Căng thẳng với Mỹ, Nga-Trung tìm đến nhau bàn quan hệ chiến lược

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir putin trong chuyến thăm Nga kéo dài 4 ngày vào tuần sau.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết ở Điện Kremlin ngày 4/7/2017. Ảnh: AFP/Getty Images

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên đấu trường toàn cầu, sau khi Mỹ thông báo một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga còn Bắc Kinh thì mắc kẹt trong chiến tranh thương mại với Washington.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/8 tuyên bố ông Dương Khiết Trì sẽ có mặt tại Nga từ ngày 14-17/8 để tham gia cuộc đối thoại an ninh chiến lược Trung-Nga. Ông sẽ cùng với Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev đồng chủ trì cuộc họp.

Hãng thông tấn Nga TASS trích lời ông Nikolai Patrushev trước đó xác nhận ông Dương Khiết Trì sẽ diện kiến Tổng thống Putin trong chuyến thăm Nga lần này.

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì diễn ra đúng thời điểm khi Bắc Kinh và Moskva đều đang tìm cách thắt chặt quan hệ để đối phó trước chính sách cứng rắn và đầy khiêu khích của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến các vấn đề thương mại và toàn cầu.

Chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì được thông báo chỉ vài giờ trước khi Washington tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt mới với Moskva. Biện pháp trừng phạt gồm lệnh cấm một lượng lớn hàng xuất khẩu sang Nga cuối tháng này. Nguyên nhân Mỹ trừng phạt Nga lần này xuất phát từ cáo buộc Nga tấn công hai cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh hồi tháng 3. Moskva cho đến giờ phủ nhận mọi lời cáo buộc.

Trong động thái trả đũa mới nhất, Bắc Kinh ngày 8/8 thông báo danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 16 tỷ USD mà nước này dự định đánh thuế sau khi Washington tuyên bố áp đặt chính sách thuế 25% đối với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian gần đây, Bắc Kinh và Moskva luôn tăng cường quan hệ hợp tác trên cả lĩnh vực song phương và đa phương - một động thái mà gới quan sát nhận định nhằm thay đổi trật tự thế giới vốn do phương Tây nắm giữ.

Bà Elina Sinkkonen – nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Vấn đề Quốc tế Phần Lan - cho biết sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xóa bỏ quy định Chủ tịch nước chỉ được giữ chức tối đa hai nhiệm kỳ và Tổng thống Putin tái đắc cử vào tháng 3, “quan hệ hợp tác tương lai về vấn đề an ninh giữa hai nước phần nào vững chắc hơn. Cùng tiếng nói, cộng thêm lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và bất đồng thương mại với Trung Quốc chắc chắn đã tác động tới tính toán của ban lãnh đạo Moskva và Bắc Kinh”.

Trong khi đó, ông Alex Gabuev – một nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm Moskva Carnegie - nhìn nhận hai quốc gia láng giềng Nga-Trung đều nhìn thấy lợi ích chung tăng dần trong các lĩnh vực từ an ninh tại Trung Á tới tương lai của Afghanistan, châu Phi và Triều Tiên. Hai quốc gia này đều muốn hiểu rõ nhau, giải thích ý định của bản thân và hợp tác khi có thể.

Mối quan ngại chung về chính quyền Tổng thống Trump được cho là một trong những chủ đề nghị sự chính trong chuyến thăm tới Moskva lần này của ông Dương Khiết Trì.

“Việc Lầu Năm Góc tăng ngân sách và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu là một thách thức chung. Nga và Trung Quốc đang tìm cách giải quyết”, chuyên viên Gabuev cho biết.

Bên cạnh đó, giới quan sát cũng cho rằng hai quốc gia có thể tìm cách thắt chặt quan hệ để đối phó với sức ép gia tăng từ Mỹ.

“Các lệnh trừng phạt và bất đồng thương mại có thể là những nhân tố bên ngoài thúc đẩy sự hợp tác sâu hơn giữa Trung Quốc và Nga trong khi hai quốc gia này đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược”, Li Xing – chuyên gia quan hệ Nga-Trung tại Đại học Bắc Kinh giải thích.

Tuy nhiên, mặc dù có quan hệ khăng khít hơn, song các chuyên gia cũng cho rằng Nga, với nền kinh tế nhỏ hơn đáng kể so với Trung Quốc và Mỹ, sẽ không thể hỗ trợ Bắc Kinh nhiều trong cuộc đối đầu thương mại với Washington. Ngược lại, Trung Quốc có thể cung cấp nhiều nguồn tài nguyên giúp đỡ các công ty Nga đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thông tin hiếm về nơi nghỉ hè, bàn luận chính trị của lãnh đạo Trung Quốc
Thông tin hiếm về nơi nghỉ hè, bàn luận chính trị của lãnh đạo Trung Quốc

Trong thời gian dài, nơi các lãnh đạo Trung Quốc ghé tới trong mùa hè hàng năm để thảo luận chính sự luôn được canh gác, giữ bảo mật. Một diễn biến gần đây đã phần nào làm rò rỉ thông tin về nơi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN