Thủ đô Tehran và các thành phố lớn của Iran những tuần gần đây chìm trong bóng tối khi tình trạng mất điện kéo dài khiến cuộc sống của hàng triệu người rơi vào cảnh tù mù. Đèn giao thông tắt ngúm. Các văn phòng tối om. Những lớp học trực tuyến phải dừng lại.
Trong lúc làn khói độc hại bao phủ bầu trời Tehran, đất nước thì oằn mình dưới đại dịch COVID và những cuộc khủng hoảng khác, mạng xã hội tràn ngập những đồn đoán. Và chẳng bao lâu, các anh hùng bàn phím đã chỉ ra một thủ phạm ít ngờ: Bitcoin.
Trong vòng vài ngày, khi sự thất vọng lan rộng trong cư dân, chính phủ đã phát động một chiến dịch trấn áp trên diện rộng nhằm vào các trung tâm xử lý Bitcoin, vốn đòi hỏi một lượng điện khổng lồ để cung cấp năng lượng cho các máy tính chuyên dụng và giữ chúng ở nhiệt độ mát - đó thực sự là một gánh nặng với lưới điện của Iran.
Nhà chức trách đã đóng cửa 1.600 trung tâm như vậy trên khắp đất nước, trong đó lần đầu tiên, bao gồm cả những trung tâm “đào” Bitcoin hoạt động hợp pháp.
Chiến dịch trấn áp này đã gây ra những bối rối trong ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử, với những nghi ngờ rằng Bitcoin có thể chỉ là bề nổi trong những vấn đề sâu xa hơn của quốc gia.
Bitcoin "toả sáng" ở Iran
Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi Thoả thuận hạt nhân 2015 với Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, đồng tiền ảo Bitcoin đã “lên ngôi” ở nước Cộng hoà Hồi giáo này.
Với Tehran, các giao dịch trực tuyến ẩn danh được thực hiện bằng tiền điện tử cho phép các cá nhân và công ty vượt qua những lệnh trừng phạt ngân hàng đã làm tê liệt nền kinh tế. Bitcoin cung cấp một giải pháp thay thế cho tiền mặt được in bởi các chính phủ và ngân hàng trung ương. Và trong trường hợp Iran hay những quốc gia bị trừng phạt như Venezuela, Bitcoin là một nơi ổn định hơn để "gửi” tiền so với đồng nội tệ.
Ziya Sadr, một chuyên gia Bitcoin làm việc tại Tehran, cho biết: “Người Iran hiểu giá trị của một mạng lưới không biên giới như vậy nhiều hơn những mạng khác bởi vì chúng tôi không thể truy cập vào bất kỳ loại mạng thanh toán toàn cầu nào. Bitcoin tỏa sáng ở đây”.
Nguồn điện vốn được trợ cấp hào phóng của Iran đã đưa nước này lên bản đồ các quốc gia tích cực khai thác tiền điện tử nhất thế giới. Giá điện ở Iran chỉ khoảng 4 cent/1kWh (khoảng 1.000 đồng), so với mức trung bình là 13 cent (3.000 đồng) ở Mỹ.
Iran là một trong 10 quốc gia có công suất tiêu thụ điện cho khai thác tiền ảo nhiều nhất thế giới -với 450 megawatt môĩ ngày; trong khi mạng lưới của Mỹ có công suất hàng ngày là trên 1.100 megawatt.
Ở ngoại ô Tehran cũng như trên khắp miền Nam và Tây Bắc Iran, những nhà kho không cửa sổ, ồn ào với máy móc công nghiệp nặng và hàng dãy máy tính liên tục chạy những thuật toán phức tạp để xác minh các giao dịch. Những giao dịch, được gọi là “khối” (block), sau đó được bổ sung vào một bản ghi công khai, được gọi là “chuỗi khối” (blockchain).
Những “thợ đào” bổ sung khối mới vào chuỗi mới sẽ thu phí bằng Bitcoin, một lợi thế quan trọng trong bối cảnh đồng nội tệ của Iran đang sụp đổ. Đồng rial, từng được giao dịch với tỷ giá 32.000/USD vào thời điểm ký thoả thuận hạt nhân 2015, nay tụt thê thảm xuống khoảng 240.000 rial/1 USD.
Chính sách "bối rối"
Chính phủ Iran đã phát đi nhiều thông điệp trái chiều về Bitcoin. Một mặt họ muốn tận dụng thực tế ngày càng phổ biến của tiền kỹ thuật số và nhận ra giá trị của việc hợp pháp hoá các giao dịch nằm dưới tầm kiểm soát của Washington.
Iran đã uỷ thác cho 24 trung tâm xử lý Bitcoin, tiêu thụ năng lượng ước tính 300 megawatt mỗi ngày, thu hút nhiều doanh nhân Trung Quốc am hiểu công nghệ đến các khu vực miễn thuế ở miền Nam đất nước và cho phép nhập khẩu nhiều máy tính chuyên dụng để “đào” Bitcoin.
Tuần tước, Thứ trưởng Thông tin và Viễn thông của Iran, Amir Nazemi tuyên bố, đồng tiền điện tử “có thể hữu ích” khi Iran phải vật lộn đối phó với các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí của họ.
Nhưng mặt khác, chính phủ Iran lại lo lắng về việc hạn chế lượng tiền gửi ra nước ngoài và kiểm soát hoạt động rửa tiền, buôn bán ma tuý và các nhóm tội phạm mạng.
Hôm 21/1, công ty an ninh mạng Sophos của Anh cho hay họ phát hiện bằng chứng các thợ đào tiền kỹ thuật số ở thành phố Shiraz, miền Nam Iran, đã bí mật chiếm quyền kiểm soát hàng nghìn máy chủ của Microsoft.
Nhà chức trách Iran hiện đang trấn áp các trang trại đào Bitcoin trái phép với những cuộc đột kích thường xuyên của cảnh sát.
Khi Tehran chìm trong bóng tối vào tuần trước, một đoạn video cho thấy các máy tính công nghiệp đang quay cuồng tại một trung tâm khai thác tiền điện tử khổng lồ của Trung Quốc tại Iran đã gây ra sự phẫn nộ về cơn “khát điện” quá mức của Bitcoin. Chỉ trong vài ngày, chính phủ ra lệnh đóng cửa nhà máy đó mặc dù nơi đây được cấp phép hoạt động.
"Ưu tiên dành cho các hộ gia đình, thương mại, bệnh viện và những nơi nhạy cảm", ông Mostfa Rajabi Mashhadi, phát ngôn viên Cục Cung cấp điện của Iran, khẳng định, và lưu ý rằng các trung tâm Bitcoin bất hợp pháp hút khoảng 260 megawatt điện hàng ngày.
Đằng sau ngành công nghiệp Bitcoin
Mặc dù hoạt động khai thác Bitcoin làm căng thẳng lưới điện nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là lý do thực sự đằng sau tình trạng mất điện và ô nhiễm không khí nguy hiểm ở Iran. Bộ Viễn thông ước tính rằng hoạt động khai thác Bitcoin tiêu thụ không đầy 2% tổng sản lượng điện của Iran.
“Bitcoin là một nạn nhân dễ đổ tội ở đây,” Kaveh Madani, cựu Phó Cục trưởng Cục Môi trường Iran, nói và bổ sung rằng “hàng thập kỷ quản lý yếu kém” đã để lại khoảng cách ngày càng lớn giữa cung và cầu năng lượng của Iran.
Nguồn cung giảm mạnh hoặc nhu cầu tăng đột biến, chẳng hạn như mùa Đông năm nay nhiều người ở nhà hơn vì đại dịch COVID, có thể làm đảo lộn sự cân bằng của hệ thống lưới điện chủ yếu lấy từ khí tự nhiên.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp dầu khí đang già cỗi của Iran cũng làm gia tăng thách thức, khiến Iran không thể bán các sản phẩm của mình ra nước ngoài, bao gồm cả dầu mazut chất lượng thấp, có hàm lượng lưu huỳnh cao.
Theo quan chức ngành môi trường Iran, Mohammad Mehdi Mirzai, nếu loại dầu độc hại này không được bán hoặc vận chuyển, nó phải được đốt nhanh chóng - và nguyên liệu này được sử dụng ở 20% nhà máy điện của đất nước. Dầu mazut đang âm ỉ làm tối đen bầu trời, đặc biệt khi thời tiết lạnh đi và gió mang theo khí thải từ các nhà máy lọc dầu và khu công nghiệp gần đó vào Tehran.
Trong thời gian mất điện, những lớp ô nhiễm dày đặc bao phủ các đỉnh núi và lơ lửng trên các thành phố, với chỉ số ô nhiễm hạt mịn nguy hiểm tăng vọt lên hơn 200 microgam trên m3, mức được coi là "nguy hiểm" đối với sức khỏe.