Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 1/8, hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa là tiền đề của chiến tranh bởi vì theo quy luật sắt của động cơ lợi nhuận, các quốc gia luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và chi phối các thị trường nằm ngoài biên giới quốc gia. Hậu quả là các nước luôn cạnh tranh nhau, dẫn tới xung đột và cuối cùng là chiến tranh.
Nguồn dầu khí dồi dào ở Trung Đông luôn là mục tiêu hấp dẫn với Mỹ. |
Theo mạng tin trên, một yếu tố không đổi trong nguồn thù địch giữa các nước là sự kiểm soát dầu mỏ, mạch máu của chủ nghĩa tư bản và yếu tố quyết định lớn của việc bá chủ quốc tế hiện nay. Với hơn 60% trữ lượng dầu khí đã được chứng minh của thế giới tập trung ở Trung Đông, khu vực này hiện là chìa khóa cho việc tiếp tục duy trì sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Hồi cuối năm 2001, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã thẳng thừng thừa nhận rằng Mỹ luôn sẵn sàng và mong muốn gây chiến để bảo vệ Arập Xêút và các đồng minh Arập giàu dầu mỏ khác. Bản chất độc tài chuyên chế của các chế độ này là yếu tố đảm bảo các nguồn cung cấp dầu cho Mỹ và sự tiếp tục thống trị của đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới.
Đó là lý do khiến Oasinhtơn vẫn im lặng trước việc đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Arập Xêút và Baranh, kết đồng minh với các chế độ độc tài Hồi giáo theo dòng Sunni là Arập Xêút và Cata trong một chiến dịch ngầm nhằm thay đổi chế độ tại Xyri và Iran, như họ đã làm tại Libi với việc lật đổ và giết hại nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Từ năm 2001, Lầu Năm Góc đã vạch ra một kế hoạch nhằm vẽ lại bản đồ chính trị khu vực Trung Đông và xa hơn, với kế hoạch thay đổi chế độ tại 7 quốc gia là Irắc, Libi, Xyri, Iran, Libăng, Xuđăng và Xômali.
Các sự kiện sau đó và những can thiệp của Mỹ và các đồng minh tại 7 quốc gia trên, mặc dù dưới vỏ bọc bảo vệ dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế, cho thấy rằng kế hoạch trên của Lầu Năm Góc đang được thực thi một cách có phương pháp và liên tục cho dù tổng thống Mỹ thuộc phe Dân chủ hay Cộng hòa. Những chiến dịch can thiệp đế quốc mới này không chỉ nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp dầu mỏ đáng tin cậy cho Mỹ và các đồng minh, mà còn khẳng định sự bá chủ trước những đối thủ cũng đang cạnh tranh nguồn tài nguyên này và các thị trường. Sự suy giảm kinh tế của Mỹ trong thế kỷ 21 là rõ ràng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với Mỹ hiện nay cũng giống sự trỗi dậy của Đức so với Anh 100 năm trước đây. Nhiều nhà phân tích cho rằng chỉ vài năm nữa là Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những tác động sâu rộng đối với cán cân cung-cầu dầu mỏ.
Những phiêu lưu quân sự do Mỹ lãnh đạo tại Ápganixtan, Irắc, Libi và khu vực Hạ Sahara là nhằm cản trở sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc. Chỉ riêng sự thay đổi chế độ năm ngoái tại Libi do NATO gây ra đã khiến Trung Quốc tổn thất hàng tỷ USD trong đầu tư dầu mỏ và cơ sở hạ tầng. Âm mưu tương tự đang được tiến hành ngầm tại Xyri và Iran. Các cường quốc phương Tây và các đồng minh Arập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen đang phát động một cuộc chiến tranh nhằm gây bất ổn hai quốc gia có chủ quyền này.
Theo mạng tin trên, mặc dù chiến tranh là hậu quả không thể tránh của sự cạnh tranh quyền lực tư bản chủ nghĩa, nhưng có thể tránh được. Cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới nữa là đa số người dân chấm dứt hệ thống tư bản chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là đưa các chính phủ, ngân hàng, các ngành công nghiệp và quân đội nằm dưới sự kiểm soát dân chủ và công khai trên cơ sở đoàn kết quốc tế.
Thanh Hoa