Các biện pháp trừng phạt của phương Tây có vẻ như đã thất bại trong việc gây áp lực buộc Iran từ bỏ tham vọng theo đuổi chương trình hạt nhân. Trong khi đó, sự xuất hiện của tác động phụ ngoài dự đoán đã đặt ra một loạt thách thức mới.
Một nhà máy hóa dầu của Iran ở Assaluyeh, tỉnh Bushehr. Ảnh: Internet
|
Sự "vắng mặt" của dầu mỏ Iran đã đẩy giá dầu lên cao tới mức đủ để đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của cơ quan tư vấn Petrologistics, lượng dầu thô xuất khẩu của Iran trong tháng 3/2012 đã giảm khoảng 300.000 thùng/ngày (tương ứng 14%). Trong khi đó, một số nhà quan sát vấn đề Iran, bao gồm cả một số quan chức phương Tây, lo ngại rằng thay vì gây áp lực buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, việc gia tăng các áp lực kinh tế sẽ khiến Iran ngày càng trở nên "thất thường", khó dự đoán và thậm chí là nguy hiểm hơn.
Nhà phân tích Dina Esfandiary thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trụ sở ở Luân Đôn, nói: "Các biện pháp trừng phạt có gây ra các ảnh hưởng, song đó không phải là những hệ quả mà người ta dự định. Các biện pháp trừng phạt không làm gia tăng ảnh hưởng như mong muốn đối với chính quyền Iran. Có chăng, chúng chỉ khiến cho chính quyền này càng quyết tâm để theo đuổi (tham vọng hạt nhân) tới cùng".
Trong khi người dân Iran bắt đầu phải hứng chịu gánh nặng của các lệnh trừng phạt kinh tế, thì ảnh hưởng của việc giá dầu tăng cũng đã bắt đầu lan rộng khắp thế giới, như gây ra lạm phát lương thực và giá cả. Bên cạnh những đồn đoán và đe dọa ngày càng nhiều xung quanh khả năng Ixraen tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Iran, ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đã đẩy giá dầu tăng lên thêm 15%.
Hayat Alvi, phó Giáo sư nghiên cứu về khu vực Trung Đông tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ nói: "Các biện pháp trừng phạt thực sự là một tình huống 'tiến thoái lưỡng nan'. Các nền kinh tế trên thế giới ít nhiều đều có liên quan tới nhau, nhiều nền kinh tế vốn 'mong manh' và những thành tựu phục hồi kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và điều đó đang bắt đầu diễn ra".
Các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ phản đối việc các biện pháp trừng phạt ngày càng được thắt chặt hơn nữa, mặc dù các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Trong khi đó, bất chấp những cam kết từ phía Arập Xêút - đối thủ kinh doanh dầu mỏ của Iran - rằng họ sẽ cung cấp đủ bù vào số dầu mỏ Iran bị thiếu hụt, dư luận hoài nghi về lượng dầu dự phòng thực sự của nước này.
Têhêran và các cường quốc châu Âu, mới đây nhất là Liên minh châu Âu (EU), đã lần lượt đề xuất nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc đàm phán như vậy có thể được tổ chức vào tháng 4 tới, thì trước các bất đồng sâu sắc của các bên tham gia, nhiều nhà phân tích cũng không mấy lạc quan về các kết quả có thể đạt được sau đó.
Chính quyền Iran, dù với sự lãnh đạo của ai cũng sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Song có thể thấy, điều mà các áp lực kinh tế ngày càng nặng nề có thể gây ra chính là gia tăng tranh giành quyền lực trong nội bộ giới chóp bu chính trị, tăng lữ và quân sự tại quốc gia Hồi giáo này.
Theo nhiều người, vụ tấn công sứ quán Anh gần đây hay các cuộc đánh bom nhằm vào phái đoàn ngoại giao Ixraen tại Grudia, Thái Lan và Ấn Độ, hay âm mưu ám sát đại sứ Arập tại Oasinhtơn chính là những dấu hiệu cho thấy (các động thái của) Iran ngày càng trở nên khó dự đoán.
TTK