Buổi bình minh của 'Trung Đông mới'?

Ngày 15/9, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan (từ trái sang) tại lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng, Washington DC., Mỹ ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Lễ ký được tổ chức ngay bên ngoài Nhà Trắng trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đóng vai trò trung gian thúc đẩy hai nước Arab vùng Vịnh bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi thất bại trong việc thúc đẩy Israel và Palestine đàm phán giải quyết xung đột.

Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump gọi đây là “buổi bình minh của Trung Đông mới”. Sự kiện này có thể xem là bước đột phá lớn nhất trong quan hệ giữa Israel với khối Arab trong 26 năm qua tính từ thời điểm nước này ký hiệp định hòa bình với Jordan năm 1994. Hai thỏa thuận trên mở đường cho UAE và Bahrain thúc đẩy hợp tác với Israel về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, an ninh và quốc phòng.

Đối với Israel, đây là thành tựu ngoại giao lớn, từng bước phá vỡ tình trạng bị cô lập tại khu vực trong hàng chục năm qua, gia tăng số lượng các nước Arab có quan hệ chính thức với Nhà nước Do Thái lên 4 quốc gia (Ai Cập, Jordan, UAE và Bahrain). Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain đồng thời giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giảm áp lực từ trong nội bộ. Chính khách này đang chịu áp lực lớn từ bộ phận cánh hữu ủng hộ sáp nhập lãnh thổ tại Bờ Tây sau khi ông không thực hiện được cam kết sáp nhập đã nêu trong các đợt vận động tranh cử trước đó. Thủ tướng Netanyahu cũng kéo sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những chia rẽ trong liên minh cầm quyền giữa đảng Likud và Xanh - Trắng của Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz về vấn đề ngân sách nhà nước, nguy cơ bầu cử lần thứ tư trong vòng chưa đầy 2 năm và một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, cũng như giảm sự chú ý của dư luận về vấn đề pháp lý cá nhân ông đang vướng phải. 

Đối với UAE và Bahrain, lãnh đạo các nước này đặt quyền lợi quốc gia lên trên vấn đề lịch sử quan hệ Arab-Israel và vấn đề Palestine. Có thể nói rằng lo ngại đầu tiên và lớn nhất của hai nước này là vấn đề Iran vì tình hình nội bộ tại vùng Vịnh và ảnh hưởng của Tehran tại Yemen ngày càng lớn. UAE thấy rằng chỉ có liên minh với Israel mới tạo ra đủ sức mạnh để đối trọng với Iran khi Mỹ ngày càng giảm can dự trực tiếp tại Trung Đông. Ngoài ra, UAE muốn củng cố vị trí là quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu tại khu vực, quốc gia này có nhu cầu thắt chặt liên minh với Israel trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh tại khu vực, nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, UAE còn tìm kiếm sự ủng hộ từ cả chính quyền của Tổng thống Trump lẫn đảng Dân chủ Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. 

Sự kiện UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel phản ánh tác động từ những điều chỉnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Các nước Arab vùng Vịnh cần Israel hơn khi Mỹ giảm can dự trực tiếp tại khu vực này. Sau làn sóng “Mùa Xuân Arab”, các nước Arab đều có nhu cầu tiến hành cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách đối ngoại để duy trì ổn định chính trị và xã hội trong nước. Do giá dầu sụt giảm và tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu cải cách kinh tế càng cấp thiết hơn. Do đó, cộng đồng Arab vùng Vịnh ưu tiên giải quyết những vấn đề mà khối này đang đối mặt hơn là quan tâm đến các vấn đề rộng hơn của cả thế giới Arab. Bình thường hóa quan hệ với Israel tạo điều kiện cho hai bên gia tăng hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh và quốc phòng. UAE có nhu cầu mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Israel giúp UAE đạt được mục tiêu này.  

Một yếu tố tác động trong vấn đề này, là dân số Arab đang trẻ hóa nên ít quan tâm đến xung đột Israel - Arab hơn các thế hệ trước đây, do đó tâm lý phản đối UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel là không lớn. Hơn 28% dân số tại khu vực Trung Đông ở độ tuổi từ 15 - 29, đây là tỷ lệ lớn nhất trong lịch sử khu vực này. Người trẻ trong độ tuổi từ 15 - 24 chiếm xấp xỉ 20% dân số tại Ai Cập, Iraq, Liban, Libya, Maroc, Oman, Sudan, Syria, Tunisia, Yemen, Jordan, Algeria và Saudi Arabia. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ các nước Arab đã tăng từ 19,5% năm 2012 lên 23% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước Arab cao hơn phần còn lại của thế giới ít nhất trong 3 thập niên qua. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp trong người trẻ là nữ lên tới 42,1%, trong khi ở nam giới là 19,8%. Do đó, các chính phủ và người dân Arab cơ bản quan tâm đến cải cách kinh tế, việc làm hơn các vấn đề lịch sử như xung đột Arab/Palestine và Israel.  

Đối với Tổng thống Donald Trump, việc giữ vai trò trung gian thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Arab vùng Vịnh với Israel nằm trong nỗ lực ghi điểm phục vụ cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Thời điểm công bố bình thường hóa quan hệ và lễ ký kết còn nhằm mục đích kéo sự chú ý của dư luận tại Mỹ khỏi chỉ trích chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực trạng kinh tế và sự quan tâm của công chúng tới đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tới, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và liên danh tranh cử Kamala Harris.

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đang rất cần các thành tựu ngoại giao sau khi chính sách với Venezuela, Iran và Triều Tiên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đặc biệt, đối với khu vực Trung Đông, bất chấp các biện pháp cứng rắn, Nhà Trắng chưa ép được Iran chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện mà Washington đặt ra. Thay đổi thực trạng quan hệ Arab - Israel theo hướng có lợi cho Israel được đánh giá có thể giúp ông Trump thu hút sự ủng hộ của một bộ phận cử tri theo đạo Tin Lành.

Tháng 8 vừa qua, trong cuộc vận động tranh cử tại Oshkosh, bang Wisconsin, Tổng thống Trump tuyên bố quyết định công nhận Jerusalem thuộc về Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem là vì người theo đạo Tin Lành. Theo đánh giá của giới quan sát, một bộ phận cử tri là người theo đạo Tin Lành tại Mỹ xem chính sách của Washington đối với Israel làm căn cứ để ra quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử sắp tới. 

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Arab và Israel cũng nằm trong mục tiêu xây dựng liên minh mới tại Trung Đông, trong bối cảnh Washington thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và chuyển dịch ưu tiên chiến lược sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Trump thực hiện chuyến công du đầu tiên sau khi đắc cử tổng thống là đến Saudi Arabia tháng 5/2017. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump đã nêu quan điểm “các quốc gia Trung Đông không thể chờ đợi sức mạnh Mỹ nghiền nát kẻ thù cho mình”. Đây là khởi đầu cho hàng loạt nỗ lực sau đó của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thành lập một liên minh an ninh và chính trị mới tại Trung Đông bao gồm 6 nước thuộc vùng Vịnh, Jordan và Ai Cập, được gọi là Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), trong đó có nội dung thành lập một liên minh quân sự Arab, còn được biết là Arab - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), do Saudi Arabia lãnh đạo, để chống khủng bố và kiềm chế Iran. Mỹ không muốn thành lập Arab - NATO mà chưa thúc đẩy được bình thường hóa quan hệ Arab - Israel.      

Câu hỏi đặt ra là lúc này là tính hiệu quả, hiệu lực của Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 do Saudi Arabia đề xuất thể hiện đồng thuận chung của khối Arab những năm qua trong giải quyết xung đột Israel - Arab/Palestine. Sáng kiến này nêu quan điểm chỉ công nhận Israel sau khi thành lập Nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới trước năm 1967, Đông Jerusalem là thủ đô và hồi hương người tị nạn Palestine. Khi Ai Cập ký hiệp định hòa bình với Israel năm 1979 và Jordan ký hiệp định hòa bình với Israel năm 1994 có đi kèm nội dung là Israel xem xét trả lại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine. Tuy nhiên, Israel và UAE/Bahrain bình thường hóa quan hệ trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine chưa được giải quyết, chưa có triển vọng cụ thể về thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. 

Mặc dù quan điểm của Liên đoàn Arab (AL) vẫn là ủng hộ giải pháp hai nhà nước giải quyết xung đột Israel - Palestine, nhưng giải pháp hai nhà nước dường như đang rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết vì một số nước Arab có thể đang xem trọng mối quan hệ với Israel hơn vấn đề Palestine. Tuy vậy, chưa có quốc gia Arab nào tuyên bố từ bỏ ủng hộ Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002. 

Có thể thấy chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực thuyết phục các nước Arab không có biên giới trực tiếp và chưa từng có chiến tranh với Israel bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Mỹ muốn các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi một Nhà nước Palestine được thành lập.

Điều này được chứng minh qua chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới nhiều nước Trung Đông từ 25 - 27/8 gồm Israel, Sudan, Bahrain và UAE để thúc đẩy mục tiêu trên. Ngay sau chuyến công du này của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner  cũng đến các nước Trung Đông, gồm Israel, UAE, Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập, Bahrain, Oman và Maroc với mục đích tương tự. Giới quan sát cho rằng các nước tiếp theo mà chính quyền Tổng thống Trump tập trung là Oman, Sudan, Maroc và càng không thể loại trừ Saudi Arabia.

Năm 1967, AL họp tại Khartoum, Sudan, ra tuyên bố chính sách “ba không” với Israel là: Không hòa bình với Israel; không công nhận Israel và không đàm phán với Israel. Nếu Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel, chính sách “ba không” của AL có thể xem như không còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Sudan ngày 25/8, không có thông báo chung chính thức sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Sudan Abdallah-Hamdok và Ngoại trưởng Pompeo. Thay vào đó, Bộ trưởng Thông tin Sudan Faisal-Saleh thông báo Chính phủ chuyển tiếp tại Sudan không có quyền ra quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel.

Đối với Saudi Arabia, Quốc vương Salman duy trì quan điểm ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, duy trì Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 do chính nước này đề xuất. Sau khi UAE, Bahrain ký kết thỏa thuận với Israel, Saudi Arabia ra tuyên bố khẳng định ủng hộ người Palestine cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine, phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế và Sáng kiến hòa bình Arab. 

Saudi Arabia lâu nay thực hiện chính sách nước lớn trong khối Arab Sunni tại khu vực và quốc gia bảo vệ Hồi giáo, nên việc bình thường hóa quan hệ với Israel phải được cân nhắc thận trọng. Nếu Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 không còn có thể thực thi. 

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE/Bahrain chưa dẫn đến thay đổi đột ngột tại Trung Đông vì thực chất hai quốc gia Arab này đã hợp tác và đối thoại không chính thức với Israel trong nhiều năm. Thỏa thuận là sự công khai và chính thức hóa hợp tác đó. Trung Đông sẽ thực sự thay đổi nếu Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, đồng thời Mỹ và Iran giải quyết được căng thẳng hiện nay. Mặc dù vậy, về mặt tích cực, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE/Bahrain sẽ góp phần thúc đẩy ổn định tại khu vực, gia tăng kết nối kinh tế và thương mại, củng cố khối Hồi giáo Sunni ôn hòa. Thỏa thuận có thể tạo động lực để một số nước Arab khác như Oman, Sudan, Maroc, Qatar và đặc biệt là Saudi Arabia từng bước bình thường hóa quan hệ với Israel.

Công Đồng (TTXVN)
Israel ký thỏa thuận bình thường hóa với UAE, Bahrain
Israel ký thỏa thuận bình thường hóa với UAE, Bahrain

Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN