Các quốc gia trên thế giới quản lý việc dạy, học thêm như thế nào?

Mỗi quốc gia cần tìm ra những giải pháp hợp lý để cân bằng giữa việc phát triển giáo dục chính quy và hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, đảm bảo sự công bằng và giảm bớt áp lực cho học sinh.

Chú thích ảnh
Cậu bé học tiếng Anh tại nhà ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Triết học gia nổi tiếng John Dewey từng nói: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà giáo dục chính là cuộc sống”. Câu nói này làm nổi bật quan điểm giáo dục phải được nhìn nhận như một phần không thể tách rời của cuộc sống, và quản lý giáo dục cần phải đảm bảo rằng học tập và giảng dạy phản ánh sự phát triển của con người trong suốt cuộc đời, chứ không chỉ là chuẩn bị cho một giai đoạn nào đó. Trong bối cảnh việc quản lý dạy, học thêm đang thu hút sự chú ý rộng rãi, triết lý sâu sắc này có thể được sử dụng để khởi động cho cuộc thảo luận về vấn đề quan trọng này.

Khi nền giáo dục toàn cầu ngày càng phát triển, vấn đề dạy và học thêm đã trở thành thực trạng phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những nước có hệ thống giáo dục cạnh tranh và thi cử căng thẳng. Áp lực từ chương trình học, kỳ vọng từ phụ huynh muốn con cái mình đạt được thành tích cao hơn trong học tập, là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhu cầu học tập ngoài giờ học chính thức.

Ở các quốc gia có nền giáo dục yêu cầu thi cử gay gắt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, học thêm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của học sinh. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có tới 70% học sinh tại các quốc gia Đông Á tham gia các lớp học thêm ngoài giờ học chính thức. Điều này chứng tỏ nhu cầu dạy thêm đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Không chỉ là giải pháp cho việc cải thiện kết quả học tập, dạy thêm còn phản ánh những hạn chế của hệ thống giáo dục chính quy. Ở nhiều quốc gia, chương trình học chính thức không đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hệ thống giáo dục còn thiếu sót hoặc không đủ linh hoạt để phát triển toàn diện năng lực học sinh, dẫn đến việc nhiều học sinh phải tìm đến các lớp học thêm để theo kịp chương trình học. Cũng không thể phủ nhận yếu tố văn hóa, nơi việc học thêm được xem như một hình thức đầu tư cho tương lai và là thước đo của sự thành công trong xã hội.

Hàn Quốc

Chú thích ảnh
Biển hiệu các trung tâm dạy thêm "hagwon" ở Daechi-dong, phía Nam Seoul. Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền giáo dục cạnh tranh nhất thế giới. Và dạy thêm, học thêm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của học sinh.

Theo Bloomberg, số tiền mà người Hàn Quốc chi cho con cái học thêm ở các cơ sở tư nhân sau giờ học chính khóa (hay còn gọi là “hagwon”) đã tăng mạnh, lên mức cao chưa từng có, làm gia tăng áp lực lên nhiều gia đình. Dữ liệu do văn phòng thống kê quốc gia công bố cho thấy người Hàn Quốc đã chi 20,6 tỷ USD cho “hagwon” vào năm 2023, tăng 4,5% so với năm 2022.

Trung bình mỗi học sinh tốn 419,59 USD/tháng để học thêm vào năm 2023, với chi phí tăng dần theo độ tuổi. Đặc biệt, học sinh trung học theo học tại các cơ sở giáo dục tư nhân chi 561,47 USD/tháng để học thêm.

Giới chức Hàn Quốc cho biết thông thường, các lớp học kết thúc lúc 16h. Tuy nhiên, đa số học sinh sẽ tham gia các lớp học thêm đến tận nửa đêm. Vào các ngày cuối tuần, nhiều học sinh phải học liên tục 5-6 ca một ngày.

Trước thực trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã quy định lớp học thêm chỉ được phép hoạt động đến 22h để giảm bớt áp lực cho học sinh. nhân viên thanh tra của chính phủ có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào. Chính quyền cấm các trung tâm dạy thêm dạy các bài học trước chương trình trên lớp và đặt mức trần học phí học thêm. Tuy nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy cơn sốt học thêm ở nước này sẽ nguội đi.

Trung Quốc

Chú thích ảnh
Học sinh tại trường trung học số 6 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt cải cách để kiểm soát việc dạy thêm. Từ năm 2021, nước này đã thực hiện chính sách “giảm kép”, nhằm mục đích giảm bớt áp lực về giáo dục và tài chính cho phụ huynh và học sinh.

Một trong những biện pháp quan trọng là việc siết chặt quản lý các tổ chức dạy thêm, bao gồm việc cấm các trung tâm giáo dục tư nhân dạy các môn học chính thức trong chương trình học chính thống, như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các lớp học thêm cũng bị hạn chế về thời gian, không được tổ chức vào cuối tuần hay trong các kỳ nghỉ học, nhằm giảm tải cho học sinh.

Nước này cũng cấm các giáo viên chính thức dạy thêm để tránh tình trạng “mua điểm” và tạo ra sự công bằng trong giáo dục.

Mục tiêu của những chính sách này là giảm bớt áp lực học sinh và tạo cơ hội để các em có thể phát triển toàn diện hơn, thay vì chỉ tập trung vào việc học và thi cử. Chính phủ Trung Quốc cũng mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục chính thống, giúp các trường học chính quy trở thành nơi cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh, giảm bớt sự phụ thuộc vào các lớp học thêm tư nhân. Qua đó, Trung Quốc kỳ vọng có thể xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện và bền vững, thúc đẩy sự phát triển cả về trí tuệ lẫn phẩm chất của học sinh.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, nền giáo dục cạnh tranh khốc liệt đã khiến việc dạy thêm qua các trung tâm “juku” trở nên phổ biến. Các juku có nhiều hình thức - từ dạy kèm cá nhân đến hệ thống trường trên toàn quốc, do giáo viên nghỉ hưu, giáo viên bán thời gian hoặc sinh viên đại học điều hành.

Mặc dù không có những biện pháp quản lý nghiêm ngặt như ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, nhưng các lớp học thêm tại Nhật Bản được giám sát bởi các tổ chức giáo dục để đảm bảo chất lượng giảng dạy và hạn chế việc dạy thêm quá mức.

Nhật Bản còn có cơ chế hỗ trợ giáo dục rất đặc biệt, với mục tiêu giảm thiểu nhu cầu học thêm tư nhân. Trường học sẽ cung cấp các lớp học bổ trợ, giúp học sinh có cơ hội củng cố kiến thức ngay trong môi trường học chính quy. Điều này không chỉ giúp học sinh tiếp cận thêm các kiến thức cần thiết mà còn giảm bớt áp lực học thêm ngoài giờ.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có một yếu tố quan trọng trong việc hạn chế dạy thêm, đó chính là văn hóa học tập tự giác và tự nguyện. Học sinh tại đây được khuyến khích phát triển khả năng tự học từ khi còn nhỏ. Sự tự giác này xuất phát từ quan điểm giáo dục chú trọng vào việc hình thành tư duy và kỹ năng tự học, thay vì phụ thuộc vào việc học thêm. Văn hóa này giúp giảm áp lực cho cả học sinh và phụ huynh, đồng thời thúc đẩy tinh thần tự nguyện, tự giác.

Các quốc gia khác

Chú thích ảnh
Học sinh tại trường tiểu học Siltamaki ở thủ đô Phần Lan. Ảnh: Independent

Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục chất lượng cao, chú trọng vào sự phát triển toàn diện của học sinh và không đặt nặng thành tích thi cử. Chính sách giáo dục của Phần Lan không khuyến khích dạy thêm, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy chính quy và giảm tải chương trình học. Giáo viên được đào tạo chuyên sâu và có quyền tự chủ cao trong việc điều chỉnh chương trình học sao cho phù hợp với từng học sinh, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc vào học thêm.

Mô hình giáo dục của Thụy Điển cũng không yêu cầu học sinh phải tham gia các lớp học thêm, thay vào đó chú trọng vào việc phát triển kỹ năng sống và tư duy phản biện của học sinh.

Tại Mỹ và Vương quốc Anh, dạy thêm chủ yếu là một dịch vụ tự nguyện. Các tổ chức tư nhân cung cấp các lớp học thêm và các giáo viên có thể dạy kèm riêng hoặc tổ chức các lớp học nhóm. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của các quốc gia này không có các quy định chặt chẽ như các quốc gia châu Á. Mặc dù vậy, nhiều chương trình hỗ trợ học sinh yếu kém vẫn được triển khai để đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Nhìn chung, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau trong việc quản lý dạy thêm, học thêm, phản ánh những ưu tiên và mục tiêu giáo dục riêng biệt. Các quốc gia trên thế giới có những chính sách quản lý dạy thêm học thêm rất khác nhau, chủ yếu tùy thuộc vào hệ thống giáo dục và mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia. Trong khi các quốc gia châu Á có xu hướng tập trung vào thi cử và việc dạy thêm như một công cụ bổ sung cho việc học chính thức, các quốc gia phương Tâylại có những chính sách quản lý khác biệt, nhắm đến sự phát triển toàn diện và giảm bớt áp lực thi cử, khuyến khích học sinh phát triển các kỹ năng tự học và sáng tạo.

Tác động của hoạt động dạy thêm đối với nền giáo dục

Chú thích ảnh
Học sinh tham dự kỳ thi đại học ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Dạy thêm, học thêm mang lại cả lợi ích và hệ lụy cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và xã hội. Đối với học sinh, dạy thêm có thể giúp nâng cao kiến thức, củng cố những khía cạnh chưa nắm vững trong chương trình học, hoặc giúp chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra áp lực lớn, khiến học sinh ít có thời gian nghỉ ngơi, phát triển toàn diện, và có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần.

Về phía phụ huynh, cho con đi học thêm trở thành một khoản đầu tư đáng kể, đặc biệt trong các xã hội coi trọng thành tích giáo dục. Trong khi một số phụ huynh cho rằng dạy thêm là cần thiết để giúp con cái đạt được kết quả tốt hơn, việc chi trả học phí học thêm có thể gây áp lực tài chính lớn đối với các gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Đối với giáo viên, dạy thêm mang lại cơ hội kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, làm giảm chất lượng dạy chính thức. Một số giáo viên chính quy, vì nhiều lý do khác nhau, khuyến khích các họcsinh tham gia lớp học thêm do chính họ tổ chức. Dù có thể giúp các em cải thiện điểm số, song điều này có thể ảnh hưởng đến sự công bằng trong giáo dục chính quy.

Ở cấp độ xã hội, việc dạy thêm có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giáo dục, khi học sinh có điều kiện kinh tế tốt có thể tiếp cận với các dịch vụ dạy thêm chất lượng cao, với những giáo viên giàu kinh nghiệm và tài liệu học tập hiện đại, trong khi những học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau.

Nhìn chung, việc quản lý dạy thêm, học thêm là một vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố trong hệ thống giáo dục và xã hội. Dù có những lợi ích nhất định, dạy thêm cũng gây ra không ít hệ lụy, đặc biệt là tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội học tập. Do đó, mỗi quốc gia cần tìm ra những giải pháp hợp lý để cân bằng giữa việc phát triển giáo dục chính quy và hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, bảo sự công bằng và giảm bớt áp lực cho học sinh. Chỉ khi các chính sách này được thực hiện đúng đắn, giáo dục mới có thể thực sự trở thành công cụ thay đổi xã hội, như Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hàn Quốc: Bắt quả tang 24 giáo viên bán đề thi đại học cho các cơ sở dạy thêm
Hàn Quốc: Bắt quả tang 24 giáo viên bán đề thi đại học cho các cơ sở dạy thêm

Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 19/9 cho biết 24 giáo viên trung học đã bị bắt quả tang bán đề thi cho các cơ sở giáo dục tư nhân trước và sau khi tham gia ra đề trong kì thi tuyển sinh đại học Suneung (CSAT) và các kì thi CSTA thử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN