Bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha: Mối lo mới sau tín hiệu tạm yên

Đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha Pedro Sanchez và đảng cánh tả Unidas Podemos vừa đạt được thỏa thuận tạm thời về việc thành lập chính phủ liên minh, chỉ 48 giờ sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tổ chức ngày 10/11.

Đây được cho là một động thái khá tích cực nhằm tháo gỡ thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở Tây Ban Nha.

Chú thích ảnh
Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) và lãnh đạo đảng Unidas Podemos, ông Pablo Iglesias sau lễ ký thỏa thuận sơ bộ về thành lập Chính phủ liên minh tại thủ đô Madrid ngày 12/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù PSOE và Unidas Podemos không giành đủ đa số cần thiết 176 ghế tại hạ viện, nhưng việc hai đảng “bắt tay nhau” có thể đưa đến một chính phủ liên minh đầu tiên ở Tây Ban Nha kể từ khi nước này quay trở lại nền dân chủ vào năm 1977. Trong cuộc bầu cử vừa qua, PSOE đã dẫn đầu và giành được 120 ghế tại hạ viện, còn Unidas Podemos giành được 35 ghế. Như vậy, liên minh này cần phải có sự ủng hộ của đảng Ciudadanos, vốn giành được 10 ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, và các đảng khu vực nhỏ hơn khác, bởi vì đây được coi là kịch bản khả thi nhất. 

Theo chương trình nghị sự gồm 10 điểm được hai đảng chia sẻ với báo giới, chính phủ liên minh “tiến bộ” mới này sẽ tập trung vào những ưu tiên như kiến tạo việc làm, cải thiện các quyền về lao động, đấu tranh chống tham nhũng và chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự bình đẳng giới và công bằng xã hội. Về vấn đề Catalonia, hai đảng nhất trí sự cần thiết phải đối thoại nhằm hướng tới bình thường hóa đời sống chính trị ở vùng này. Cả Thủ tướng tạm quyền Pedro Sánchez và lãnh đạo đảng Unidas Podemos, ông Pablo Iglesias cam kết sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo một đa số cần thiết tại quốc hội cũng như để lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới. Theo báo chí địa phương, ông Pablo Iglesias sẽ giữ chức Phó Thủ tướng nếu chính phủ liên minh này trở thành hiện thực. 

Tuy nhiên, liên minh của ông Sanchez đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối từ các chính đảng chủ chốt khác. Lãnh đạo đảng Nhân dân (PP) theo đường lối bảo thủ Pablo Casado tuyên bố không ủng hộ liên minh này, đồng thời kêu gọi ông Sanchez rút lui để nhường chỗ cho PP lên nắm quyền. Lãnh đạo đảng cực hữu Vox, ông Santiago Abascal thì cáo buộc ông Sanchez phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự hủy hoại nào đối với trật tự hiến pháp. Có thể khẳng định khả năng hai đảng PP và Vox ủng hộ liên minh tiến bộ của ông Sanchez là không hề có, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Trong cuộc bầu cử vừa qua, PP giành được 88 ghế, về thứ hai và đảng Vox giành được 52 ghế, về thứ ba. 

Ngoài ra, đảng Ciudadanos dường như cũng không ủng hộ ông Sanchez với việc cho rằng liên minh mới “sẽ làm phương hại đến lợi ích của đa số người dân Tây Ban Nha”. Trong khi đó, đảng Cộng hòa Cánh tả Catalonia (ERC) theo chủ trương ly khai thì tuyên bố vào thời điểm này, ERC chưa sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận giữa PSOE và Unidas Podemos. Một số ý kiến nhận định chủ trương của ERC là muốn đàm phán và mặc cả về vấn đề Catalonia nếu như họ được mời tham gia liên minh “tiến bộ” của ông Sanchez. 

Ngay sau khi thỏa thuận liên minh nói trên được công bố, chỉ số chứng khoán Ibex 35 của Tây Ban Nha đã lao dốc khoảng 0,9% trong khi trước đó đang ở mức tăng 0,3%. Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là do thị trường vẫn còn hoài nghi về việc liệu thỏa thuận tạm thời nói trên có đưa đến một chính phủ hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, thị trường cũng luôn có xu hướng ít “mặn mà” với một liên minh cánh tả giữa PSOE và Podemos so với một liên minh của phe trung hữu. Trong thời gian vận động tranh cử, đảng Unidas Podemos đã kịch kiệt phản đối việc tư nhân hóa ngân hàng Bankia do nhà nước kiểm soát. Trong phiên giao dịch ngày 12/10, cổ phiếu của ngân hàng này đã bị giảm tới 4,5%.

Quốc hội mới của Tây Ban Nha sẽ được triệu tập vào tháng tới và sẽ tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn chính phủ mới. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez vẫn còn có thời gian để thuyết phục các đảng nhỏ khác, như Ciudadanos và ERC, tham gia liên minh “tiến bộ” của mình. Dĩ nhiên để làm được điều này phải có những “nhượng bộ chính trị” đi kèm. Hoặc ít ra ông Sanchez sẽ thuyết phục những đảng này “không bỏ phiếu” trong phiên phê chuẩn chức thủ tướng của ông tại hạ viện. Trong trường hợp đó, Tây Ban Nha sẽ có một chính phủ liên minh “thiểu số” giữa hai đảng PSOE và Unidas Podemos với sự ổn định không cao. 

Tây Ban Nha lâm vào bế tắc chính trị kéo dài gần 1 năm qua. Cuộc bầu cử vừa qua là cuộc bầu cử lần thứ hai trong năm nay và cũng là lần thứ tư trong vòng 4 năm trở lại đây. Kể từ năm 2015, Tây Ban Nha đã không thể thiết lập một chính phủ ổn định. Những chính đảng được thành lập sau khủng hoảng kinh tế đã tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đảng lớn là PSOE và PP để vươn lên thành những thế lực mới tại Tây Ban Nha. Điển hình trong số này chính là VOX, giành được số ghế tăng hơn gấp đôi (24 lên 52) trong cuộc bầu cử lần này so với cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019. Sự trỗi dậy của VOX với quan điểm cứng rắn về vấn đề người di cư và Hồi giáo giống như các đảng cực hữu khác trên khắp châu Âu phản ánh một thực tế đáng ngại: Các đảng cực hữu đang tận dụng những lỗ hổng trong giải quyết vấn đề người di cư để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân. Điều này khiến Tây Ban Nha có nguy cơ tiếp tục rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị trong thời gian tới.

Giới phân tích cho rằng tình trạng thiếu một chính phủ ổn định, đoàn kết sẽ khiến việc giải quyết những thách thức chính trị và kinh tế của Tây Ban Nha trở nên khó khăn. Thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha đang có dấu hiệu chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng ở mức dưới 2% vào năm tới và đây sẽ là lần đầu tiên kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng thấp như vậy kể từ năm 2014. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha năm 2019 và 2020 lần lượt xuống còn 1,1% và 1,2%. Tỷ lệ thất nghiệp, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, đã sụt giảm mạnh, song vẫn ở mức cao của Liên minh châu Âu (EU) và chỉ đứng sau Hy Lạp. Tình hình Catalonia ít nhiều đã hạ nhiệt, song vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối mà các đời chính phủ Tây Ban Nha gần đây chưa thể giải quyết dứt điểm.

Tây Ban Nha đang rất cần một chính phủ ổn định và đoàn kết, có đầy đủ năng lực nhằm gìn giữ, phát huy các thành quả kinh tế đạt được trong những năm gần đây (nước này trong 7 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 2,5 đến 3%) và giải quyết vấn đề nóng Catalonia. Liệu chính phủ sắp tới của Tây Ban Nha có được như vậy hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong bối cảnh các lực lượng chính trị của nước này đang bị phân mảnh, rời rạc và đầy chia rẽ.

Ngự Bình (Phóng viên TTXVN tại Nam Âu)
Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha kêu gọi phá vỡ thế bế tắc chính trị
Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha kêu gọi phá vỡ thế bế tắc chính trị

Thủ tướng tạm quyền Tây Ban Nha khẳng định mục tiêu của ông là thành lập một chính phủ ổn định và “cấp tiến”. Theo ông Sanchez, đàm phán giữa các đảng phái dự kiến bắt đầu triển khai ngay từ ngày 11/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN