Theo bình luận của tờ Wall Street Journal ngày 6/11, mức trần giá dầu của phương Tây đối với dầu Nga nhằm hạn chế nguồn thu ngân sách của Moskva đang ngày càng mất tác dụng.
Bằng chứng mới nhất: Doanh thu thuế dầu khí nộp vào ngân sách Nga trong tháng 10 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 9 và tăng hơn 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu mới được công bố. Điều đó thể hiện sự thay đổi rõ rệt so với đầu năm khi doanh thu của Nga từ năng lượng sụt giảm.
Mức trần giá mà phương Tây áp đặt vào tháng 12 năm ngoái được cho là nhằm đạt được hai mục tiêu: đảm bảo dòng dầu thô của Nga vẫn chảy trên thị trường thế giới, từ đó giữ giá xăng dầu ở mức thấp, đồng thời giảm doanh thu của Moskva trên mỗi thùng dầu bán ra.
Nhưng sau khi các biện pháp trừng phạt ban đầu có tác dụng như mong đợi, Nga đã tìm ra cách để vượt qua chúng, chuyển dầu trên một đội tàu chở dầu cũ mà hầu hết lượng dầu và khí đốt xuất khẩu của nước này không bị áp dụng trần giá. Mức chiết khấu mà họ bán dầu so với giá toàn cầu đã giảm xuống, thúc đẩy nguồn thu của Nga.
Một số nhà phân tích xác nhận quy mô đội tàu vận tải mà Nga có thể sử dụng đã đảm bảo rằng hầu hết hàng xuất khẩu của nước này không bị áp mức trần. Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại JPMorgan Chase, cho biết: “Giới hạn giá hoạt động như thiết kế nhưng giờ đã lỗi thời”.
Nguồn thu từ dầu mỏ gần đây giúp giảm thâm hụt ngân sách của Nga, giúp giảm bớt một số căng thẳng đối với các yêu cầu tài chính của chính phủ. Khi xuất khẩu tăng lên, sự cải thiện vị thế thương mại của Nga đang giúp giảm bớt một số áp lực giảm giá đối với đồng rúp, vốn đã ổn định so với đồng đô la Mỹ trong những tuần gần đây.
Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo gần đây rằng việc giá dầu ở Nga tăng cho thấy mức trần này ngày càng không thể thực thi được. Ngân hàng Thế giới và các nhà kinh tế khác nêu rõ nguồn lợi dầu mỏ mới giúp Moskva duy trì nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine và củng cố nền kinh tế đang bị trừng phạt. Năm tới, Chính phủ Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự gần 70% lên mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD kể từ thời hậu Xô Viết.
Liam Peach, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: “Có vẻ như nguồn năng lượng dồi dào sẽ cho phép Chính phủ Nga duy trì nguồn lực cho xung đột ở Ukraine mà không gặp thêm căng thẳng về tài chính”.
Rõ ràng Nga đã giành được chiến thắng. Theo hãng thông tấn Nga Interfax, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết vào tháng 10: “Tôi hy vọng rằng bây giờ mọi người đều tin rằng công cụ [G7] nghĩ ra đơn giản là không hiệu quả và người tiêu dùng cuối cùng phải chịu đựng”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang nỗ lực tăng cường can thiệp thử nghiệm vào thị trường dầu mỏ toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng hình phạt đối với hai tàu chở dầu với cáo buộc vi phạm các quy tắc trừng phạt lần đầu tiên vào tháng trước và Washington đang chuẩn bị các biện pháp bổ sung để đảm bảo thương nhân tuân thủ các quy tắc, các nguồn tin trong ngành cho biết.
Với phần lớn giao dịch dầu mỏ của Nga hiện đang diễn ra bên ngoài khu vực pháp lý của họ, Mỹ và các đồng minh cũng đang thảo luận cách khiến Nga phải chịu chi phí cao hơn trong việc phát triển và vận hành đội tàu mà nước này sử dụng để lách các lệnh trừng phạt. Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành một nỗ lực rộng rãi nhằm trấn áp các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga.