Bước đi có chủ ý của Thủ tướng Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bất ngờ từ chức, đồng thời đề nghị Tổng thống Prokopis Pavlopoulos chấp thuận kế hoạch bầu cử sớm. Đây có thể coi là một bước đi có chủ ý của ông Tsipras khi ông đang muốn củng cố quyền lực để có thể thực hiện các cam kết cải cách khắc nghiệt với các chủ nợ quốc tế để nhận gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.


Trong 7 tháng cầm quyền ngắn ngủi vừa qua, ông Tsipras đã nỗ lực đưa Hy Lạp chống lại các yêu cầu của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho người dân nước này, nhưng rốt cuộc đã phải "đầu hàng” và bỏ qua cả ý kiến của đông đảo của cử tri để chấp nhận các yêu cầu khắt khe của các chủ nợ quốc tế.   

Với khoản giải ngân đầu tiên 23 tỷ euro vừa có được, Hy Lạp đã kịp trả được khoản nợ đến hạn 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tái cấp vốn cho các ngân hàng đang cạn kiệt tiền mặt.

Việc Thủ tướng Tsipras từ chức diễn ra trong lúc ông đang đối mặt với những mâu thuẫn với nhiều nghị sĩ của đảng Syriza cầm quyền của ông, những người đang tức giận vì Thủ tướng đã không giữ đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ chấm dứt những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà những chủ nợ quốc tế ép buộc để đổi lấy những khoản cứu nguy.

Sự chia rẽ này đã khiến Thủ tướng Hy Lạp phải trông cậy vào lá phiếu của các nghị sĩ đối lập để thông qua hai dự luật về cải cách gần đây theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. Có tới 1/3 trong tổng số 149 nghị sĩ của đảng Syriza đang chống lại ông Tsipras thông qua việc bỏ phiếu chống hoặc trắng trong các cuộc bỏ phiếu vừa qua.

Nhận thấy sự ủng hộ dành cho mình rất mong manh, Thủ tướng Tsipras đã bỏ qua ý định tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội đối với chính phủ và đề nghị người dân thông qua cuộc bầu cử sớm quyết định tương lai của ông.

Ông Tsipras đang đưa ra một phép thử để xem liệu cử tri Hy Lạp có ủng hộ ông tiếp tục nắm quyền hay không, đồng thời cũng tạo sức ép để các nghị sĩ thuộc đảng Syriza phải trở lại lập trường ủng hộ nhằm bắt tay thực hiện các cải cách kinh tế trong thời gian tới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử nên diễn ra vào tháng 10 tới, sau khi các chủ nợ có đợt đánh giá đầu tiên về tiến trình thực hiện cải cách mới của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Tsipras lại muốn bầu cử càng sớm càng tốt, có thể trong tháng 9 tới, nhằm tranh thủ sự ủng hộ hiện nay của các cử tri trước khi phần khó khăn nhất của chương trình cứu trợ này - bao gồm thực thi cắt giảm lương hưu xuống mức thấp hơn, tăng thêm thuế giá trị gia tăng (VAT), và tăng thuế thu nhập, được thực hiện.

Ông Tsipras hiện vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Hy Lạp. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của cử tri Hy Lạp đối với ông ông Tsipras là trên 60%. Hiến pháp Hy Lạp quy định thủ tục tiến hành bầu cử trước thời hạn khá phức tạp trong trường hợp phe đa số tan vỡ khi Quốc hội mới chỉ được bầu dưới 12 tháng.

Sau khi Thủ tướng đệ đơn từ chức, Tổng thống Pavlopoulos không thể tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội ngay lập tức, mà trước hết sẽ phải tham vấn lãnh đạo các đảng khác để xem họ có thể đứng ra thành lập chính phủ mới hay không. Nếu các cuộc tham vấn thất bại - mà điều này gần như là nhắc chắn do thành phần Quốc hội hiện nay khá phân tán, Tổng thống lúc đó mới có quyền tuyên bố và triệu tập bầu cử sớm. 

Cuộc bầu cử tới có thể cho phép ông Tsipras trở lại ghế Thủ tướng ở một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận ông đã ký với các chủ nợ. Nếu trở lại nắm quyền, ông Tsipras sẽ có điều kiện loại bỏ những thành phần chống đối trong nội bộ đảng Syriza, đồng thời tiến tới xây dựng Quốc hội mới có tiếng nói thống nhất hơn.

Thanh Bình (TTXVN)
Thủ tướng Hy Lạp từ chức
Thủ tướng Hy Lạp từ chức

Thủ tướng Hy Lạp đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Prokopis Pavlopoulos đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN