Giá dầu
Vào đầu giờ chiều nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 13 xu Mỹ, tương đương 0,16%, xuống 81,50 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ, hay 0,04%, xuống còn 77,67 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng khoảng 3% lên mức cao nhất một tuần qua trong phiên 10/6, nhờ những kỳ vọng rằng mùa du lịch Hè ở Bắc Bán cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đà tăng này có thể sẽ không kéo dài do triển vọng lãi suất cao.
Dự kiến, số liệu CPI tháng 5/2024 của Mỹ và kết quả cuộc họp chính sách hai ngày của Fed đều được đưa ra vào ngày 12/6. Các nhà giao dịch cũng thận trọng trước khi dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Trung Quốc được công bố vào cùng ngày.
Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, cho biết yếu tố vĩ mô có khả năng gây bất lợi cho giá dầu là dữ liệu lạm phát của Trung Quốc. Ông cho biết, xu hướng giảm phát trong giá sản xuất của Trung Quốc được dự đoán sẽ chững lại, nhưng nếu chỉ số giá sản xuất (PPI) gây thất vọng, khi cho thấy nguy cơ giảm phát vẫn "cố thủ" ở Trung Quốc, thì nhu cầu dầu cũng được dự đoán sẽ giảm theo.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tuần trước cho biết Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ bổ sung dầu vào Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) khi việc bảo trì kho dự trữ hoàn thành vào cuối năm. Mỹ muốn mua lại dầu với giá khoảng 79 USD/thùng.
Giá vàng
Vào lúc 15 giờ 22 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 7,3 USD, hay 0,32%, xuống 2.303,30USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 7,7 USD, hay 0,33%, xuống 2.300 USD/ounce.
Ông Matt Simpson, nhà phân tích cao cấp tại City Index, cho rằng Fed khó có thể phát đi tín hiệu về khả năng hạ lãi suất vào tháng Chín tới sau báo cáo việc làm mạnh mẽ. Điều này có thể khiến giá vàng giảm hơn nữa, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và đồng USD mạnh lên.
Các dự báo kinh tế cập nhật từ các quan chức Fed trong tuần này được dự đoán sẽ cho thấy số lần cắt giảm lãi suất ít hơn so với dự báo mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra ba tháng trước, do lạm phát vẫn ở mức cao ngoài dự kiến.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ và các thông tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) đang tạm dừng mua vàng đã khiến giá kim loại quý này giảm mạnh khoảng 3,5%, tương đương 83 USD/ounce, trong phiên cuối cùng của tuần trước. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020.
Trung Quốc được dự đoán sẽ nối lại hoạt động mua vào khi giá giảm từ mức cao kỷ lục ghi nhận trong tháng 5/2024.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 29,13 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,9% xuống 958,55 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, sáng nay, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 76,98 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), bằng mức giá cùng thời điểm ngày hôm qua.
Chứng khoán
Sau một tuần khởi sắc nhờ các dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ, báo cáo việc làm mạnh mẽ trong lĩnh vực phi nông nghiệp của cường quốc này đã củng cố khả năng lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn.
Thị trường hiện đang hướng đến cuộc họp chính sách của Fed, kết thúc vào ngày 12/6, và báo cáo CPI tháng 5/2024 của Mỹ.
Trong khi Fed được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này, điều mà thị trường quan tâm là dự báo về hướng đi của lãi suất trong những tháng tới.
Đầu năm nay, các nhà giao dịch dự đoán có tới sáu lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng con số này đã giảm dần, và hiện ước tính lạc quan nhất là ba lần, thậm chí còn có ý kiến cho rằng sẽ không có lần cắt giảm nào trong năm 2024.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,04% xuống 18.176,34 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite để mất 0.8% xuống 3.028,05 điểm. Các thị trường Sydney, Singapore, Đài Bắc, Manila và Jakarta đều ghi nhận sắc đỏ.
Trong khi đó, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lại tăng 0,3% lên 39.134,79 điểm
Còn tại Việt Nam, chốt phiên này, chỉ số VN-Index giảm 6,26 điểm, hay 0,49%, xuống 1.284,41 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,83 điểm, hay 0,34%, lên 246,41 điểm.