Cánh cửa hé mở

Cuộc gặp giữa phái đoàn cấp cao của Mỹ và Nga tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đang thu hút sự chú ý toàn cầu khi nội dung chính là khôi phục mối quan hệ rạn nứt giữa hai nước và bàn giải pháp nhằm đem lại hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine sắp tròn 3 năm.

Đa số giới quan sát cho rằng sự kiện này không chỉ là một bước ngoặt trong quan hệ song phương, mà còn là một tín hiệu quan trọng đối với các vấn đề ổn định chiến lược toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Ukraine, cờ Liên minh châu Âu (EU) và quốc kỳ Mỹ ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Phái đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Về phía Nga, Điện Kremlin xác nhận Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov sẽ tham gia.

Đây là cuộc thảo luận trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước trong nhiều năm qua, diễn ra vài ngày sau cuộc điện đàm kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Sự kiện tại Riyadh còn được xem là bước chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến sẽ sớm diễn ra.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã leo thang căng thẳng, nhất là sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, như nhận định gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov rằng mối quan hệ đang bên bờ vực rạn nứt. Việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã đẩy hai quốc gia vào vòng xoáy đối đầu. Vì vậy, cuộc gặp lần này là dấu hiệu cho thấy hai bên bắt đầu tìm kiếm một nền tảng đối thoại nhằm giảm thiểu căng thẳng và cải thiện quan hệ.

Theo nhà nghiên cứu Trương Hoằng thuộc Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, sự tương tác giữa nguyên thủ hai nước Mỹ và Nga mới đây cũng như các hoạt động tiếp xúc như cuộc gặp ở Saudi Arabia đánh dấu sự lắng dịu trong vòng xoáy đối đầu khốc liệt giữa hai bên, có thể nói giai đoạn đen tối nhất trong quan hệ  song phương trong 3 năm trở lại đây về cơ bản đã qua.

Đáng chú ý, không gian đàm phán ở Saudi Arabia lại được Ukraine và các nước châu Âu dõi theo, sau khi Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về khả năng khởi động đàm phán hòa bình liên quan đến cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua. Thực tế thì việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề này đang được xem là "bỏ qua" Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Đó là lý do khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã phải vội vàng tổ chức họp khẩn tại Paris (Pháp) ngày 17/2 nhằm tìm kiếm một lập trường chung để khẳng định vai trò và tiếng nói của châu Âu trong quá trình đàm phánvề vấn đề Ukraine. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh trọng tâm của cuộc đàm phán là khôi phục toàn diện quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời thảo luận về khả năng đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine và tổ chức cuộc gặp cấp nguyên thủ.

Trong khi đó, phía Washington tỏ ra thận trọng hơn khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho rằng mục tiêu trước mắt là đánh giá mức độ nghiêm túc của Nga trong việc tìm kiếm hòa bình, cũng như xác định liệu có thể bắt đầu các cuộc đàm phán chi tiết hay không. Điều này cho thấy cả hai bên đều có những kỳ vọng khác nhau và khả năng đạt được bước tiến thực chất vẫn còn bỏ ngỏ.

Dù không kỳ vọng sẽ ngay lập tức tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, nhưng giới phân tích nhận định cuộc gặp lần này là dấu hiệu cho thấy hai bên bắt đầu tìm kiếm một nền tảng đối thoại nhằm giảm thiểu căng thẳng và cải thiện quan hệ song phương, mà trước hết là việc trao đổi thông tin và giảm nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu không mong muốn.

Đối với những vấn đề liên quan đến Ukraine, mặc dù cả Mỹ và Nga đều thận trọng về những bước ngoặt, song cuộc gặp tại Riyadh là cơ hội để mang lại một số tiến triển đóng vai trò là nền móng cho các giải pháp hòa bình cho tình hình ở Ukraine. Trước hết có thể là cơ hội cho việc giảm căng thẳng quân sự, đặc biệt là về các biện pháp tạm thời nhằm ngừng xung đột giữa hai bên.

Cuộc gặp Mỹ - Nga tại Saudi Arabia được dự báo có tác động đối với ổn định chiến lược toàn cầu khi đề cập đến cả tình hình Trung Đông và một một số khu vực khác trên thế giới đang trong tình trạng bất ổn và cần giải quyết với sự tham gia của cả Mỹ và Nga, như đánh giá ngày 17/2 của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Chuyên gia Konstantin Blokhin tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga lưu ý rằng cuộc đàm phán này bao gồm các vấn đề toàn cầu, không chỉ vấn đề Ukraine.

Việc chọn địa điểm trung lập Saudi Arabia cho thấy những dịch chuyển nhất định trong trật tự ngoại giao toàn cầu cũng như lợi ích chiến lược của Nga, Mỹ và Saudi Arabia trong tương lai. Chuyên gia về các vấn đề Vùng Vịnh Abdullah Baaboud cho rằng Saudi Arabia mong muốn tham gia với vai trò trung tâm hòa giải, tương tự như Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và muốn tăng cường ảnh hưởng trở thành “người chơi chủ chốt” trong khu vực.

Ngoài ra, chuyên gia này nhận định Saudi Arabia và Nga có chung lợi ích với vai trò là những nhà sản xuất dầu lớn. Còn Paul Salem, Phó Chủ tịch Viện Trung Đông tại Washington nêu rõ Tổng thống Trump mong muốn củng cố mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia vì lý do kinh tế, tài chính, đầu tư và chiến lược, bởi Riyadh giữ vị thế hàng đầu trong khu vực Trung Đông, có thể đảm bảo một thoả thuận tiềm năng giữa Mỹ - Saudi Arabia - Israel trong tương lai.

Dù kết quả cụ thể của cuộc gặp vẫn ở phía trước, nhưng sự kiện tại Saudi Arabia chính là cánh cửa để Mỹ - Nga khởi động lại quá trình đối thoại, từ đó mở ra khả năng giải quyết xung đột Ukraine trong tương lai. Như nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Thượng viện Nga Andrei Klimov, một cuộc đối thoại thực sự giữa Moskva và Washington là điều được mong đợi từ lâu, bởi bản chất của việc điều chỉnh quan hệ Nga-Mỹ là đảm bảo sự chung sống hòa bình giữa hai quốc gia trong một thế giới đang thay đổi.

Nói cách khác, quan hệ Nga-Mỹ là mối quan hệ cạnh tranh cùng tồn tại, trong đó các tranh chấp địa chính trị và chiến lược không thể tránh khỏi được quản lý một cách có trách nhiệm. Khi thế giới đối mặt với nhiều thách thức về an ninh, kinh tế và chính trị, việc khôi phục các kênh đàm phán và tìm kiếm các giải pháp hòa bình là hết sức cần thiết.

Hà Ngọc (TTXVN)
Phái đoàn cấp cao EC sẽ thăm Ukraine nhân 3 năm xung đột
Phái đoàn cấp cao EC sẽ thăm Ukraine nhân 3 năm xung đột

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 17/2 cho biết một phái đoàn quan chức cấp cao của cơ quan này sẽ thăm Ukraine vào tuần tới, nhân dịp 3 năm xảy ra cuộc xung đột ở quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN