Cân bằng quyền lực Trung Đông đang định hình

Ranh giới chiến tuyến ở Trung Đông đang thay đổi. Với sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các cường quốc lớn ở khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran đang phải cân nhắc lại các mối quan hệ cũng như chiến lược khu vực của mình.

Điều được nhận thấy rõ ràng nhất là trên chiến trường Syria và Iraq, cuộc chiến giữa các phe phái đang tạo động lực cho sự nổi lên của sự "cân bằng quyền lực khu vực". Dù bề ngoài tình hình có vẻ rối, nhưng xu hướng trên đang diễn tiến theo mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong chiến lược lâu dài của nước này ở khu vực.

Ranh giới giữa các chiến tuyến ở Trung Đông đang đan xen, chồng lấn.


Nhiều người đã chỉ trích quyết định của Washington không đóng vai trò trực tiếp hơn để ngăn chặn bạo lực ở Syria hay dựa vào lực lượng địa phương để chống IS ở Iraq, nhưng trên thực tế, các mục tiêu địa chính trị toàn cầu của Mỹ đã buộc cường quốc này phải thúc đẩy chiến lược tạo ra sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông, nơi các cường quốc khu vực phải chia sẻ nhiều hơn gánh nặng ổn định khu vực với Mỹ.

Lời khước từ của Washington không để bị kéo vào một cuộc chiến nữa ở Trung Đông đang mang lại kết quả ban đầu khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thận trọng tham gia vào tiến trình ổn định khu vực biên giới phía Nam, đối trọng với cuộc cạnh tranh Saudi Arabia - Iran, vốn tạo ra bạo lực và gây bất ổn Trung Đông.

Đầu tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và một phái đoàn chính trị gia nước này đã tới Riyadh để gặp người đồng cấp Saudi Arabia, Quốc vương Sal bin Abdulaziz. Dù rất ít chi tiết được công bố, nhưng cả hai bên dường như đã đạt được thỏa thuận cùng hợp tác ở Syria.

Các cuộc gặp gỡ và thỏa thuận giữa hai nước thể hiện sự thay đổi đáng kể trong các mối quan hệ giữa hai cường quốc Sunni chính ở Trung Đông. Chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ lực lượng Hồi giáo dòng chính, vốn bị phản đối bởi chính quyền Saudi Arabia dưới thời cựu Quốc vương Abdullah.

Saudi Arabia vẫn xem Phong trào Anh em Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo Sunni khác là mối đe dọa cho sự ổn định lâu dài của quốc gia. Tuy nhiên, các mối đe dọa hiện hữu từ IS và Iran đã buộc nước này có những thay đổi chiến thuật. Saudi Arabia cũng tái can dự với Qatar, một quốc gia (cũng như Thổ Nhĩ Kỳ) ủng hộ các lực lượng Hồi giáo dòng chính. Sự ủng hộ này có thời điểm đã khiến các nước bất đồng với Riyadh và nghiêng về Iran.

Ảnh hưởng của Iran đối với khu vực phía Tây đã suy giảm mạnh trong lịch sử. Nhưng kể từ sự sụp đổ của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 2003, Iran đã bắt đầu củng cố được quan hệ của mình ở nước này, tạo ra vùng ảnh hưởng người Shi'ite từ các đường biên giới phía Đông Địa Trung Hải.

Iraq là điểm then chốt trong "Chiến lược Trung Đông" của Iran, là bàn đạp cho nước này tiến vào thế giới Arập. Điều này giải thích tại sao Tehran đã bắt đầu can dự quân sự trực tiếp ở Iraq trong tuần qua và các lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran đang tham gia với những chiến binh người Shi'ite do Iran hậu thuẫn và các lực lượng quân đội Iraq trong trận chiến chống IS ở Tikrit.

Iran đang tăng cường hiện diện quân sự ở cả Syria và Iraq trong cuộc chiến chống IS. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở cả hai quốc gia này, Iran buộc phải trở về thế thủ để duy trì những nhân tố ảnh hưởng mà nước này đã có được trong giai đoạn giữa cuộc xâm lược Mỹ ở Iraq và thời kỳ nổ ra "Mùa Xuân Arập".

Sự đảo ngược về chiến lược này là một trong những nhân tố đẩy Tehran phải thương thuyết với Washington để giúp giành được sự công nhận đối với những ảnh hưởng của nước này ở thế giới Arập và bảo vệ vị thế của mình như một cường quốc khu vực.

Hợp tác với Iran là mục tiêu của Mỹ. Tuy nhiên, Washington cũng biết rằng cạnh tranh trực tiếp giữa Tehran và Riyadh có thể tạo rủi ro cho sự bất ổn khu vực, đòi hỏi có một vai trò lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lý do mạng tin Stratfor đưa ra nhận định rằng, ranh giới giữa các chiến tuyến đang đan xen, chồng lấn và cuốn vào nhau, tạo nên một sự cân bằng quyền lực mới ở khu vực.


Quang Tuyến (Theo mạng tin Stratfor)
Trung Đông tiếp tục một năm đầy thách thức
Trung Đông tiếp tục một năm đầy thách thức

Năm 2015 tiếp tục là một năm "đầy chông gai" đối với Trung Đông, do giá dầu giảm, sự phát triển của các nhóm thánh chiến Hồi giáo và những bất ổn từ quá trình chuyển giao quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN