Giá dầu trượt dốc do lo ngại về tăng trưởng của Mỹ
Trong khi đó, tồn kho dầu thô và nguồn cung nhiên liệu dồi dào của Mỹ cũng là yếu tố gây áp lực lên thị trường.
Giá dầu thô Brent tương lai giảm 37 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 82,23 USD/thùng, vào lúc 13 giờ 55 phút giờ Việt Nam, và giá dầu WTI kỳ hạn của Mỹ giảm 34 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống 78,16 USD/thùng. Cả hai chỉ số đều tăng khoảng 0,8% trong phiên trước đó.
Trước đó, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 12/6, đồng thời lùi thời điểm nới lỏng chính sách, muộn nhất là đến tháng 12 tới. Việc chi phí đi vay được duy trì ở mức cao có xu hướng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp kết thúc rằng lạm phát đã giảm mà không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đồng thời nói thêm rằng điều này hoàn toàn có thể tiếp tục.
Về phía nguồn cung, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, chủ yếu do nhập khẩu tăng vọt, trong khi tồn kho nhiên liệu cũng cao hơn dự đoán, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA). Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo về nguồn cung dư thừa trong tương lai gần cũng là yếu tố đè nặng lên thị trường.
Các nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu ANZ Research cho biết: “Điều này hoàn toàn trái ngược với báo cáo lạc quan từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hồi đầu tuần này. OPEC+ đã duy trì dự báo về tăng trưởng nhu cầu tích cực.
Thị trường đang theo dõi các cuộc đàm phán về hòa bình ở Dải Gaza. Một tín hiệu tích cực sẽ làm giảm lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Chứng khoán biến động trái chiều trước các thông tin tin kinh tế mới nhất
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 13/6, với chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng điểm nhẹ trong khi chứng khoán Nhật Bản và Thượng Hải đồng loạt mất đà.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lần lượt giảm 0,4% và 0,28% xuống còn 38.720,47 điểm và 3.028,92 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong tăng 0,97% lên 18.112,63 điểm. Trong đó, chứng khoán Thượng Hải chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của EU đối với hoạt động nhập khẩu xe điện Trung Quốc.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) tăng 0,6%, trong đó chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) tăng 1,8% lên mức cao kỷ lục. Nhìn chung, một số thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm nhờ dư âm tích cực từ việc hai chỉ số S&P 500 của Mỹ và chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ đã đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại trong phiên gần nhất.
Ông David Chao, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của Invesco châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Tôi cho rằng các thị trường muốn nhìn thấy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà không cần cắt giảm lãi suất, hơn là tăng trưởng chững lại với nhiều lần cắt giảm”.
Chứng khoán Phố Wall diễn biến rộn ràng trong phiên giao dịch trước đó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sau đó đã bị choáng váng bởi những thông tin được đưa ra sau cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), liên quan đến việc thể chế này nhiều khả năng sẽ chỉ giảm lãi suất khoảng 25 điểm phần trăm trong năm nay.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ở một mức độ nào đó, việc bắt đầu giảm lãi suất muộn hơn trong năm nay sẽ được bù đắp bằng một đợt cắt giảm lãi suất bổ sung trong năm 2025.
Chuyên gia Jean Boivin, người đứng đầu Viện Đầu tư BlackRock, cho biết: “Fed đã nhiều lần thay đổi quyết định về lộ trình chính sách dự kiến , vì vậy chúng tôi không quá coi trọng loạt dự báo mới của họ”.
Cũng theo chuyên gia này, "những bất ngờ về chỉ số lạm phát sắp tới... có thể sẽ tiếp tục dẫn đến những điều chỉnh lớn về triển vọng chính sách. Và với sự thiếu rõ ràng từ các ngân hàng trung ương về lộ trình phía trước, thị trường có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với các dữ liệu riêng lẻ".
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống còn 4,325% hôm 13/6, từ mức 4,41% của phiên trước đó.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 1,32 điểm (0,10%) lên 1.301,51 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,02%) lên 248,36 điểm.
Giá vàng giảm nhẹ quanh mức cao kỷ lục
Trong phiên 13/6, giá vàng châu Á giảm nhẹ và vẫn giao dịch quanh mức cao kỷ lục được thiết lập trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,53% xuống còn 2.310 USD/ounce. Từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 12% và chỉ kém 6% so với mức cao kỷ lục 2.450,05 USD đạt được vào tháng trước.
Sức mua đối với vàng vẫn rất dồi dào, bất chấp việc giá vẫn “neo” ở mức rất cao. Những căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế được cho là nguyên nhân khiến giới đầu tư đổ xô vào vàng để tìm kiếm một kênh trú ẩn an toàn. Sự thiếu niềm tin vào các kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn như bất động sản và chứng khoán, cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
Theo Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản Bruce Ikemizu, tại Nhật Bản, có nhiều người mua vàng hơn người bán mặc dù giá đang cao kỷ lục.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London Ruth Crowell cho biết: “Khi bối cảnh kinh tế vĩ mô trở lại bình thường, với các thị trường bất động sản và chứng khoán thú vị hơn, tôi nghĩ rằng sự nhạy cảm về giá sẽ quay trở lại”.
Trong khi đó, chuyên gia Albert Cheng, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Singapore, nói với Reuters bên lề Hội nghị Kim loại quý châu Á-Thái Bình Dương rằng: “Xu hướng trên thị trường là nếu người tiêu dùng muốn mua vàng thì họ sẽ mua. Giá cả không thành vấn đề”,
Ở những nơi khác ở châu Á, các nhà đầu tư bán lẻ đã đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn, và kênh đầu tư này đang ngày càng được người trẻ ưa chuộng hơn.
Tại thị trường Việt Nam, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.