩy mạnh việc thực thi các chương trình chuyển đổi kinh tế mà nước này đã công bố hồi năm ngoái nhằm đối phó với những bất ổn từ bên ngoài.
Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)