Chấm dứt những ảo tưởng

Sau chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ hiện diện vài giờ tại Pháp để cùng với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron đồng chủ trì lễ kỷ niệm 75 năm quân đồng minh đổ bộ vào vùng biển Normandie của Pháp trong cuộc chiến chống phát xít thời Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bầu không khí khá "êm ả" tại cuộc tiếp xúc của hai nhà lãnh đạo ở Normandie không đủ để làm dịu những căng thẳng từng khiến quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống Pháp-Mỹ xấu đi trong năm 2018, thậm chí, còn làm rõ hơn một thực tế, rằng mối liên kết của cặp Paris/Washington đang ngày càng lỏng lẻo, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đã kêu gọi nước Anh tiến hành một "Brexit cứng" để dứt bỏ Liên minh châu Âu (EU) bằng mọi giá.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) hội đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại thành phố Caen, miền Tây Bắc Pháp, ngày 6/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong buổi lễ trưa 6/6 tại nghĩa trang Colleville-sur-Mer, nơi 9.387 lính Mỹ từng tham gia cuộc đổ bộ Normandie yên nghỉ, Tổng thống Trump khẳng định rằng mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh là "không thể bị phá vỡ". Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Macron, ông Trump liên tục nhấn mạnh vào "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Pháp, cũng như giữa cá nhân hai vị nguyên thủ.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp nhắc lại rằng trận chiến cuối cùng chống lại chủ nghĩa phát xít đã bảo vệ các giá trị phổ quát của dân chủ và tự do, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương sau chiến tranh. Trước Tổng thống Trump, người đang quay lưng lại với những cơ chế đa phương, ông Macron kêu gọi không bao giờ chấm dứt "liên minh giữa các dân tộc tự do" như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, những định chế mà ông Trump thường xuyên chỉ trích.

Với những lời phát biểu cảm động nhằm tỏ lòng kính trọng đối với các cựu chiến binh trong buổi lễ tưởng niệm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ dường như đã tạm thời gác sang một bên những bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, đằng sau sự êm ả đó, giới quan sát vẫn nhận ra những căng thẳng thông qua các sắc thái mà hai nhà lãnh đạo đã thể hiện.

Cuộc hội đàm kéo dài 30 phút ở Normandie là lần trao đổi riêng đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi ông Trump đăng trên Twitter dòng đả kích gay gắt về "sự mất tín nhiệm" đối với nhà lãnh đạo Pháp, cũng như về ý tưởng thành lập quân đội châu Âu, ngay sau chuyến thăm Pháp tháng 11/2018 và dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Có vẻ quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã xuống cấp nghiêm trọng, dù ban đầu người ta từng đặt cược vào việc hai nguyên thủ với những điểm tương đồng về con đường chính trị, có thể khiến mối liên kết đồng minh Pháp-Mỹ trở nên khăng khít hơn, nhất là khi Tổng thống Mỹ và phu nhân được đón tiếp trọng thể tại Paris với tư cách khách mời danh dự nhân lễ Quốc khánh Pháp tháng 7/2017, và Tổng thống Pháp là nguyên thủ đầu tiên công du Mỹ ở cấp nhà nước kể từ khi ông Trump lên cầm quyền hồi tháng 4/2018.

Chủ nhân Điện Elysée từng được cho là có thể tìm được "ngôn ngữ chung" với  người đứng đầu Nhà Trắng để phần nào san lấp được những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu nói chung cũng như giữa Washington và Paris nói riêng trong những vấn đề chủ chốt như hồ sơ hạt nhân Iran, thương mại và môi trường. Nhưng cuối cùng, kết quả không được như mong muốn. Mỹ vẫn rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và áp lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp và ngân hàng châu Âu, hay đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa của các đồng minh châu Âu, bất chấp Tổng thống Pháp từng nhiều lần "nhắc nhở" ông Trump rằng "là đồng minh thì phải sát cánh bên nhau... trở thành những đối tác đáng tin cậy của nhau và phải phối hợp với nhau”.

Không chỉ vậy, hai nhà lãnh đạo còn thể hiện lập trường trái ngược được ví như "hai thái cực trên địa cầu". Nguyên thủ Mỹ nói đến một thế giới mà ở đó “Nước Mỹ là trước tiên”, còn Tổng thống Pháp đưa ra một tầm nhìn về một thế giới đa cực và mở rộng…Kế hoạch thành lập “quân đội độc lập châu Âu” do ông Macron chủ xướng, theo hướng EU sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào vũ khí Mỹ, bị Tổng thống Trump chỉ trích dữ dội.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không ngần ngại chĩa mũi dùi phê phán người đồng cấp Pháp về những vấn đề như tỉ lệ thất nghiệp cao hay tỉ lệ ủng hộ của người dân thấp, với "lời khuyên" rằng ông Macron thay vì đề xuất những ý tưởng như lập quân đội riêng của châu Âu thì nên lo: “Hãy làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại!”. Giờ đây, cả Paris và Washington đều không ảo tưởng về quan hệ giữa hai nguyên thủ nói riêng và hai nước nói chung. 

Trong bối cảnh đó, lễ kỷ niệm 75 năm quân đồng minh đổ bộ vào Normandie được điện Elysée xem là một sự kiện mang tính biểu tượng về tinh thần đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu, để nhắc nhở rằng hai bên "có những giá trị chung, lợi ích chung trong thời kỳ căng thẳng quốc tế lớn".

Cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ Pháp – Mỹ đề cập trước tiên đến vấn đề chống khủng bố mà hai bên vốn có chung quan điểm, tiếp đó là những chủ đề gây bất đồng như hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay chính sách với Iran. Tuy nhiên, rõ ràng khả năng Pháp - Mỹ xích lại gần nhau và cùng chung sức giải quyết các thách thức, như thời điểm 75 năm trước, đang trở nên xa vời.

Không những thế, cơ hội đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo cũng bị hạn chế. Những cuộc điện đàm giữa hai vị nguyên thủ đang ít đi. Và sau lễ kỷ niệm ở Normandie, các cuộc gặp gỡ có lẽ cũng sẽ chỉ giới hạn tại các cuộc họp thượng đỉnh quốc tế, như hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 này và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Pháp vào cuối tháng 8 tới.

Truyền thông Pháp nhắc lại rằng cây sồi mà Tổng thống Macron tặng ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 4/2018, chiết từ khu rừng tại Pháp nơi hàng nghìn lính Mỹ đã ngã xuống trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, từng được xem là biểu tượng cho mối quan hệ khăng khít giữa hai nước, nay đã chết. Cùng với đó, ảo tưởng về mối quan hệ đồng minh gắn kết Pháp - Mỹ cũng đã chấm dứt. Chuyến công du lần này của Tổng thống Trump tới Pháp một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, đang ngày càng rộng hơn.

Linh Hương (Phóng viên TTXVN tại Pháp)
Pháp, Mỹ cùng chung mục tiêu ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân
Pháp, Mỹ cùng chung mục tiêu ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân

Ngày 6/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này và Mỹ cùng chung mục tiêu trong việc ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cuộc đàm phán quốc tế mới để đạt được mục tiêu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN