Đầu tuần này, phát biểu trên kênh truyền hình NBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ Israel đã đồng ý sẽ tạm ngừng chiến dịch tấn công trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 10/3 tới, để đổi lấy việc phong trào Hamas trao trả một số con tin. Thậm chí, ông Biden còn nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được ngay trong tuần tới.
Thông tin của ông Biden khiến báo chí thế giới “dậy sóng” dự đoán về một thỏa thuận ngừng bắn đã cận kề. Vốn được xem như là "nhà bảo trợ chính" cho cuộc tấn công của Israel tại Gaza, tiếng nói của Mỹ đương nhiên có độ tin cậy cao. Gần đây, Washington liên tục cử các phái đoàn ngoại giao con thoi tới khu vực, mới nhất là chuyến công du của Đặc phái viên Brett McGurk, được cho là tạo ra tác động không nhỏ tới Tel Aviv. Sau cuộc đàm phán thỏa thuận khung ở Paris giữa đại diện của Mỹ, Israel, Ai Cập và Qatar, ngày 25/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan xác nhận các bên đã đạt được nhận thức chung về một phác thảo sơ bộ cho một thỏa thuận ngừng bắn.
Trên thực tế, sau nhiều lần đổ vỡ, đây là vòng đàm phán mà Israel và Hamas đều tỏ ra nghiêm túc và có sự thay đổi trong lập trường. Ngày 20/2, Hamas từ bỏ yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và trao trả toàn bộ tù nhân, thay vào đó chấp nhận tạm ngừng giao tranh để trao đổi tù nhân và con tin, cũng như tăng thêm viện trợ nhân đạo vào Gaza. Phía Israel không còn nói đề xuất của Hamas là “ảo tưởng”, chấp nhận thả một số tù nhân quan trọng của phong trào này, cử một phái đoàn đàm phán mới tới Qatar. Đồng thời, Nội các Israel cũng tăng thẩm quyền quyết định cho đoàn đàm phán, bao gồm giám đốc Cơ quan tình báo Mosad và giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Shin Bet.
Các nội dung được cho là đã có sự thống nhất bao gồm: Hai bên sẽ tạm ngừng các hoạt động quân sự trong 40 ngày. Hamas sẽ trả tự do cho khoảng 40 con tin người Israel, bao gồm phụ nữ và trẻ em dưới 19 tuổi, người trên 50 tuổi và người bệnh. Đổi lại, Israel sẽ thả khoảng 400 tù nhân Palestine, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo, bao gồm sửa chữa các bệnh viện, các cửa hàng thực phẩm, cung cấp thêm lều bạt và đồ tiếp tế cho người sơ tán. Số lượng xe tải chở hàng viện trợ vào Dải Gaza mỗi ngày sẽ tăng lên 500 xe, so với khoảng 100 xe hiện nay.
Triển vọng đàm phán tích cực diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, và thế giới đang “nín thở” trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng liên quan đến số phận của trên 1,4 triệu người Palestine ở thành phố Rafah, nơi quân đội Israel đang ráo riết chuẩn bị tấn công. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk ngày 29/2 cho rằng “những gì xảy ra ở Gaza đã vượt quá sức chịu đựng, không thể diễn tả bằng lời và cần phải chấm dứt ngay lập tức”. Một loạt quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh của Israel cũng kêu gọi nước này tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thực hiện các bước để bảo vệ dân thường Palestine tốt hơn.
Giới quan sát cho rằng các cuộc tấn công dữ dội liên tục ở miền Nam Dải Gaza đang gia tăng sức ép đối với ban lãnh đạo của phong trào Hamas, khiến tổ chức này phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là tồn tại và tiếp tục nắm quyền tại Gaza. Ngoài ra, so với lần ngừng bắn cuối tháng 11 năm ngoái có tỷ lệ 1 con tin đổi 3 tù nhân, tỷ lệ trao đổi 1/10 lần này là một thắng lợi cho Hamas. Chuyên gia về Trung Đông Julie Norman tại Viện Nghiên cứu Rusi nhận định: "Theo thỏa thuận này, sẽ có 400 tù nhân Palestine được thả, để đổi lấy 40 con tin người Israel. Nhiều khả năng Hamas sẽ yêu cầu phóng thích các tù nhân cấp cao. Dù hai bên vẫn chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng, nhưng chắc chắn vấn đề này sẽ là một nội dung cốt lõi trong đàm phán.
Về phía Israel, đối mặt với một cuộc chiến kéo dài và số phận mong manh của 130 con tin đang bị giam giữ, dư luận và Nội các chiến tranh nước này đang có sự đồng thuận cao về một đợt ngừng bắn hạn chế, đổi lại sẽ có thêm vài chục con tin được giải thoát. Giải thích lý do phía Israel chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời (nếu có), Tiến sĩ Harel Chorev tại Đại học Tel Aviv nhận định có một “ranh giới đỏ” mà không chỉ người dân mà cả Chính phủ Israel đều không chấp nhận - ngừng bắn vĩnh viễn. Vì vậy Hamas đã tìm cách tạo ra các điều khoản trong quá trình đàm phán để cuối cùng phía Israel cũng phải chấp nhận tạm ngừng bắn. Trong thỏa thuận ngừng bắn lần trước, Hamas cũng từng làm như vậy. Tổ chức này dự đoán thương vong lớn với dân thường sẽ tạo ra áp lực quốc tế buộc Israel phải dừng tấn công, nhưng điều đó không xảy ra. Vì vậy, Hamas hiện tại về cơ bản đã cố gắng tìm một cách khác, theo hướng không bắt bên nào phải ngừng bắn. Theo chuyên gia Chorev, không phải vấn đề trao đổi tù nhân, mà ngừng bắn mới là điều Hamas quan tâm nhất hiện nay.
Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ thông báo triển vọng tích cực, các đại diện của cả Israel lẫn Hamas đều nói rằng chưa có tiến triển trong các cuộc đàm phán. Basem Naim, một quan chức cấp cao của Hamas khẳng định “khoảng cách vẫn còn rộng. Chúng tôi phải thảo luận rất nhiều điểm với các nhà trung gian”. Ngay cả Qatar, một đối tác trung gian chủ chốt kết nối giữa các bên cũng tỏ ra thận trọng, cho hay “không có bước đột phá nào để công bố” và hiện tại chỉ đang “tích cực thúc đẩy” các bên. Những diễn biến này cho thấy một thỏa thuận ngừng bắn dù rất tích cực nhưng vẫn còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán đang tiếp tục diễn ra.
Nếu đàm phán đổ vỡ, một điều chắc chắn là Israel sẽ tiếp tục tăng cường cuộc tấn công tại miền Nam Dải Gaza, bao gồm cuộc đổ bộ vào Rafah. Trong một bài phát biểu dài trước toàn dân tối 29/2, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định “phản đối mọi sức ép quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc chiến trước khi chúng ta đạt được mọi mục tiêu chiến tranh”. Chính phủ Israel lo ngại chấp nhận thỏa thuận bằng mọi giá đồng nghĩa với việc Hamas sẽ tiếp tục nắm quyền, gây dựng lại cơ sở hạ tầng và xốc lại lực lượng để tiếp tục các cuộc tấn công mới nhằm vào Israel.
Chưa có chiến tranh, tháng Ramadan luôn là “thùng thuốc súng” trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và người Palestine. Các nước Arab đã cảnh báo nguy cơ xung đột có thể lan rộng ra toàn khu vực, nếu các cuộc tấn công của Israel vẫn tiếp tục trong thời điểm nhạy cảm này. Đến nay, Chính phủ Israel vẫn trì hoãn chưa ra quyết định có cho phép người Palestine từ Bờ Tây vào ngôi đền linh thiêng Al-Aqsa (phía Israel gọi là Núi Đền) để hành lễ hay không. Đối mặt với nguy cơ bạo lực, hàng nghìn cảnh sát Israel trong tuần qua đã được rải khắp các khu vực ở thành cổ Jerusalem và quanh điểm nóng này.
Cuộc chiến bất đối xứng có thể dự báo một thất bại trước mắt của Hamas trên chiến trường. Tuy nhiên, cho dù năng lực quân sự của Israel có mạnh đến đâu, mục tiêu “xóa sổ” Hamas như tuyên bố ban đầu của các nhà lãnh đạo Israel dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Hamas không phải là một lực lượng vũ trang đơn thuần mà là một phong trào chính trị nhận được sự ủng hộ của người dân Palestine ở cả Dải Gaza và Bờ Tây. Vì vậy, một lệnh ngừng bắn, nếu có, vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Thế giới đang kêu gọi thúc đẩy giải pháp “hai nhà nước”, một hành trình vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện để có được nền hòa bình bền vững cho tất cả các bên.