Bảo vệ 'nền tảng của sự sống'

Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, các tình nguyện viên ở thành phố biển Pattaya, Thái Lan, cần mẫn thu gom rác thải nhựa trôi dạt và nằm vương vãi trên bãi cát, sau đó tập hợp, phân loại và đưa đi xử lý đúng cách. Hoạt động làm sạch bãi biển này là một trong những sáng kiến của bà Amara Wichithong, nhà bảo vệ môi trường và là cựu vô địch thế giới môn lướt ván buồm, nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ngày càng gia tăng gây ô nhiễm đại dương.

Các sáng kiến của bà Wichithong, 60 tuổi, đang nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của người dân địa phương. Tuy nhiên, theo nhà sinh thái học Thon Thamrongnawasawat tại Đại học Kasetsart, việc thu gom rác thải nhựa là cần thiết, nhưng không đủ để ngăn chặn ô nhiễm nhựa ở đại dương, bởi lượng rác nhựa trôi dạt vào bờ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và một lượng đáng kể rác nhựa vẫn nằm sâu dưới đáy biển.

Chú thích ảnh
Dọn rác thải nhựa trên Vịnh Saronic, Hy Lạp ngày 26/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm có khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương, làm suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái biển, gây nguy hiểm cho sinh vật biển và sinh kế của con người. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính con số này có thể tăng lên đến 1 tỷ tấn vào năm 2060. Những loài sinh vật nhỏ như tôm, cua, hàu cho đến những loài lớn như cá voi đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ, các đại dương phải “oằn mình” hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ với những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần hay găng tay cao su tràn ngập các bãi biển.

Ngay cả ở những vùng biển xa xôi ở Bắc Cực, lượng rác nhựa cũng ngày càng tăng và ước tính có tới 13.000 hạt vi nhựa trên mỗi kg trầm tích. Theo Trung tâm Nghiên cứu vùng cực và đại dương Helmholtz (AWI) ở Đức, rác nhựa ở Bắc Cực có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Như vậy, có thể thấy, nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là một thách thức môi trường lớn.

Đại dương là một phần quan trọng của Trái Đất, cung cấp hầu hết những thứ thiết yếu để biến Trái Đất trở thành hành tinh có thể duy trì được sự sống. Đại dương bao phủ 70% bề mặt “hành tinh Xanh”, là nơi sinh sống của khoảng 80% đa dạng sinh học trên thế giới. Đại dương được coi như “lá phổi” của hành tinh, giúp điều hòa khí hậu, sản sinh oxy và cung cấp môi trường sống cho hàng tỷ người và các hệ động thực vật. Biển và đại dương còn là kho tài nguyên vô tận, cung cấp một lượng lớn khoáng sản, khoáng chất dạng muối, đặc biệt là dầu khí. Không những thế, biển và đại dương là con đường giao thông vận tải có ý nghĩa to lớn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương, nhưng đại dương chỉ đang nhận được một phần nhỏ sự quan tâm so với những gì mà đại dương mang lại cho hành tinh của chúng ta. Cùng với nạn ô nhiễm nhựa, tình trạng khai thác quá mức các tài nguyên biển, ô nhiễm nước thải, axit hóa và biến đổi khí hậu do những hoạt động của con người đang gây ra những tác động tiêu cực đối với đại dương.

Chú thích ảnh
Rác thải nhựa trôi trên Ấn Độ Dương, gần thị trấn Ahangama ở Galle, Sri Lanka, ngày 31/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Kathryn Matthews - nhà khoa học cấp cao thuộc tổ chức phi chính phủ Oceana có trụ sở tại Mỹ - cho biết ít nhất 30% trữ lượng cá tự nhiên bị đánh bắt quá mức, trong khi có chưa tới 10% diện tích đại dương được bảo vệ. Biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của môi trường sinh thái biển, khiến các đại dương ngày càng bị axit hóa, đe dọa sự sống của các loài sinh vật biển.

Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã cảnh báo nếu không thể triển khai một hiệp ước bảo vệ đại dương toàn cầu thì đến năm 2030, thế giới sẽ mất đi cơ hội bảo vệ 30% diện tích các đại dương - vốn là ngưỡng tối thiểu mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp đại dương hồi phục từ tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà hoạch định chính sách, từ năm 2008, LHQ đã chọn ngày 8/6 hằng năm làm Ngày Đại dương thế giới như một lời nhắc nhở cộng đồng quốc tế chung tay hành động “vì sự bền vững của biển cả”. Năm nay, chủ đề của Ngày Đại dương thế giới được LHQ phát động là “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi”, với ẩn ý rằng đại dương đang thay đổi, do đó nhân loại cần cùng hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu này của thế giới và đảm bảo nền tảng cho một tương lai bền vững.

Hiện LHQ đang phối hợp với các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, giám đốc điều hành khu vực tư nhân, cộng đồng bản địa và các nhà hoạt động vì môi trường để thúc đẩy các hiệp ước lấy đại dương làm trọng tâm. Dự kiến, trong các ngày 19-20/6 tới, Đại hội đồng LHQ sẽ thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển và đại dương. Hiệp ước này nếu được thông qua sẽ là một bước tiến quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022. Cùng với đó, LHQ cũng đang thúc đẩy để có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế vào năm 2024 nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa.    

Chú thích ảnh
Vận chuyển rác thải nhựa tại Lahore, Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2023, Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 - 8/6) năm 2023 với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”, nhằm thực thi Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Rõ ràng, để bảo vệ “nền tảng của sự sống”, cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục thúc đẩy hành động, đặt đại dương lên hàng đầu và trở thành “người bạn tốt nhất của đại dương” - như lời kêu gọi của Tổng Thư ký  LHQ Antonio Guterres đưa ra trong thông điệp nhân Ngày Đại dương thế giới năm nay.

Phan An (TTXVN)
LHQ sẽ công bố dự thảo về hiệp định ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa vào cuối năm nay
LHQ sẽ công bố dự thảo về hiệp định ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa vào cuối năm nay

Ngày 2/6, đại diện của 175 quốc gia tham dự vòng đàm phán thứ hai của Liên hợp quốc (LHQ) về hiệp định ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa diễn ra ở Paris đã nhất trí sẽ soạn thảo bản dự thảo đầu tiên của hiệp định này vào cuối tháng 11/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN