Báo "Độc lập" (Nga) ngày 12/5 đã đăng bài "Mặt trận nhằm giành phe đa số lập hiến - Sáng kiến của ông Putin đang đe dọa “Bộ đôi Putin-Medvedev” với nội dung sau:
Ngày 12/5, ban lãnh đạo Đảng "Nước Nga Thống nhất" (UR) cầm quyền đã bay tới Sochi để gặp nhà lãnh đạo của mình là đương kim Thủ tướng Vladimir Putin nhằm bàn bạc chi tiết việc thành lập Mặt trận Dân tộc toàn nước Nga (ONF). Theo các chuyên gia, sáng kiến thành lập ONF của ông Putin đang phá vỡ thế cân bằng trong "Bộ đôi Putin-Medvedev" và giảm bớt không gian chính trị của đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev.
Phát biểu tại kỳ họp Liên hiệp các nhà chế tạo máy Nga ở Tolyati ngày 11/5, Thủ tướng kiêm Chủ tịch UR - ông Putin - đã thông báo rằng, ONF sẽ góp phần đưa ra những ý tưởng mới, trước hết để đông đảo thanh niên Nga có thể tham gia thực hiện các dự án mang tính đột phá, giúp thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ông Putin bày tỏ hy vọng Liên hiệp các nhà chế tạo máy Nga có thể góp phần tìm kiếm các tài năng cho những dự án như vậy.
Mặc dù Phó Thư ký Đoàn Chủ tịch Hội đồng tối cao UR Yuri Shuvalov đã bác bỏ tin cho rằng việc thành lập ONF là biện pháp tranh cử đầu tiên của chính đảng cầm quyền, nhưng Phó Thư ký thứ nhất Đoàn Chủ tịch Hội đồng tối cao UR Andrey Isaev lại đính chính rằng việc thành lập ONF sẽ giúp UR đưa vào danh sách tranh cử của Đảng thêm khoảng 150 đại diện các tổ chức xã hội không tham gia bất kỳ chính đảng nào. Điều đó cho phép UR giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn của các cử tri và giành đa số lập hiến tại cuộc bầu cử Đuma Quốc gia khóa mới. Trong khi đó, Điều phối viên Câu lạc bộ Yêu nước của UR kiêm Đại biểu Đuma Quốc gia Irina Yarovaia lại cố gắng "lấp chỗ trống" trong sự khác biệt của hai đồng nghiệp bằng tuyên bố "Vladimir Putin đề nghị thành lập ONF không phải để giành thắng lợi tại cuộc bầu cử tới, mà để góp phần giải quyết những vấn đề chiến lược đang đặt ra cho Liên bang Nga".
Tuy nhiên, đại biểu Sergey Ivanov thuộc Đảng Tự do-Dân chủ Nga (LDPR) cho rằng, do UR có khả năng giành được ít lá phiếu ủng hộ hơn so với cuộc bầu cử Đuma khóa trước, nên ông Putin đã nêu sáng kiến thành lập ONF để giành thêm sự ủng hộ của cử tri. Phó trưởng phái đại biểu "Nước Nga Công bằng" Mikhail Emelyanov thì cho rằng, do chiếm phe đa số trong Đuma hiện tại nên UR có mọi khả năng điều chỉnh Hiến pháp để duy trì quyền lực theo phương án mà ông Putin lựa chọn.
Giám đốc Học viện Phát triển Hiện đại Igor Yurghens nhận định do không liên minh tranh cử được với Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) nên lãnh đạo UR phải nghĩ ra cách khôi phục ONF đã lỗi thời. Tuy vậy, với ONF, chính đảng cầm quyền cũng chỉ giành thêm được khoảng 1-2% số phiếu ủng hộ mà thôi. Trong khi đó, ông Putin vẫn sẽ là "Thủ lĩnh Dân tộc Nga" nếu ông Medvedev tiếp tục làm Tổng thống. Giám đốc Quỹ "Chính sách hữu hiệu" Gleb Pavlovsky đánh giá sáng kiến của ông Putin "đa dạng và nhằm nhiều mục tiêu, trong đó, mục tiêu chính là biến cuộc vận động tranh cử thành quá trình diễn ra trong nội bộ đồng minh của Thủ tướng Putin, nhưng không có chỗ cho Tổng thống Medvedev". Như vậy, hoạt động phối hợp ở mức độ cao cho tới nay của "Bộ đôi Putin-Medvedev" đã bị phá vỡ.
Trong khi đó, hãng tin AFP (Pháp), ngày 12/5 cho biết, Tổng thống Medvedev đã cam kết sẽ có phản ứng trước các nỗ lực thành lập ONF của ông Putin trước khi diễn ra các cuộc bầu cử. Ông Medvedev đã thẳng thừng từ chối trả lời về việc có ủng hộ sáng kiến thành lập ONF của ông Putin hay không mà chỉ nói: "Cùng với sự xuất hiện của liên minh này sẽ là nỗ lực thành lập các liên minh, các diễn đàn bầu cử khác để giành được kết quả cao nhất trong cuộc bầu cử. Tôi tin rằng các cơ cấu chính trị, các khối và các đảng khác cũng sẽ cố tham gia đầy đủ vào cuộc vận động tranh cử. Không một lực lượng chính trị đơn lẻ nào có thể tự coi mình là lực lượng chủ đạo, nhưng mỗi lực lượng nên phấn đấu để giành được nhiều thành công nhất".
Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga)